Nhân đọc bài pháp luận “tấm lòng bao dung” của h.t. Thích trí quảng

Thảo luận trong 'Phản ảnh của tín đồ PGHH' bắt đầu bởi Hhuynh, 24/2/14.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator

    NHÂN ĐỌC BÀI PHÁP LUẬN “TẤM LÒNG BAO DUNG”
    CỦA H.T. THÍCH TRÍ QUẢNG THUYẾT GIẢNG TẠI TRƯỜNG HẠ CHÙA HỘI KHÁNH, BÌNH DƯƠNG.

    HOÀNG DƯỢC SƯ .

    Tôi có một người bạn Luật sư ở Sài gòn, anh ta biết tôi là người quê kệch, thân lại ở quá xa thị thiềng, nên mỗi khi có điều gì hay hay là anh ta tìm cách gởi về cho tôi để mở mang kiến thức!

    Trân trọng tấm lòng ưu ái của bạn bè, tôi vội vàng mở ra đọc ngấu nghiến, bài giảng được đăng hai kỳ trên tuần báo Giác Ngộ, của Hòa Thượng Thích Trí Quảng; Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự GHPGVN, Viện Trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp HCM, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Trưởng Ban Phật Giáo Quốc Tế TƯ/GH-PGVN, Trưởng Ban Trị Sự Thành Hội Phật Giáo Tp.HCM, Tổng Biên Tập Báo Giác Ngộ… dự tính cố đọc cho xong vì tôi có rất ít thời giờ. Đọc qua một lần tôi cảm thấy rằng không được, phải đọc lại một lần nữa, rồi một lần nữa, một lần nữa…

    Mở đầu, Hòa thượng Trí Quảng viết: Hôm nay đến thăm trường hạ chùa Hội Khánh, tôi rất vui khi thấy Phật giáo tỉnh Bình Dương phát triển. Hồi tưởng lại lúc Phật Giáo suy đồi là thời Pháp thuộc,lúc bấy giờ tôi xuất gia, tìm một trường hạ an cư không có, tìm một chùa để nghe pháp cũng không có. Vì vậy, vào thời đó, tuy xuất gia nhưng chỉ học được hai thời công phu và tụng kinh cầu an cầu siêu; còn khá hơn nữa là học ứng phú trai đàn. Cho nên ở thời Phật Giáo suy đồi, khi người dân trông thấy hình bóng nhà tu thì liền nghĩ rằng trong xóm hay trong làng có người chết.”

    Như vậy là đúng rồi, chính một bậc điều chúng như Hòa Thượng cũng xác nhận trước hội chúng tỉnh Bình Dương là Phật giáo cũng đã có một lúc suy đồi vào thời Pháp thuộc! Thế thì tại sao một luận văn tốt nghiệp của khóa 4 hoàn toàn phủ nhận điều nầy mà vẫn được chấm chọn là đạt yêu cầu? Trách nhiệm hoằng pháp và điều chúng của Hòa Thượng để ở đâu mà để cho một Học Viện tầm cở của Phật giáo Việt Nam lại làm cái chuyệnđầu Ngô mình Sở” như vậy ?


    Nếu luận văn của Thiện Huệ là đúng và đã đạt yêu cầu thì Hòa thượng đã sai, khi thuyết giảng mà không chịu nghiên cứu cái tập luận văn độc nhất vô nhị của ông học trò của mình! Hãy nghe ông trời con viết: “Căn cứ vào lịch sử Phật giáo Việt Nam, chưa bao giờ chúng ta thấy có một Phật giáo bị “lu mờ mất gốc”... Hòa Thượng đã thuyết pháp không đúng ý ông học trò của mình rồi đấy, coi chừng có ngày Hòa Thượng cũng bị ông “học trò” chưởi cho một trận!

    Rất có thể Hòa thượng sẽ cho tôi đang có “Địa ngục chủng tử” theo cách dạy của Tổ Huệ Đăng thì cũng đành cam chịu! Nếu quả là như vậy thì Hòa thượng cũng nên xem lại cái Địa ngục chủng tử ấy nó xuất phát từ nơi nào? Hòa thượng hãy xem lại toàn bộ cái gọi là “Luận Văn Tốt Nghiệp” của Tăng sinh mình, tất Hòa thượng sẽ thấy cái câu Thị pháp du như hý luận tràng của Tổ Huệ Đăng nhằm chỉ cho ai. Có phải là Tổ chỉ ngay người Tăng sinh tăng thượng mạn Thiện Huệ, chẳng những thế Tổ còn chỉ vào những người phê duyệt Minh Chi và Thích Giác Toàn, bởi cái Địa ngục chủng tử nó luôn tồn tại trong mỗi chúng sanh ta, như cách nói, cách diễn đạt của Phật giáo thì Tâm còn được gọi là Tâm địa. Mở đầu kinh Địa Tạng có bài ca ngợi Ngài Địa Tạng như thế này: “Khế thủ từ bi đại giáo chủ. Địa ngôn kiên hậu quãng hàm tàng”. Tâm ta luôn có tính năng tàng, năng là sở trường, là chuyên môn. Tàng là bảo trì là cất chứa giữ gìn, hai chữ kiên hậu có nghĩa là chắc chắn, vững bền sâu dày…cái hạt giống địa ngục của Thiện Huệ thì luôn có sẳn, nếu nó không được tưới tẩm bởi người thầy hướng dẫn Minh Chi, bởi người thay mặt cho Hội Đồng Điều Hành Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành phố HCM Thích Giác Toàn thì làm sao nó hiện hành được! Một khi nó hiện hành, thì Hòa điền trùng giá đa đa kiến là lẽ tất nhiên, do sự tưới tẩm vô ý thức của một sự phê duyệt vô cảm luận văn đạt yêu cầu, cùng lúc kéo theo nhiều hạt giống địa ngục khác từ những miếng đất tâm của cộng đồng bị “xâm thực”. Người có khả năng nhổ đi những địa ngục chủng tử chính là Hòa Thượng, một bậc điều chúng được tăng đoàn ủy thác, thế nhưng Hòa Thượng lại làm ngơ thì còn nói gì nữa đến Tấm Lòng Bao Dung!

    Chính Hòa Thượng cũng phải than vản: Chúng ta có học và tu thì Phật giáo mới hưng thịnh. Thiếu học và tu chắc chắn Phật giáo bị suy đồi. Nhắc đến lời di huấn của Phật, phải nghĩ đến việc học và tu. Học để tu. Kinh Pháp Hoa đưa ra thí dụ một người chột mắt, một người què chân. Người mù ví cho người tu nhưng không có học. Người què thì có mắt nhưng không đi được. Người có mắt hay có học cứ thấy mình giỏi, hiểu biết nhiều, nên thường chê những người tu không học là người dốt. Còn người tu thì chê người có học chỉ là cái đãy sách hay chỉ nói suông. Chê bai như vậy dẫn đến sự kỳ thị và chống trái lẫn nhau…Vậy thì, qua thái độ kỳ thị của tăng sinh mình, Hòa thượng cứ mãi im hơi lặng tiếng, trong khi Hòa thượng chính là người có thẩm quyền hơn ai hết, phải chăng ấy cũng là một cách tưới tẩm vào tâm đố kỵ của môn sinh mình? Thân là một Viện trưởng của một học viện đào tạo những sư sải kế thừa mà để cho từ người hướng dẫn, đến người phê duyệt thiếu trách nhiệm, nếu không muốn nói là có những mưu toan phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, chà đạp lên tấm lòng tự trọng của những con người ít nhiều cũng đã từng cung cấp vật thực, cho tăng chúng được no ấm để mà tu hành, như vậy thì thế nào là: Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành? Không cần phải lý giải đúng sai về giáo pháp bởi Phật pháp thì bất nhị và Phật pháp cũng chính là vô lượng pháp, nên ở cõi thế này chẳng có điều gì không phải là pháp! Chỉ xin hỏi Hòa thượng; nếu căn cứ vào pháp lệnh Tôn giáo, vào những qui định cụ thể của pháp luật thì việc thóa mạ một Tôn giáo, việc xúi dục kẻ dưới quyền mình lăng nhục nhân cách, giáo pháp, Giáo chủ, cộng đồng đồ chúng được luật pháp bảo hộ là đúng hay sai? Đã là sai thì tại sao một tập thể luôn được nhiều Phật tử tôn xưng là những bậc tôn đức vẫn chưa có một động thái thành tâm sám hối sửa sai nào vậy?

    Hòa thượng cũng nói: Nhìn người với niềm trân trọng, đương nhiên cũng trân trọng mình. Đừng nhìn người theo thế đối lập. Tìm cái tốt của người mà tiếp xúc, nói chuyện, chắc chắn họ cũng thấy mình tốt. Lời dạy của Hòa thượng đối với chúng tăng nghe cũng được. Nhưng chợt nhìn lại cái luận văn Tốt nghiệp của Thích Thiện Huệ thì chẳng khác nào “đàn khảy tai cây”. Nếu Hòa thượng thật lòng muốn dạy chúng thì hãy hành động đi. Hay là Hòa thượng muốn đem những lời dạy nầy cho những người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo để nhằm xoa dịu nổi đau lẫn niềm công phẩn của họ? Điều này thì không thể, một khi kẻ làm lỗi cũng như những người có trách nhiệm chẳng chịu nhìn thấy lỗi lầm của mình thì làm sao bên bị xâm hại có thể bỏ qua! Như đã nói, không cần đến những lý luận đúng sai về giáo pháp mà chỉ nhìn vào nền tảng pháp qui thì không ai mà không cho rằng hành vi phỉ báng, lẫn việc thúc đẩy phỉ báng một tôn giáo khác có tư cách pháp nhân là vi phạm pháp luật hiện hành. Thế tại sao Hòa thượng lại im hơi lặng tiếng? Thú thật là cộng đồng Phật giáo Hòa Hảo chúng tôi không thể hiểu được điều nầy! Có lẽ chính vì vậy mà mối giao tình của chúng ta; người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và các vị tăng sải Phật giáo đôi lúc xuất hiện những rạn nứt không đáng có. Trách nhiệm ấy là của ai?

    Tôi cố gắng tìm hiểu vấn đề xem nó nằm ở chỗ nào mà lại khiến cho tình hình phức tạp như vậy, đúng ra thì nó phải được dập tắt êm thắm ngay từ khi vấn đề được phát hiện. Cố xem lại một lần nữa bài thuyết pháp “Tấm Lòng Bao Dung” của Hòa Thượng, tôi mới thấy được nguyên do sự việc nó nằm ở đâu. Nó đang nằm ở sự hoang mang và sợ hải của Hòa thượng. Hòa thượng viết: Trên bước đường hành đạo, đến đâu nhìn thấy thực tại nơi đó mà biết được dân tình và tùy theo đó mà đáp ứng được yêu cầu của họ. Đáp ứng được,họ sẽ ủng hộ, các thầy Tổ truyền giáo như vậy. Người không theo quy trình này phải thất bại, hay bị họ giết. Xưa kia, Tôn giả Mục Kiền Liên phạm phải sai lầm này, ngài vào địa bàn của nhóm lõa thể ngoại đạo mà tuyên thuyết Phật đạo, bị họ sát hại. Học được kinh nghiệm này, tôi hoằng pháp ít nhất trong 40 năm đã vượt qua những chướng ngại, được an ổn… Thì ra, Hòa thượng vốn là người không muốn “nhập Niết Bàn” sớm, nên lúc nào Hòa thượng cũng bị ám ảnh bởi “sự sai lầm của Tôn giả Mục Kiền Liên”! Nổi sợ hải ấy đã khiến cho Hòa thượng không dám phân biệt phải trái, không dám thanh lọc hàng Tăng chúng để loại bỏ những phần tử phá hoại, làm đổ vỡ khối Đại Đoàn Kết Dân Tộc, xô đẩy những người con của Phật ngày càng xa lìa hội chúng.

    Bởi vì quá sợ “nhập Niết Bàn”, nên Hòa thượng nhìn vấn đề không đúng theo chánh pháp; giống như người sợ ma, chỉ cần một cơn gió thoảng, một chiếc lá rơi là hình dung ra không biết bao nhiêu hình ảnh quái dị, để rồi hoang mang lo sợ!

    Trong hàng Phật tử dù xuất gia hay tại gia ai cũng biết rằng Ngài Mục Kiền Liên (Moggallana) là vị được xem như là người đệ tử Thần thông đệ nhất của Đức Phật. Trước cái chết của Ngài Mục Kiền Liên một vị khất sĩ xin Phật giải nghi:

    - Bạch Thế Tôn, sư huynh Moggallana thần thông xuất chúng sao không chống lại nổi với ngoại đạo, đến nổi phải bị sát hại?

    - Này các thầy, không phải Moggallana không chống cự nổi với ngoại đạo, nhưng vì trong đời quá khứ Moggallana đã nghe lời vợ, giả làm bọn cướp, dùng cây đánh cha mẹ già mù lòa đến gãy xương chết giữa rừng; và trong một kiếp khác đã làm nghề chài lưới sát hại oan uổng không biết bao nhiêu sanh linh, do đó ngày nay phải chịu quả báo. Các thầy nên biết thần thông không qua được nghiệp lực, chỉ có sám hối mới có thể làm cho quả báo nhẹ bớt.(Theo Sự tích Đức Phật – Trần Hữu Danh).

    Căn cứ vào nhiều tài liệu Phật giáo khác. Đức Phật cũng nhiều lần dạy:

    - Này các Tỳ kheo, khi Mục Kiền Liên lâm nạn, chẳng phải ông ấy không biết đề phòng. Ông ấy có thể bảo vệ cho mình khỏi chết. Nhưng đó không phải là biện pháp cứu cánh. Người tu hành không thể làm sai phép tắc nhơn quả. Ông ấy gieo nhân chài cá, nghiệp sát sanh phải kết thúc bằng quả bị hại. Mục Kiền Liên đã phát nguyện đem mạng sống hy sinh cho chân lý. Đó là mãn nguyện của ông, ông ấy rất hoan hỹ nhập diệt. Nếu đệ tử của ta đều có tinh thần của Mục Kiền Liên thì Phật pháp lại phát huy rộng lớn. Các ông nên bắt chước theo Mục Kiền Liên…

    Dựa vào kinh pháp nào mà Hòa thượng lại cho rằng Tôn giả Mục Kiền Liên bị sát hại là bởi phạm phải sai lầm? Sai lầm tại sao Đức Phật lại khuyên dạy các vị Tỳ kheo bắt chước theo Tôn giả Mục Kiền Liên? Chẳng lẽ Hòa thượng lại sợ người Tăng sinh của mình như sợ “nhóm người lõa thể ngoại đạo”, nếu không thì Hòa thượng sợ hải thứ quyền lực nào, hay đã nhận “chỉ thị” của ai mà không thể chủ trì công đạo?

    Hòa thượng cũng khẳng định: “Tôi có nhiều bạn thân Hòa Hảo,nhất là cậu Hai Thanh Sĩ. Tôi hỏi Ngài cách sống ở Nhật, nhờ ngài hướng dẫn…”. Nếu đã là như vậy, thì trong cái mà Hòa thượng gọi là “bạn thân” ấy trong lúc này Hòa thượng quẳng nó đi đâu mà để cho Tăng sinh dưới quyền “điều chúng” của mình chẳng những xúc phạm và sĩ nhục thô bạo đến Người Thầy của bạn thân mình, lẫn người bạn thân “dốt nát” mà mình lại xem như chẳng có gì xảy ra, thì ai còn có thể tin tưởng vào lời thuyết giáo của Hòa thượng nữa? Người bạn thân nhất của Hòa thượng ở trên trời chắc chắn sẽ nhìn vào cách giải quyết vấn đề của Hòa thượng cũng phải hối tiếc cho mối giao tình trót đã phó thác vào Hòa thượng! Những người bạn thân dốt nát Phật giáo Hòa Hảo họ sẽ nghĩ thế nào về Hòa thượng; người bạn thân thiết Phật giáo Việt Nam! Cái vấn đề không phải nằm ở chỗ chỉ vãn hồi tình cảm cho một vài người, cho những người bạn thân mà nó chính là khối đại đoàn kết dân tộc nói chung, và khối cộng đồng tín ngưỡng Tôn giáo nói riêng, trong một đất nước có pháp quyền, có nền văn hóa tín ngưỡng Phật giáo lâu đời!

    Tôi chỉ xin chia sẻ những trăn trở trên với Hòa thượng và cũng xin mạn phép mượn lời của Hòa thượng để kết thúc bài viết nầy: Trí tuệ con người làm nên tất cả. Là đệ tử Phật, người tu phải phát huy trí tuệ và thâm nhập pháp, chuyển các pháp trở thành Phật pháp. Chính vì vậy, trong xã hội ngày nay, có nhiều nhà sư có trí tuệ sẽ ảnh hưởng tốt cho nhiều người, giúp đất nước phát triển là xây dựng con đường Phật giáo hưng thạnh. Nếu không giúp ích được cho xã hội, người nghĩ việc này, ta làm việc khác, họ sẽ bỏ rơi Phật giáo, Phật giáo sẽ chìm vào lãng quên, nghĩa là Phật Niết Bàn!
    Hoàng Dược Sư
     

Chia sẻ trang này