Những Bài Học Rèn Nhân Cách Đạo Đức

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi phimanh, 27/5/12.

  1. phimanh

    phimanh New Member


    TẠI SAO TA PHẢI NIỆM PHẬT
    ***
    Thành La Phiệt có một ông Hoàng tánh rất hung bạo. Thêm vào đó quyền thế và địa vị của ông có thể giúp ông thủ tiêu tội án trước pháp luật, chưa một lời phải nào, một đạo giáo nào cảm hóa được ông.

    Một hôm ông gặp Phật khi Phật du hóa xứ này. Mới nhìn thấy đức Phật, lòng ông bỗng cảm phục như voi dữ trước người quản tượng. Đức Phật dạy ông vài lời sơ lược: “Hãy tưởng niệm Phật đà, hãy từ bi thương người, hãy hùng lực cứu người”. Ông cung kính vâng lời. Nhưng khi về đến nhà, vừa thấy người hành khất chướng mắt. Ông liền đùng đùng nổi giận. Lời vàng của Phật không còn trong lòng ông nữa, khi ông toan đánh đuổi người ấy. Bỗng sực nhớ lại hình dáng từ nghiêm của Phật. Ông liền dịu lại, như khi bố thí chút đỉnh gì.

    Tối hôm đó vợ ông lấy làm lạ, gạn hỏi đầu đuôi. Ông bèn tuần tự thuật lại . nhờ thuật lại ông nhớ lại rõ ràng hình dung đức Phật và lời Ngài dạy. Đêm hôm ấy, ông suy nghĩ mông lung, ông nghĩ: “Nhớ Phật phải nhớ đến người nghèo khổ, tưởng Phật phải tưởng đến người nghèo khổ. “Nhớ Phật phải nhớ đến người khổ đau, tưởng Phật phải tưởng đến người khổ đau”.

    Rồi mới sáng, ông đi tìm Phật. Giữa đường ông gặp một người hành khất ốm liệt bên vệ đường. Không suy nghĩ ông đến ân cần hỏi han và dốc hết tiền trong túi ra cho. Người ấy e sợ cám ơn rối rít. Nhưng ông chỉ bảo: Vì tưởng nhớ Phật nên tôi giúp anh. Anh nhận tiền này khiến tôi được phước, thế là tôi ơn anh chứ nào anh ơn gì tôi? Người hành khất nghe thế, lấy làm lạ vì không lạ gì tính nết của ông và uy danh của đức Phật nữa. Bỗng nhiên người ấy cất tiếng niệm: “NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT” (kính lễ đấng giác ngộ). Ông Hoàng cũng bất giác niệm theo và đi mau tìm Phật.

    Khi gặp được Ngài, ông thuật rõ đầu đuôi mọi việc. Nghe xong đức Phật mỉm cười hiền từ bảo : Phải! Niệm Phật ông phải tưởng niệm người nghèo khó là để giúp đỡ họ. Tưởng niệm người nghèo khó, để giúp đỡ họ là tưởng niệm Phật đó .


    NHỮNG CÂU HỎI
    Câu hỏi 1: “Thành La Phiệt có một ông Hoàng tánh rất hung bạo. Câu này dạy về thiếu đạo đức gì?
    Câu hỏi 2: “Thêm vào đó quyền thế và địa vị của Ông có thể giúp ông thủ tiêu tội ác trước pháp luật. Câu này dạy về thiếu đạo đức gì?
    Câu hỏi 3: Chưa một lời phải nào, một đạo giáo nào cảm hóa được ông. Câu này nói về thiếu đạo đức gì?
    Câu hỏi 4: Một hôm ông gặp Phật khi Phật du hóa xứ này. Mới nhìn thấy đức Phật, lòng ông bỗng cảm phục như voi dữ trước người quản tượng. Câu này nói lên đạo đức gì?
    Câu hỏi 5: “Hãy tưởng niệm Phật đà, hãy từ bi thương người, hãy hùng lực cứu người”. Câu này dạy đạo đức gì?
    Câu hỏi 6: Ông cung kính vâng lời. Nhưng khi về đến nhà, vừa thấy người hành khất chướng mắt. Ông liền đùng đùng nổi giận. Lời vàng của Phật không còn trong lòng ông nữa, khi ông toan đánh đuổi người ấy. Câu này dạy đạo đức gì?
    Câu hỏi 7: Bỗng sực nhớ lại hình dáng từ nghiêm của Phật. Ông liền dịu lại, như khi bố thí chút đỉnh gì. Câu này dạy đạo đức gì?
    Câu hỏi 8: Tối hôm đó vợ ông lấy làm lạ, gạn hỏi đầu đuôi. Ông bèn tuần tự thuật lại . nhờ thuật lại ông nhớ lại rõ ràng hình dung đức Phật và lời Ngài dạy. Câu này dạy đạo đức gì?
    Câu hỏi 9: Đêm hôm ấy, ông suy nghĩ mông lung, ông nghĩ: “Nhớ Phật phải nhớ đến người nghèo khổ, tưởng Phật phải tưởng đến người nghèo khổ”. Câu này dạy đạo đức gì?
    Câu hỏi 10: Rồi mới sáng, ông đi tìm Phật. Giữa đường ông gặp một người hành khất ốm liệt bên vệ đường. Không suy nghĩ ông đến ân cần hỏi han và dốc hết tiền trong túi ra cho. Người ấy e sợ cám ơn rối rít. Câu này dạy đạo đức gì?
    Câu hỏi 11: Vì tưởng nhớ Phật nên tôi giúp anh. Anh nhận tiền này khiến tôi được phước, thế là tôi ơn anh chứ nào anh ơn gì tôi? Câu này dạy đạo đức gì?
    Câu hỏi 12: Bỗng nhiên người ấy cất tiếng niệm: “NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT” (kính lễ đấng giác ngộ). Ông Hoàng cũng bất giác niệm theo. Câu này dạy đạo đức gì?
    Câu hỏi 13: Phải! Niệm Phật ông phải tưởng niệm người nghèo khó để giúp đỡ họ. Tưởng niệm người nghèo khó là để giúp đỡ họ là tưởng niệm Phật đó. Câu này dạy đạo đức gì?

    TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
    Trả lời câu hỏi 1: “Thành La Phiệt có một ông Hoàng tánh rất hung bạo”. Câu này chỉ cho một người hung ác, ông Hoàng trong thành La Phiệt sống THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH chẳng biết thương ai, tính tình hung dữ luôn luôn chửi mắng đánh đập người khác.

    Người không có đức hiếu sinh như ông Hoàng ở trong thành La Phiệt là người tự làm khổ mình, khổ người, là một người hung ác, là người không có đức hiếu sinh như trên đã nói. Chúng ta là đệ tử của Phật thấy gương hung ác xấu xa này mà tránh xa, mà từ bỏ và để loại trừ tâm ác luôn luôn giữ gìn đức hiếu sinh thường mở rộng lòng yêu thương với tất cả chúng sinh.

    Vì chính có lòng yêu thương mới đem lại sự bình an cho mình, cho người và cho tất cả chúng sinh. Làm người phải sống trong đạo đức hiếu sinh, phải luôn luôn sống biết thương người, thương tất cả loài chúng sinh để mang lại sự an vui cho mình, cho người và cho mọi loài. Tính hung ác là tính xấu xa, là tính hay làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sinh, vì thế chúng ta nên từ bỏ, xa lìa những tính hung ác ấy, phải sống hiền lành đối với mọi người, mọi loài chúng sinh.

    Trả lời câu hỏi 2: “Thêm vào đó quyền thế và địa vị của ông, có thể giúp ông thủ tiêu những tội ác trước pháp luật,” Câu này chỉ rõ người nào dựa vào quyền thế và địa vị để làm hại người khác mà pháp luật không làm gì ông ta được. Đó là một hành động THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH.

    Thường ở đời người nào có quyền thế và có địa vị đều lợi dụng vào đó hiếp đáp làm hại người yếu đuối thế cô, cướp đoạt của cải tài sản của người khác làm những điều tội ác, họ là những người hung dữ ác độc; họ là những người không biết thương ai cả. Những người hung dữ này thường làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Họ là những người vô đạo đức hiếu sinh.

    Trả lời câu hỏi 3: “Chưa một lời phải nào, một đạo giáo nào cảm hóa được ông”. Câu này chỉ rõ ông Hoàng là người cố chấp dựa vào quyền thế sự giàu sang của mình và cho mình hơn mọi người. Trong đời này không ai bằng mình, người nghĩ như vậy là người THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH.

    Đoạn kinh này nói lên một người hung ác vô đạo đức hiếu sinh, cố chấp cứng đầu như ông Hoàng này thì không một lời nói phải nào, không một đạo giáo nào cảm hóa và giáo dục được ông. Đó là chỉ rõ ông là một người vô đạo đức hiếu sinh, sống trong vô minh cố chấp cứng đầu. Một bản ngã to lớn, cho rằng trên cuộc đời này, luôn luôn chỉ thấy có mình chẳng thấy có ai khác nữa, xem bầu trời nhỏ như miệng giếng.

    Người nào còn mang bản tính kiêu mạn là người còn đầy đủ tánh hung ác, là người chưa biết thương mình, thương người, thường làm khổ mình, khổ người. Lòng còn ganh tị hơn thua là còn bản ngã; lòng còn tức giận là còn bản ngã; lòng còn nói xấu, vu khống mạ lị mạt sát người khác là còn bản ngã; người nào còn bản ngã là người chưa có lòng yêu thương thật sự. Những người này còn phải học hỏi đạo đức hiếu sinh nhiều nữa, nếu cố chấp không chịu học đạo đức thì họ chỉ là một con thú vật hung dữ mà thôi.

    Trả lời câu hỏi 4: “Một hôm ông gặp Phật khi Phật du hóa xứ này. Mới nhìn thấy đức Phật, lòng ông bỗng cảm phục như voi dữ trước người quản tượng”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH TỪ TRƯỜNG, tức là đức từ bi của đức Phật phóng xuất phủ trùm muôn phương khiến con người kiêu căng ngã mạn cố chấp như ông Hoàng này đều bị nhiếp phục trong từ trường thiện của đức Phật. Bởi vậy khi chúng ta thực hiện lòng yêu thương mọi hướng thì từ trường thiện phóng xuất khắp mọi nơi, khi gặp tất cả các ác pháp thì từ trường thiện đó sẽ nhiếp phục chuyển hóa ác pháp, bằng chứng cụ thể rõ ràng, khi ông Hoàng thành La Phiệt gặp Phật, đức Phật chưa nói một lời nào mà từ trường thiện của Phật đã nhiếp phục ông ta như con voi gặp người quản tượng.

    Đoạn kinh này nói rất rõ từ trường lòng yêu thương sẽ nhiếp phục các ác pháp bên ngoài lẫn các ác pháp bên trong nội tâm của chúng ta như tâm tham, sân, si, mạn, nghi đều bị từ trường hiếu sinh này nhiếp phục. Cho nên đạo đức hiếu sinh có công năng rất lớn, vì thế ở đâu có đạo đức hiếu sinh chân thật thì ở đó có tâm ly dục ly ác pháp; ở đâu có đạo đức hiếu sinh chân thật thì ở đó có sự bình an, yên vui; ở đâu có đạo đức hiếu sinh chân thật thì ở đó có sự tha thứ và yêu thương. Đạo đức hiếu sinh sẽ đem lại sự bình an cho mọi người, mọi loài trên hành tinh này vì từ trường của đức hiếu sinh rất vĩ đại. Vậy chúng ta hãy tập sống thương yêu như đức Phật.

    Trả lời câu hỏi 5: “Hãy tưởng niệm Phật đà, hãy từ bi thương người, hãy hùng lực cứu người”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH rất cụ thể và rõ ràng.

    Ở đây niệm Phật không cần niệm hồng danh Phật mà chỉ cần lòng yêu thương mọi người, thương sự sống của chúng sinh là niệm Phật rồi. Đọc qua lời dạy trên đây, chúng ta mới thấy lời dạy của đức Phật thấm thía làm sao!. Ai niệm Phật là niệm lòng yêu thương bằng ý hành, bằng thân hành, bằng khẩu hành đối với tất cả những người khác.

    Ví dụ 1: Khi có người chửi mắng mình mà mình thương yêu người ấy, đó là một việc làm rất khó, khó là chỗ không sân giận chửi mắng lại, im lặng như thánh mà còn đầy lòng tha thứ cho những người hung dữ đó. Người nào làm được như vậy là người đang niệm Phật; là người đang sống trong đức hiếu sinh ý hành.
    Ví dụ 2: Cứu giúp một người bị tai nạn, cứu một con cá mắc câu, thả một vật sắp bị giết. Người nào làm được như vậy là người đang niệm Phật; là người đang sống trong đức hiếu sinh thân hành.
    Ví dụ 3: Người nào không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung dữ, không nói xấu người, thường khuyên người khác làm điều lành, nói lời ái ngữ v.v... Đó là người đang sống trong đức hiếu sinh khẩu hành. Người nào không nghiện ngập rượu chè, cà phê, thuốc lá, thuốc lào, cờ bạc, cá cược v.v.. là người đang sống trong đức hiếu sinh thân hành. Chính họ là người đang niệm Phật. Niệm Phật như vậy mới đúng lời Phật dạy.

    Trả lời câu hỏi 6: “Ông cung kính vâng lời. Nhưng khi về đến nhà, vừa thấy người hành khất chướng mắt. Ông liền đùng đùng nổi giận. Lời vàng của phật không còn trong lòng ông nữa, khi ông toan đánh đuổi người ấy”. Đoạn này nói lên sự THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH.

    Ông Hoàng quên niệm Phật, khi thấy người hành khất ngồi trước nhà ông, là ông phát nổi chướng tức giận đùng đùng. Đó là thiếu đức hiếu sinh ý hành. Thiếu đức hiếu sinh ý hành là quên niệm Phật. Bởi vậy niệm Phật là niệm đức hiếu sinh; niệm đức hiếu sinh tức là niệm Phật. Như vậy người nào niệm Phật mà niệm danh hiệu đức Phật là người niệm phật không đúng lời dạy của Phật. Đọc qua đoạn kinh này chúng ta thấy rất rõ ràng: Người nào sống trong lòng yêu thương đối với mọi người, với mọi loài chúng sinh là người niệm Phật.

    Trả lời câu hỏi 7: “Bỗng sực nhớ lại hình dáng từ nghiêm của Phật. Ông liền dịu lại, như khi bố thí chút đỉnh gì”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH rất rõ ràng.

    Khi chúng ta đang tức giận một người nào mà bỗng nhớ đến đức hiếu sinh là phải thương mình, thương người và thương tất cả chúng sinh. Đó là đang sống trong đức hiếu sinh ý hành. Khi nghĩ như vậy tâm chúng ta liền không giận dữ mà khởi lòng thương người đó là ta đang niệm Phật, là ta đang sống trong đức hiếu sinh ý hành.

    Câu này dạy áp dụng thực hành đức hiếu sinh khởi lòng yêu thương rất thực tế và rất hay: “Bỗng sực nhớ lại hình dáng từ nghiêm của Phật. Ông liền dịu lại, như khi bố thí chút đỉnh gì”. Nhớ đến Phật hình dáng nghiêm từ. Câu này dạy đức hiếu sinh ý hành tuyệt vời. “Ông liền dịu lại, như khi bố thí chút đỉnh gì”. Câu này dạy đức hiếu sinh thân hành rất hay. Tâm vừa dừng tức giận, phiền não thì đức hiếu sinh ý hành hiện ngay tại đó.

    Trong lúc chúng ta đang tức giận hay phiền não bỗng có một ý suy nghĩ khởi lên thương mình. Mình đang bị dục nên mê mờ vô minh thúc đẩy tạo tác nhân quả ác khiến tự mình làm khổ mình. Khi ý nghĩ khởi lên như vậy tức là đức hiếu sinh ý hành. Đoạn kinh trên dạy thực hành đức hiếu sinh rất tuyệt vời khi đức hiếu sinh ý hành hiện ra “Nhớ đến lòng từ của đức Phật” thì liền ngay đó đức hiếu sinh thân hành hiện ra: “Thương yêu bố thí giúp cho người hành khất”. Đọan kinh này cũng xác định chỉ rõ ràng có hai đức hiếu sinh cùng sinh ra một lượt, hễ có hiếu sinh ý hành, thì có hiếu sinh thân hành.

    Trả lời câu hỏi 8: “Tối hôm đó vợ ông lấy làm lạ, gạn hỏi đầu đuôi. Ông bèn tuần tự thuật lại . nhờ thuật lại ông nhớ lại rõ ràng hình dung đức Phật và lời Ngài dạy”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH, Ý HÀNH làm thay đổi một người hung dữ trở thành người hiền lành, biết thương người bằng cách tư duy suy nghĩ những lời Phật dạy.

    Đoạn kinh này dạy niệm Phật rất hay, khi làm một việc lành nào là niệm Phật, khi biết nhẫn nhục, tùy thuận bằng lòng trước các ác pháp, trước một người ác là niệm Phật. Người đầy lòng yêu thương tất cả sự sống trên hành tinh này là người niệm Phật. Niệm Phật ở đây không giống như niệm Phật theo kinh sách phát triển.

    Niệm Phật theo kinh phát triển là niệm Phật ức chế tâm diệt hết vọng tưởng “Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật.” Còn ở đây niệm Phật là niệm lòng yêu thương của chúng ta với tất cả sự sống trên hành tinh này tức là chúng ta sống với đức hiếu sinh biết thương mình, thương người và thương tất cả những loài vật khác, biết tha thứ mọi người mọi loài làm chúng ta khổ đau. Đó là niệm Phật. Muốn thực hiện lòng thương yêu như vậy thì chỉ có sự tư duy theo đạo đức hiếu sinh mà chúng ta đang theo học.

    Trả lời câu hỏi 9: Đêm hôm ấy, ông suy nghĩ mông lung, ông nghĩ: “Nhớ Phật phải nhớ đến người nghèo khổ, tưởng Phật phải tưởng đến người nghèo khổ”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH.

    Muốn thực hiện đức hiếu sinh thì phải tư duy như lời Phật đã dạy: “Nhớ Phật phải nhớ đến người nghèo khổ, tưởng Phật phải tưởng đến người nghèo khổ”. Phật dạy quá rõ ràng chỉ có lòng yêu thương người nghèo khổ là nhớ đến Phật. Bởi người nào sống với lòng yêu thương là đang sống như Phật, nên gọi là niệm Phật. Sự tư duy lại những lời Phật dạy là người đang sống với đức hiếu sinh ý hành. Cho nên lời dạy trong đoạn kinh này là dạy đạo đức hiếu sinh ý hành rất tuyệt vời.

    Theo như lời Phật dạy chúng ta luôn luôn phải tư duy để sống với lòng yêu thương của mình đối với muôn loài, sự tư duy ấy chính là chúng ta đang niệm Phật. Đang niệm Phật là đang sống trong tình thương bao la rộng lớn của đức Phật. Người tu theo Phật giáo phải lấy đức hiếu sinh làm pháp xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi là pháp môn xả tuyệt vời nhất, nhờ đó tâm mới ly dục ly ác pháp hoàn toàn.

    Trả lời câu hỏi 10: Rồi mới sáng, ông đi tìm Phật. Giữa đường ông gặp một người hành khất ốm liệt bên vệ đường. Không suy nghĩ ông đến ân cần hỏi han và dốc hết tiền trong túi ra cho. Người ấy e sợ cám ơn rối rít. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH.

    Từ khi gặp Phật, tư duy những lời Phật dạy, ông Hoàng đã trở thành người đạo đức hiếu sinh mang lòng yêu thương đến với mọi người, gặp ai nghèo khó bệnh tật là ông sẵn sàng giúp đỡ và an ủi liền. Một ý nghĩ thương yêu người, vật đến cỏ cây, đất đá núi sông, hồ ao v.v... đều là đức hiếu sinh thể hiện qua ý hành; một lời nói ái ngữ khuyên bảo, an ủi ai đó làm điều lành cũng là đức hiếu sinh khẩu hành; một hành động ra tay cứu vớt người, vật dù là giúp một côn trùng thoát chết khỏi một đoàn kiến hoặc vớt một con kiến khỏi vũng nước, đó đều là đức hiếu sinh thân hành.

    Nếu hằng ngày chúng ta đều có những hành động thân, miệng, ý thương yêu và tha thứ mỗi lỗi lầm, biết tránh không làm tổn hại sinh mạng sống chúng sinh, không làm đau khổ cho người khác loài vật khác. Đó là đạo đức hiếu sinh thân hành ý hành và khẩu hành.

    Trả lời câu hỏi 11: “Vì tưởng nhớ Phật nên tôi giúp anh. Anh nhận tiền này khiến tôi được phước, thế là tôi ơn anh chứ nào anh ơn gì tôi?” Câu này đức Phật dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH THÂN HÀNH tuyệt vời, khi nhớ đến Phật là chúng ta nhớ đến những người nghèo khổ, vì thế mang tiền đến giúp đỡ những người nghèo khó. Đó là đức hiếu sinh ý hành thứ nhất. Khi mang tiền đến cho người khác để họ vui vẻ nhận tiền bạc mình cho mà không bị mặc cảm. Muốn được vậy mình phải nói như thế nào? - “Anh nhận tiền của tôi giúp anh là tôi được phước, vì vậy tôi mang ơn anh mới phải, chứ nào anh có ơn gì tôi mà anh sợ”. Bố thí mà nói được lời như vậy thật là hay - tuyệt. Lời nói này là đạo đức hiếu sinh khẩu hành.

    Cho nên lòng yêu thương của chúng ta đi khắp cùng mọi hướng. Hể đức hiếu - sinh ý hành có thì đức hiếu sinh khẩu hành và thân hành có. Đó là ba nơi xuất phát đức hiếu sinh. Đồng thời ba nơi xuất phát đức hiếu sinh thì đức hiếu sinh ở nơi đâu cũng có.

    Đức hiếu sinh ở đâu cũng có thì không có các ác pháp nào tác đọng được tâm người đó. Người nào đã sống với đức hiếu sinh như vậy thì họ đã diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp dễ dàng. Họ là người chứng đạo.

    Trả lời câu hỏi 12: “Bỗng nhiên người ấy cất tiếng niệm: “NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT” (kính lễ đấng giác ngộ). Ông Hoàng cũng bất giác niệm theo. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH.

    Niệm Phật tức là niệm lòng yêu thương của mình. Người bố thí cho người nghèo khổ là người niệm lòng yêu thương của mình, người được bố thí cũng là niệm lòng yêu thương. Mỗi mỗi người đều niệm lòng yêu thương thì thế gian này là Thiên đàng, Cực Lạc. Loài người và muôn vật sẽ sống được an vui, hạnh phúc biết bao! Đức hiếu sinh ở đâu thì ở đó có sự bình an và yên vui vô cùng, vô tận.

    Trả lời câu hỏi 13: “Phải! Niệm Phật ông phải tưởng niệm người nghèo khó là để giúp đỡ họ. Tưởng niệm người nghèo khó là để giúp đỡ họ là tưởng niệm Phật đó”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH.

    Phật dạy một phương pháp niệm Phật rất tuyệt vời: “Niệm Phật ông phải tưởng niệm người nghèo khó là để giúp đỡ họ. Tưởng niệm người nghèo khó là để giúp đỡ họ là tưởng niệm Phật đó”.

    Niệm Phật như vậy mới gọi là niệm Phật. Niệm Phật là niệm hành động thương yêu người giúp đỡ cho những người nghèo khổ . Muốn giải thoát ra khỏi nhà sinh tử luân hồi thì chỉ có đức hiếu sinh là pháp độc nhất giúp chúng ta ra khỏi sông mê bể khổ của cuộc đời này vậy.

     
  2. phimanh

    phimanh New Member


    NHỮNG CÂY ĐINH
    ***​
    Mọi người ai cũng có tính hay nóng nảy, hễ ai đụng đến mình là phát cáu lên, biết đó một tính đau khổ, dễ mất thiện cảm với mọi người, nhưng không biết làm sao từ bỏ cho được. Khi chúng tôi đọc tập sách “Hạt Giống Tâm Hồn” có một câu chuyện nó về NHỮNG CÂY ĐINH, ý nghĩa của bài này chỉ cho chúng ta biết lòng giận dữ là một tai hại làm mất lòng yêu thương mình, yêu thương người và yêu thương những loài vật khác. Thấy bài này có những lời khuyên nhủ sống đạo đức hiếu sinh bằng ý hành, khẩu hành và thân hành, nên chúng tôi đem ra đây để nhắc nhở quý Phật tử làm bài học đạo đức và cũng để rèn luyện nhân cách lòng yêu thương sự sống.

    “Một cậu bé tính tình rất nóng nảy và cộc cằn. Người cha biết ý con như vậy nên mới đưa cho cậu một túi đinh và dặn rằng. Mỗi khi con nổi nóng hay nặng lời với ai hãy đóng một cây đinh vào hàng rào gỗ phía sau vườn và suy nghĩ việc mình đã làm. Những ngày đầu tiên câu bé đã đóng 12 chiếc đinh vào hàng rào.

    Kế những ngày sau cậu cố gắng kềm chế cơn giận của mình thì số đinh đóng lên hàng rào mỗi ngày một giảm lần . Cho đến một ngày nào đó cậu không đóng đinh lên tường rào nữa.

    Thấy tính tình mình có thay đổi cậu kể lại với cha, người cha đưa ra ý kiến. Nếu mỗi ngày gặp chướng ngại mà tâm con không sân giận thì con lại nhổ bớt một cây đinh đã đóng trên hàng rào: Nhiều ngày trôi qua tất cả số đinh đóng trên hàng rào được nhổ sạch.

    Cậu thông báo cho cha biết. Người cha dẫn cậu đến hàng rào và nói. Con đã làm tốt rất đáng khen, nhưng con hãy nhìn vào những cái lỗ đinh trên hàng rào sẽ không còn nguyên vẹn như xưa nữa, những điều con thốt ra trong lúc con giận dữ để lại trong lòng người khác những vết thương giống như những vết đinh này. Cho dù con có nói lời xin lỗi bao nhiêu lần thì vết thương vẫn còn đó. Vết thương tâm hồn rất khó hàn gắn và chỉ có thể lành được khi có tình thương yêu chân thành và thực sự trong lòng của mọi người.

    Câu chuyện khuyên răn trong sách này chỉ là một lời nói suông chứ không có pháp hành để xả bỏ tâm sân, nhưng làm cho chúng ta càng hiểu sâu về lợi ích của đức hiếu sinh mà đức Phật đã dạy: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” .

    Trong kinh Phật dạy lấy lòng yêu thương đối trị tâm giận dữ, tuy lời dạy này cũng là một lý thuyết suông. Làm sao bằng cách nào để triển khai lòng yêu thương? Khi lòng yêu thương ngự trị trong lòng người thì tâm giận dữ không bao giờ có mặt. Vậy chúng ta hãy theo dấu vết lộ trình nào của Phật giáo thì mới thấy sự tu tập rèn luyện nhân cách; thì mới thực hiện lòng yêu thương bằng thân hành, khẩu hành, ý hành. Muốn đi vào con đường thực hành thì chúng ta hãy nghe những lời khuyên này: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” hoặc “TỪ BỎ GIẾT HẠI CHÚNG SINH” và “KHÔNG NÊN ĂN THỊT CHÚNG SINH”. Đó là sự thực hành quý Phật tử hãy cố gắng làm cho bằng được thì lòng yêu thương sẽ đến với quý vị. Vậy ngay từ bây giờ hằng ngày phải tránh xa hoặc từ bỏ giết hại và không ăn thịt chúng sinh nữa, từ bỏ là những hành động không làm đau khổ chúng sinh.

    Tu như vậy chưa đủ còn tu tập thêm sức tỉnh giác để tâm luôn luôn sáng suốt bình tỉnh. Vậy tu tập tỉnh giác như thế nào? Tu tập tỉnh giác là triển khai tri kiến hiểu biết của mình:


    1. Những gì cần thông suốt phải thông suốt.
    2. Những gì cần tu tập phải tu tập.
    3. Những gì cần nhẫn nhục phải nhẫn nhục.
    4. Những gì cần tùy thuận phải tùy thuận.
    5. Những gì cần bằng lòng phải bằng lòng.
    6. Những gì cần tác ý phải tác ý
    Về phần triển khai tri kiến giải thoát có vô lượng cách: Thư giản quan sát từng tâm niệm của mình, khi tâm có niệm phải biết tâm có niệm, nhưng phải sáng suốt phân loại tâm niệm ác hay tâm niệm thiện, tâm niệm ác thì quyết tâm tác ý diệt bỏ, còn tâm niệm thiện thì tăng trưởng nuôi dưỡng cho lòng thương yêu rộng lớn và nhiều hơn.

    Bài học hôm nay là bài học rèn nhân cách lòng yêu thương bằng ý hành, thân hành và khẩu hành nhưng ý hành là bài học chính của đức hiếu sinh, đó là sự tư duy suy nghĩ để nuôi lớn lòng thương yêu của mình đối với mọi nhân quả ác, khi mắt thấy tai nghe. Khi lòng yêu thương đã lớn dần trong tâm quý học viên thì tâm giận dữ sẽ tan biến dần và sẽ không còn nữa. Chúng ta biết rằng trong cuộc sống này chỉ có lòng yêu thương là pháp môn đệ nhất đem lại sự bình an cho mọi loài sống trong hành tinh này.

    Lòng yêu thương đến đâu dù bất cứ người thiện hay người ác quý học viên đều thương như nhau. Lòng yêu thương ấy rất bình đẳng, nhưng người đời làm sao hiểu được lòng thương yêu ấy cao thượng như trời như biển. Muốn được lòng yêu thương rộng lớn như vậy thì chỉ có theo các trường lớp đào tạo rèn luyện nhân cách của Phật giáo mà Tu Viện Chơn Như sắp mở cửa. Được theo học như vậy thì lòng yêu thương của quý học viên mới mong thực hiện được.

    NHỮNG CÂU HỎI
    Câu hỏi 1: Tính hay nóng nảy hễ ai đụng đến mình là phát cáu lên biết đó một tính làm mình đau khổ, dễ mất thiện cảm với mọi người nhưng không biết làm sao từ bỏ cho được. Người biết suy nghĩ được câu này là đạo đức gì?

    Trả lời câu 1: Tính hay nóng nảy hễ ai đụng đến mình là phát cáu lên biết đó là một tính làm khổ mình, khổ người, dễ mất thiện cảm với mọi người nhưng không biết làm sao từ bỏ cho được. Người biết suy nghĩ được câu này là người có đạo đức hiếu sinh ý hành. Đạo đức hiếu sinh ý hành là lòng biết thương mình, thương người bằng ý thức tư duy suy nghĩ.

    Khi chúng ta tư duy suy nghĩ một việc thiện đem lại sự an vui cho mình, cho người, đó là lòng yêu thương thuộc về ý hành. Một người có ý thức tư duy các điều thiện là người có đạo đức hiếu sinh.

    Quý học viên muốn tu tập lòng thương yêu rộng lớn thì nên tư duy suy nghĩ những điều lành tránh xa và từ bỏ tư duy suy nghĩ những điều ác. Càng tư duy suy nghĩ những điều lành là càng làm cho lòng yêu thương rộng lớn bao la như trời, như biển, như không gian vũ trụ.

    Người có lòng thương yêu rộng lớn như vậy là người đã làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi sinh tử; người ấy đã thoát ra khỏi vòng quy luật nhân quả của vũ trụ.

    Luận đến đây quý học viên đã thấy rõ Phật giáo chứng đạo đâu phải khó khăn, nên thảo nào ngày xưa khi mọi người nghe Phật thuyết giảng xong là chứng quả A La Hán vô lậu ngay liền. Từ chỗ thấy hiểu biết từ bi tâm của Phật phủ trùm vạn hữu, nên khi nghe Phật thuyết pháp liền chứng đạo là phải. Do hiểu Phật và pháp như vậy, nên các vị phát khởi lòng yêu thương rộng lớn sống với mọi loài, nên các Ngài buông xuống tất cả các pháp thế gian xin Phật xuất gia, trở thành những bậc A La Hán.

    Câu hỏi 2: Người cha biết ý con như vậy nên mới đưa cho cậu một túi đinh và dặn rằng. Mỗi khi con nổi nóng hay nặng lời với ai hãy đóng một cây đinh vào hàng rào gỗ phía sau vườn và suy nghĩ việc con nổi nóng là làm khổ con khổ người khác có đúng không? Lời khuyên dạy này là đạo đức gì?.

    Trả lời câu hỏi 2: Người cha rất tuyệt vời muốn con mình thực hiện lòng thương yêu đến mọi người nên tạo điều kiện giúp con bằng một túi đinh: “Người cha biết ý con như vậy nên mới đưa cho cậu một túi đinh và dặn rằng”. Hành động đưa một túi đinh là đạo đức hiếu sinh thân hành của người cha thương con. Thật tuyệt vời thương con bằng hành động giáo dục đức hiếu sinh thân hành đưa cho con túi đinh để nhiếp phục tâm sân là một hành động ít ai nghĩ đến. “Mỗi khi con nổi nóng hay nặng lời với ai hãy đóng một cây đinh vào hàng rào gỗ phía sau vườn và suy nghĩ việc con nổi nóng là làm khổ con, làm khổ người khác có đúng không? Lời khuyên dạy này của người cha là đạo đức hiếu sinh khẩu hành.

    Chúng ta hằng ngày thường trau dồi rèn luyện nhân cách đức hiếu sinh thì nên lưu ý ba nơi: Thân, miệng, ý, khi chúng làm hay nói một điều lành nào thì đều phải qua ý thức Chánh Tư Duy suy nghĩ rồi mới đến thân hành, khẩu hành. Được ý gạn lọc thì lời nói hay việc làm đều đem lại sự an vui, yên lành cho mình, cho người thì đó là đức hiếu sinh, còn ngược lại làm theo tâm tham, sân, si, mạn, nghi thì mang đến sự khổ đau cho mình, cho người đó là thiếu đức hiếu sinh tức là thiếu lòng thương yêu.

    Người thiếu lòng yêu thương là người sống hoàn toàn những sự khổ đau. Vì thế, thế gian này thiếu lòng yêu thương thì thế gian này là đen tối, là địa ngục, là khổ đau. Vậy quý học viên hãy cố gắng rèn nhân cách hiếu sinh sống không làm khổ mình, khổ người thì đó là mục đích giải khổ của Phật giáo đối với quý vị.

    Xin quý học viên đừng nghĩ những điều cao siêu như: Thiền Định Tam Minh khi đạo đức hiếu sinh chưa có. Đạo đức hiếu sinh chưa có thì đừng nên nghĩ đến Tam Minh Lục Thông. Vì có nghĩ đến nó cũng vô ích mà thôi. Tam Minh Lục Thông không thể dành cho những người thiếu lòng từ bi hay lòng từ bi chưa có. Cho nên đức hiếu sinh rất quan trọng trên đường tìm chân lí.

    Câu hỏi 3: Những ngày đầu tiên cậu bé đã đóng 12 chiếc đinh vào hàng rào. Kế những ngày sau cậu cố gắng kềm chế cơn giận của mình thì số đinh đóng lên hàng rào mỗi ngày một giảm lần . Cho đến một ngày nào đó cậu không đóng đinh lên tường rào nữa. Hành động đóng đinh và sự cố gắng của cậu bé để kềm chế cơn sân và không còn đóng cây đinh nào nữa hết là hành động gì?

    Trả lời câu hỏi 3: Những ngày đầu tiên cậu bé đã đóng 12 chiếc đinh vào hàng rào. Kế những ngày sau cậu cố gắng kềm chế nhiếp phục cơn giận của mình thì số đinh đóng lên hàng rào mỗi ngày một giảm lần và giảm lần thấy rất rõ ràng. Cậu bé rất tin tưởng phương pháp mà người cha đã dạy sẽ mang lại kết quả tốt đẹp như ý nguyện. Cho đến một ngày nào đó cậu không đóng đinh lên tường rào nữa. Hành động đóng đinh và sự cố gắng của cậu bé để kềm chế cơn sân và không còn đóng cây đinh nào nữa là hành động đạo đức hiếu sinh ý hành để thị hiện qua đức hiếu sinh thân hành, chứng minh sự cố gắng giữ gìn đức hiếu sinh không làm khổ mình, khổ người rất tuyệt vời.

    Nếu mỗi người ai cũng cố gắng như cậu bé này thể hiện đúng đức hạnh hiếu sinh thì thế gian này không còn đau khổ nữa. Chính cậu bé này đã thể hiện cố gắng kềm chế lòng giận dữ tức là thực hiện lòng thương mình, thương người. Đây là tình thương bằng hành động ý chí cương quyết ngăn chặn lòng sân, chứ không phải chỉ nói thương bằng lời nói suông. Thường ở đời người ta nói thương bằng lời nói suông như: tôi thương cha, thương mẹ, thương anh, thương chị, thương em v.v... Còn ở đây cậu bé thực hiện lòng thương yêu bằng ý chí, ý hành, thân hành và khẩu hành kiên cường bền chí gan dạ thật đáng khen.

    Người cha dạy con: “Mỗi khi con nổi nóng hay nặng lời với ai hãy đóng một cây đinh vào hàng rào gỗ phía sau vườn và suy nghĩ việc con nổi nóng là làm khổ con, làm khổ người khác có đúng không?” Đây là đạo đức hiếu sinh bằng lời nói, chứ không phải là lời nói thương suông không? Cho nên các học viên hãy phân biệt cho rõ ràng để quý học viên thực lòng thương yêu ngày càng rộng lớn hơn và sẽ đem lại sự an vui cho mình, cho người và cho tất cả chúng sinh.

    Câu hỏi 4: Nếu mỗi ngày gặp chướng ngại mà tâm con không sân giận thì con lại nhổ bớt một cây đinh đã đóng trên hàng rào: Nhiều ngày trôi qua tất cả số đinh đóng trên hàng rào được nhổ sạch.

    Trả lời câu hỏi 4: Người cha khuyên dạy con bằng đức hiếu sinh khẩu hành rất tuyệt vời: “Nếu mỗi ngày gặp chướng ngại mà tâm con không sân giận thì con lại nhổ bớt một cây đinh đã đóng trên hàng rào”: Đến đây quý học viên đã hiểu lời nói nào là lời nói đạo đức hiếu sinh và lời nói nào không phải là đạo đức hiếu sinh. Như đức Phật dạy: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”, đó là đạo đức hiếu sinh bằng lời nói hay bằng lời khuyên: “TỪ BỎ LẤY CỦA KHÔNG CHO”, đó cũng là đạo đức hiếu sinh bằng lời nói, bằng lời khuyên. Nhờ những lời dạy đạo đức hiếu sinh này mà cậu bé đã diệt trừ tâm sân của mình bằng hành động thương mình, thương người “Nhổ đinh”: “Nhiều ngày trôi qua tất cả số đinh đóng trên hàng rào được nhổ sạch”. Câu này chứng tỏ cậu bé đã diệt sạch tâm sân chỉ còn trong lòng mình một tình yêu thương đang ngự trị, nếu không có lòng thương yêu thì làm sao cậu bé nhổ sạch những cây đinh, tức là không bao giờ cậu nhổ sạch những tâm sân của mình.

    Đạo đức hiếu sinh đối trị tâm sân rất tuyệt vời, chỉ những người có quyết chí xa lìa các pháp làm khổ mình khổ người thì nổ lực kiên cường khắc phục, nhẫn nhịn, im lặng như thánh không để ác lẫy lừng thì diệt tâm sân không phải khó khăn. Diệt trừ tâm sân thì ngay trên tâm sân khởi lòng thương yêu ý hành thì tâm sân sẽ bị diệt ngay liền tức khắc.

    Câu hỏi 5: Con đã làm tốt rất đáng khen, nhưng con hãy nhìn vào những cái lỗ đinh trên hàng rào sẽ không còn nguyên vẹn như xưa nữa, những điều con thốt ra trong lúc con giận dữ để lại trong lòng người khác những vết thương giống như những vết đinh này. Cho dù con có nói lời xin lỗi bao nhiêu lần thì vết thương vẫn còn đó. Vết thương tâm hồn rất khó hàn gắn và chỉ có thể lành được khi có tình thương yêu chân thành và thực sự .

    Trả lời câu hỏi 5: Người cha chỉ vạch ra những điều tai hại của cơn sân cho người con thấy cơn sân là một tai hại rất lớn và lưu lại mãi mãi trong lòng của mọi người, làm sao người ta quên được khi lời nói và hành động thiếu lịch sự, kém văn hóa, thô lỗ: đánh đập, chửi mắng, la hét, mạt sát, nói xấu, vu khống, nói lời thêm bớt không đúng sự thật thì những vết thương này làm sao người ta quên được. Trường hợp sân giận của người phụ nữ chửi mắng chồng, đốt nhà, giết con và thân vào tù tội. Những dấu ấn lòng sân hận này cho đến khi chết xuống lòng đất chưa hẳn đã tan.

    Cho nên lời khuyên của người cha rất thấm thía vô cùng: “Con đã làm tốt rất đáng khen, nhưng con hãy nhìn vào những cái lỗ đinh trên hàng rào sẽ không còn nguyên vẹn như xưa nữa, những điều con thốt ra trong lúc con giận dữ để lại trong lòng người khác những vết thương giống như những vết đinh này. Cho dù con có hối hận và nói lời xin lỗi bao nhiêu lần thì vết thương vẫn còn đó. Vết thương tâm hồn rất khó hàn gắn và chỉ có thể lành được khi có tình thương yêu chân thành và thực sự” .

    Tóm lại trên đời này chỉ có tình thương yêu mới mang lại sự bình an cho mình cho mọi người và muôn vật đang sống trên hành tinh này một sự bình an trọn vẹn. Hỡi quý học viên! Chúng ta là những người con Phật, chúng ta rất hãnh diện với lòng từ bi mà đức Phật đã ban cho chúng ta. Diệu Quang ước mong sao quý học viên học lớp NGŨ GIỚI sống đúng năm đức hạnh mà đức Phật đã dạy cho người cư sĩ. Hoàn thành năm đức hạnh này thì thế gian là Thiên Đàng, Cực Lạc, con người và muôn vật là anh em chung một nhà.


    Hoăc vào đây đọc tiếp những bài khác.

     

Chia sẻ trang này