Nhạc lễ Phật giáo “như pháp hay phi pháp?”

Thảo luận trong 'Pháp-Luận' bắt đầu bởi baoquang, 3/1/13.

  1. baoquang

    baoquang Member

    Nhạc lễ Phật giáo “như pháp hay phi pháp?”
    Phật giáo nguyên lai không chấp nhận nhạc lễ trong lễ nghi cúng bái. Trong Tứ Phần Luật, Phật Thích-Ca chế giới rằng “Tỳ-kheo-ni nào, đi xem nghe kỹ nhạc, tội Ba-dật-đề”. Dĩ nhiên, xem đã tội thì dùng nhạc lễ cũng có tội, và cả tỳ kheo cũng tội như vậy. Bởi lẽ thời ấy ở núi Kỳ-xà-quật có lễ hội, nhóm 6 tỳ kheo ni đi xem hội, các cư sĩ thấy trách: “Các tỳ-kheo-ni này không biết xấu hổ, quen thói bất tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp, mà cùng nhau xem coi các trò vui chơi như dâm nữ, tặc nữ không khác. Như vậy có gì là chánh pháp?” [Điều 79, chương 12 Ba-dật-đề]. Kinh Phạm Võng trong Trường Bộ Kinh của Nam truyền còn nói rõ hơn: “Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống theo các du hí không chân chánh như múa, hát, nhạc, kịch, ngâm vịnh, nhịp tay, tụng chú, đánh trống, diễn các tuồng thần tiên, mãi võ, đấu voi, đấu ngựa, đấu trâu, đấu bò đực, đấu dê, đấu cừu, đấu gà, đấu chim cun cút, đấu gậy, đấu quyền, đấu vật, đánh giặc giả, dàn trận, thao dượt, diễn binh. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ các loại du hí không chân chánh như trên”. Và ngay trong lệ Truyền giới cụ túc có giới thứ 7; thầy Yết-ma hỏi: “Suốt đời không ca múa hát xướng và cố đi xem nghe là giới của Sa Di, giới tử có thể giữ được không?”, người thọ giới đáp: “Mô Phật, giữ được”. Thế thì nếu dùng nhạc lễ thì ngay lời tuyên hứa giữ giới luật đã vi phạm rồi.
    Phải chăng vì Đức Phật không hiểu biết âm luật? Rõ ràng là không vì cả Nam truyền lẫn Bắc truyền đều biết rằng khi còn là Thái tử ngài được hưởng một nền giáo dục trần tục tốt nhất; không chỉ giỏi thi ca, võ nghệ mà cả luật lữ cũng tinh thông. Vậy tại sao Ngài đề ra giới luật cấm? Vì thanhsắc khuấy động Lục căn, lục căn không tịnh thì Lục thức trổi dậy; lục thức trổi dậy thì tham ái dấy lên. Chúng đều có hại cho con đường đến giác ngộ. Ai từng nghe âm nhạc đều thấy có điệu khúc buồn khúc vui, khúc tự tình trong sáng cũng có khúc dâm dật. Dù cho có dùng loại nhạc thanh cao đi chăng nữa, trong lòng hẳn trổi dậy một tình cảm “tham ái” nào đó, như khúc nhạc ca ngợi cảnh đồng quê thì quyến luyến cảnh đồng quê xanh ngát gió mát trăng thanh, khúc bi thương gợi lòng xúc cảm, … tất cả đều là màn vô minh để giác ngộ tính không hay Phật tính, là cơ duyên cho lục thức bùng lên. Người học Phật đều rõ lục thức bao bao gồm: sắc (từ mắt ra, gọi là nhãn thức), thanh (từ tai, gọi là nhĩ thức), hương (từ mũi, gọi là tỉ thức), vị (từ lưỡi, gọi là vị thức), xúc (từ thân, gọi là thân thức), và pháp (từ ý, gọi là ý thức); trước mắt thanh trong âm nhạc là thứ khêu gợi lục thức trước tiên. Nhưng gần như chẳng bao giờ nhạc chỉ thuần túy là âm thanh cả, bên cạnh nhạc luôn có sắc (như lễ nghi Phật giáo đều đầy màu sắc cờ phướn), có hương (mùi trầm), có xúc (với cảm giác lâng lâng khi nghe điệu nhạc hay), có pháp (ý nghĩ khen chê khi thưởng thức); hình như chỉ thiếu có vị. Mở rộng ra khái niệm “ngũ đại” (bhùta), từ âm nhạc sinh ra thanh duy phát sinh ra không đại, tạo con người một cảm giác gọi là xúc duy phát sinh ra phong đại, bên cạnh có thêm sắc duy phát sinh và hương duy phát sinh ra địa đại. Nói khác đi tứ đại đó không còn giai không trong tâm thức nữa mà theo âm nhạc lôi con người vào ảo giác vô thường.
    *****
    Đó là lý do Phật Tổ không để âm nhạc đi vào giáo pháp, thậm chí còn ngăn cấm như đã nói ở trên. Nhưng khi dòng Bắc truyền đi đến Trung Hoa và từ sau đời Hán bắt đầu pha tạp nhạc lễ của Nho Giáo vào. Có thể nói nhạc lễ có nguồn gốc từ Khổng Giáo chứ không phải Đạo giáo: Khổng Tử cổ súy cúng tế và thường nói về nghi thức cúng tế trong đó có âm nhạc (có thể thấy điều này ngay trong cuốn Luận Ngữ), còn Đạo giáo thuở đầu chưa hình thành âm nhạc mà phát triển theo hướng vũ đạo qua các động tác tế lễ phù thủy mang tính vu thuật. Phật giáo Trung Hoa pha tạp nghi thức cúng tế Nam giao - Xã tắc vào các nghi lễ, ban đầu tiêu biểu là các nghi thức đánh Chuông và Mỏ[1] và dừng lại ở ngân xướng tán kệ chứ không thành nhạc lễ. Nhưng sự pha tạp không dừng lại ở đó mà mở rộng ra nhiều hình thức phiền tạp rất trái với không khí thanh tịnh vô vi mà Phật tổ luôn giữ nơi Kỳ Viên Tịnh Xá của Ngài: chuông bắt đầu nảy sinh ra Đại hồng chung, Bảo chúng chung, Gia trì chung; tương tự mõ cũng đa dạng hóa thêm mõ hình cá và mõ ống điếu. Khí cụ đa dạng thì thanh âm càng phong phú, nhạc lễ manh nha. Manh nha và phát triển lên gần như là hai khía cạnh đi liền với nhau như có sinh thì có trưởng, chuông mõ không còn đáp ứng đòi hỏi thanh khí nữa, nhiều loại nhạc cụ Phật giáo khác ra đời theo đòi hỏi đó dựa theo Bát âm của Nho giáo như: pháp loa (tù và ốc), trống Bát nhã, khánh (mà nhiều chùa miền Bắc Việt Nam vẫn còn treo), … Đã có nhạc thì nghi thức điệu bộ phải đi theo, thế là vũ đạo của Đạo giáo chen vào. Đến đây những giới răn về âm nhạc làm phương hại đến con đường tu tập của Phật Tổ bị dứt hẳn. Vì thế Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ cất tiếng khuyên can:

    “Theo Thần Tú tạo nhiều chuông mõ,
    Từ xưa nay có mấy ai thành?
    Phật từ bi độ tử độ sanh,
    Là độ kẻ hiền lương nhơn ái.

    Xá với phướn là trò kỳ quái,
    Làm trai đàn che miệng thế gian.
    [Kệ Dân Của Người Khùng]

    Nhìn góc độ khác, càng thấy Đức Giáo Chủ rất am tường xu hướng không như pháp của Phật giáo Trung Hoa. Tuy rằng chuông mõ nhập vào nghi lễ Phật giáo từ lâu, nhưng đến đời Thần Tú mới thực sự “đâm hoa kết trái” mạnh mẽ. Cơ duyên đó là do Thần Tú được triều đình Tắc Thiên Võ Hậu trọng dụng cho làm tổ Thiền Bắc Tông; từng sống nhiều năm trong triều đình thuyết pháp. Dĩ nhiên với phong cách triều trung vốn bám rễ Nho giáo từ lâu, sự phát triển đạo Phật trong môi trường đó phải biến cải theo. Một trong những biến cải là phát triển cái gọi là “nhạc lễ Phật giáo” mà như chứng minh ở trên không như pháp của Đức Thích-Ca. Dòng Thần Tú phát triển ở Hoa Bắc lúc đầu nhờ triều đình nên hưng thịnh nhưng chỉ tồn tại mấy đời. Dần dần yếu tố Đạo giáo pha tạp vào quá nhiều bị biến thể và mất đi. Chỉ còn dòng Lục Tổ ở Hoa Nam phát triển và phân phái thành Ngũ Gia Thất Tông. Dòng Huệ Năng khởi đầu cũng gạt bỏ những thứ âm nhạc, lễ nghi phiền toái, … chăm chú vào tự tánh, tìm tính không, nhưng sau cũng bị phân hóa theo các nghi lễ Trung Hoa. Vì thế Đức Thầy khuyên:

    “Theo Lục-Tổ chớ theo Thần-Tú.
    Khuyên bổn-đạo chớ nên mê ngủ,”
    [Quyển 2 – Kệ Dân của Người Khùng]

    Nếu thế thì:
    “Chết rồi cũng bớt cóc keng,
    Trống đờn lễ nhạc tế xen ích gì!
    Đàn nhu thầy lễ cũng kỳ,

    Mắc phải chuyện gì phủ-phục bình-hưng?”
    [Quyển 3 – Sám Giảng]


    Soi lại thấy rõ Đức Thầy đã dùng như pháp Phật tổ dạy, nhưng ngược với thói thường của kẻ lợi dụng Trời Phật kiếm ăn, nên hẳn phải bị chống đối. Dĩ nhiên sẽ có người biện luận: trong Tứ Phần Luật, chương Tự Tứ - Quyển 5, nói Đức Phật dạy: Cho phép báo hiệu bằng cách đánh kiền chùy hay thổi ốc, đánh trống, hay un khói, hoặc dựa theo bóng, xướng rằng: Giờ tự tứ đến!”. Vâng, đó là phương tiện hiệu lệnh chứ không là nhạc khí. Rõ ràng sau tiếng kẽng mới đến lễ tự tứ, và trong lễ này không có thanh âm nào cả. Lại viện dẫn khi Phật thuyết pháp chư thiên trổi nhạc, nhưng hỏi lại những kinh ghi lời ấy có sau khi Phật tịch diệt mấy trăm năm thì không đươc trả lời (dù biết rõ). Đời vô thường, truyền ngôn là thứ vô thường nhất trong các thứ vô thường của cuộc đời, liệu 100 năm có còn đúng nguyên văn hay chăng, huống hồ mấy trăm năm. Đi xa hơn một quyển ngụy kinh tên là Kinh Bất Không Thằng Tố Thần Biến Chân Ngôn quyển 18 chép: Nếu gia trì vào Pháp loa để lên chỗ cao mà thổi âm thanh to lớn, chúng sinh trong 4 loại, nghe được âm thanh của Pháp loa liền diệt hết các trọng tội, liền xã bỏ tự thân thọ được thân trời sinh lên thiên thượng. Nếu chỉ cần âm thanh Pháp loa được như thế thì tất cả những lời trân bảo từ miệng Ngài Thích-Ca chẳng cần thiết nữa rồi và chẳng cần tu tâm dưỡng tánh chi nữa. Yếu tố ngụy kinh mang sắc thái Đạo giáo của Kinh Bất Không Thằng Tố Thần Biến Chân Ngôn là ở chỗ này. Phật chỉ đường giải thoát, đem nhạc tự trói mình. Biện minh thêm câu chấp, vừa chấp tướng chấp không.
    *****
    Cho đến ngày hôm nay vấn đề nhạc lễ được khuấy động lên không kém. Với Giáo sư Trần Văn Khê, người cổ súy mạnh mẽ cho nhạc lễ Phật giáo, ông nói: Trước hết, điểm độc đáo của âm nhạc Phật giáo là không hề có khuôn mẫu cố định. Xuất phát tại Ấn Độ với cách tán tụng theo truyền thống Veda, nhưng nhạc Phật giáo ở từng quốc gia đều được bản địa hóa theo tính cách đặc thù của mỗi nước và thường được thể hiện theo âm nhạc truyền thống của nơi đó. Cùng một bài kinh mà nét nhạc thay đổi tùy quốc gia, tùy trường phái, thậm chí tùy từng vùng. Chẳng hạn cùng niệm tên Phật A-Di-Đà mà hai miền Nam Bắc ở nước ta niệm khác nhau, theo thang âm điệu thức câu hát ru của mỗi miền; còn tại Hongkong hay Singapore thì tăng ni niệm theo thang âm nhạc Quảng Đông”. Điều này chỉ dừng lại ở mô tả dạng tán tụng kinh kệ và thú nhận phong cách này có gốc Bà-la-môn giáo (tán tụng Vệ-đà), không chứng minh được nhạc lễ Phật giáo có từ thời Phật và có phù hợp giáo pháp của Phật tổ hay không. Cũng thừa nhận không có niêm luật nhất định tức hàm ý đây là sự tự phát chứ không là giới pháp. Nhưng lại dẫn chứng “Phật nhạc” Việt Nam: “Đạo Phật vào nước ta từ rất sớm, nhưng phát triển rực rỡ nhất là vào thế kỷ X với triều Lý. Trên những phiến đá của chân cột chùa Phật Tích (Bắc Ninh) - một trong những di tích Phật giáo tiêu biểu của thời Lý - có chạm khắc hoa sen cùng hình dàn nhạc công đang tấu nhạc dân tộc, với ý nghĩa hướng dẫn chúng sinh vào con đường của đạo pháp. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, thời kỳ đó các vua thường cất chùa trước khi xây dựng cung điện, và dàn nhạc tôn giáo cũng có thể đồng thời dùng cho dàn nhạc cung đình. Điều này cho thấy, từ thời nhà Lý âm nhạc Phật giáo đã có liên quan mật thiết với âm nhạc dân tộc[2]. Thật ra ông Sơn Huế (tự nhận mình là nhà nghiên cứu cổ vật và từng bị dính líu pháp luật về tội bán đồ cổ giả. Dân buôn đồ cổ phố Lê Công Kiều, Sài Gòn, ai cũng biết chuyện này) đã nhầm lẫn những vũ công đó vốn du nhập từ phù điêu Thiên nữ tháp Chàm cùng với chim thần Kim Sí Điểu, gốc Bà-la-môn chứ không phải gốc từ Phật giáo. Cũng không có sử liệu nào chứng tỏ có dàn nhạc Phật giáo như ông Sơn Huế nói. Có chăng khi một lễ hội dân gian có ít nhiều màu sắc Phật giáo do giao thoa tín ngưỡng, người ta có dùng nhạc lễ nhưng đó là dàn nhạc bát âm chứ không là dàn nhạc thuần túy của Phật giáo. Hình như Giáo sư Khê đã đi lạc quá xa, khi dẫn các vở chèo như “Quan Âm Thị Kính” để chứng minh Phật giáo Việt Nam đã có nhạc lễ, ông quên rằng đó là hình thái sân khấu viết về Phật giáo chứ không phải là nhạc lễ Phật giáo. Chẳng hạn như phương Tây có làm phim về Đức Chúa Giê-su không thể hiểu đó là nền điện ảnh Công giáo. Gần đây hơn có xu thế “cải lương hóa việc tụng kinh Phật” (hình như do nghệ sĩ Bạch Tuyết khởi xướng và G.S. Hoàng Như Mai tâng bốc việc này rất nhiều). Vì thế có một số đám tang tụng kinh Phật theo điệu cải lương, pha ít nhiều hơi hướm hồ quảng, khiến việc tụng niệm của Phật giáo bị lai căng đi rất nhiều. Đến thế này thì Phật giáo Việt Nam bị pha tạp đến không còn nhận diện ra bản lai của Đức phật nữa rồi, ngoại trừ pho tượng đất chểm chệ trên tòa sen. Biết đâu ngày mai, nhân danh văn hóa mới, hình tướng của ngài cũng bị thay đổi cho “phù hợp thời thế”, chẳng hạn mang vóc dáng Hồ Chí Minh. Hiện nay, tượng Hồ Chí Minh đã dựng ở một số chùa, nhưng quên rằng dưới thời ông ta làm Chủ Tịch không biết bao nhiêu ngôi chùa bị biến thành kho chứ đồ của hợp tác xã nông nghiệp, thậm chí có nơi làm chuồng heo. Không thể nói là do bên dưới tự quyền vì sách XHCN luôn nói ông là người sáng suốt và sâu sát từ dưới lên trên, ông là một ông Thánh mà!?

    01/01/2013
    Lam Trần

    [1] Chỉ Đại thừa mới dung các nhạc khí như chuông mỏ; Tiểu thừa không có thứ nhạc khí nào.
    [2]Trần Văn Khê: Âm Nhạc Phật Giáo và Âm Nhạc Dân Tộc. Nhiều bài viết của Trần Đình Sơn (Sơn Huế) bộc lộ nhiều nông cạn về văn hóa kể cả lãnh vực đồ cổ của ông, ví dụ cuốn Những Nét Đan Thanh. Chẳng hiểu vì sao Giáo sư Khê lại trích dẫn. Đời Lý các chùa chiềng do một số nghệ nhân Chiêm Thành làm nên mang đậm sắc thái dân tộc họ. Vũ Công đó là văn hóa Bà-la-môn.
     

Chia sẻ trang này