PHÂN TÍCH BÀI BÁO “BỬU SƠN KỲ HƯƠNG” (2) (Tiếp theo) Phần V Châu Lang Kính gửi: - Chư quí Đồng Đạo hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương trong và ngoài nước. - Ban Điều Hành tạp chí Culture tại Canada. - Ban Điều Hành tạp chí Vietlife tại Hoa Kỳ. Loạt bài vừa qua, chúng tôi có trình bày tương đối một số luận cứ khách quan đủ chứng minh nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã trắng trợn xúc phạm thinh danh hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương không chỉ đơn thuần do hạn chế thông tin, hay nhầm lẫn kiến thức mà rõ ràng có dụng ý bôi nhọ…Với bài phân tích sau, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa thêm các dữ liệu cần thiết, bổ sung rõ nét hơn về ý đồ nham hiểm, một lần nữa cho thấy ông Ngạn, chẳng những cố tình lặp lại những luận điệu xuyên tạc vô căn cứ như trước, mà còn gia tăng cường điệu vu khống, làm trầm trọng thêm sự công kích lấn sang lĩnh vực chính trị, hướng sự chỉ trích nhắm ngay đạo PGHH. Nếu như bài “BSKH”(1) ông Ngạn mượn chuyện hoang đường vụ Phan Xích Long nổi dậy và sự lập dị của ông Đạo Dừa cùng một số ông Đạo mê tín bịa đặt khác, để đánh đồng phỉ báng Đức Phật Thầy, Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư Ngô Lợi và đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đạoTứ Ân Hiếu Nghĩa.Thì với bài “BSKH” (2) này nhà văn NNN đã ra sức“bê nguyên xi” câu chuyện nổi dậy của Đạo Tưởng ở Tân Châu, trích từ tác phẩm của Hứa Hoành viết dựa theo sử liệu của nhà giáo Nguyễn Văn Kiềm và Huỳnh Minh trong quyển“Tân Châu xưa và nay’’do nhà xuất bản Trẻ tái bản năm 2005. Điều đáng thất vọng ở Nguyễn Ngọc Ngạn là sự trích dẫn thiếu trung thực, theo thói quen hư cấu cố hữu của y là “Đạo văn, đạo sử” đem pha chế thành của mình, nhằm thực hiện ý đồ phỉ báng và đầu độc độc giả. Gần như văn phong của y bộc lộ kỷ năng phá hoại tôn giáo có tính chuyên nghiệp đẳng cấp lắm vậy! Trước khi vào đề, NNN đã khởi động khá ồn ào, “tự nổ” về thành tích quá khứ của mình. Sự khoe khoang lố bịch đáng hổ thẹn, sử liệu của người khác mà ông còn biến thành công cụ hư cấu dễ dàng,thì đời tư của ông còn có chỗ để tin cậy về sự “bạch hóa”được sao? Một bài báo chẳng ra gì về kiến thức và nhân cách, mà ở đầu trang lại treo đầy “biển quảng cáo”, có đến ba lần tự dán tên mình NGUYỄN NGỌC NGẠN, bằng kiểu chữ in hoa cỡ lớn. Có lẽ vì hàng “dổm” sợ bị sập tiệm nên phải tốn nhiều công sức quảng cáo, thì ra là vậy! Thông thường ở những tờ báo khác, thì phần giới thiệu tác giả có ghi “lời tòa soạn” cho khách quan, nhưng không hiểu sao Culture và Vietlife lại để cho NNN “Tự tung tự tác” thế này ? Hay Ban Điều Hành thấy ghê nội dung quá tồi tệ nên chẳng muốn can dự vào chăng? Trong phần “tự nổ” về 35 tác phẩm, mà sám phần là truyện ma hoặc truyện ngắn vu vơ mê hoặc thiếu nhi, có đáng gì phải kê ra cho xấu mặt. Còn MC cho trung tâm Thúy Nga không có gì khó nổi tiếng, bất kỳ MC nào cứ hợp đồng với Thúy Nga là tự nhiên nổi cộm. Vì Trung tâm này đã sẵn có ưu thế độc quyền, chưa từng có đối thủ. Lại có được sự duyên dáng của cô Kỳ Duyên, là nơi hội tụ lý tưởng cho cả những văn nghệ sĩ nổi tiếng trước 75 và hầu hết ca sĩ trẻ tài năng hải ngoại. Trung tâm Thúy Nga cho dù MC tầm thường cũng trở nên“nhiệt náo”. NNN chỉ là dạng ăn theo. Về việc khoe tác phẩm đầu tay của y được trích đưa vào trường Đại học thật là chuyện khó tin, nếu có thật phần nào, thì ông cũng lượm lặt đâu đó của tác giả vô danh nào đó, chứ với mớ kiến thức lạc hậu qua các bài báo kiểu này thì NNN muôn đời không sao có được khả năng hiếm hoi đó. Riêng cái chức chủ tịch hội văn bút Việt Nam hải ngoại từ 1989 –1991 thì có khả năng tin được, vì có thể hội này ít người, thuộc đàn em không kiếm được người khá hơn y. Tất nhiên anh “chột” phải là vua trong nhóm khiếm thị, thế nên y đủ cơ may để ưu tiên lấp vào chiếc ghế hờ “chủ tịch”. Trong lịch sử văn học có nhà văn nào nổi tiếng nhờ nghề viết truyện hoang tưởng không? Điều quan trọng là hơn 24 năm đầy biến động, từ 1991 đến 2015 ông Ngạn còn dính vào tổ chức danh giá nào không mới là vấn đề, hay đã bị kỷ luật do tha hóa tư tưởng và nếp sống…? Thành tích nổi cộm gì, mà năm 1992 NNN được Quốc Hội Hoa Kỳ tuyên dương ? Công luận trong và ngoài nước cho đến nay, vẫn không nghe được man mán tí gì về công cán này. Tóm lại dù NNN có sở hữu cái quá khứ “hoàng kim” thật hay ảo, thì hiện tại cũng khó tránh khỏi sự đối mặt trước sự phán xét của công lý và công luận về tác hại của bài báo “BSKH”(1,2) bộc lộ hành vi phỉ báng Tôn giáo quá ư liều lĩnh và trắng trợn của ông. Nếu khách quan đánh giá nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn có năng khiếu phỉ báng hàng loạt các tôn giáo và giỏi tài chạy chọt đăng trên nhiều tạp chí cùng lúc, để làm nghề mưu sinh, thì ít ra ông Ngạn phải vén khéo biết tận dụng kỷ năng tiểu xảo đó một cách tài tình mới phải, cốt sao cho độc giả mê mệt với thủ thuật tinh khôn để lái công luận không sao phát hiện ra những dụng ý yếu kém lố bịch của mình, đằng này NNN quá kém cỏi “mã nghề”cứ để "hở sườn" suốt 2 bài báo, khác nào tạo cơ hội cho đối phương dễ dàng "hạ thủ". Bài báo này hình dung như NNN "đưa lưng chúng đấm" theo kiểu “thí mạng cùi” thì phải! Thông thường khi phê phán một chủ thể nào đó, tác giả nhắm ngay đối tượng chính để công kích rồi mượn sử liệu chứng minh, hoặc so sánh lý luận sao cho thuyết phục. Nhưng NNN làm ngược lại trình tự. Mục đích của bài BSKH (2) chính yếu là bôi nhọ Đức Huỳnh Giáo Chủ và PGHH, có tổng số 3 trang báo. Nhưng NNN đã dành hết 2 trang (2/3) để lý sự vòng vo vụ nổi dậy của Đạo Tưởng, chẳng dính gì với PGHH, sau đó viết chưa đầy một trang để xuyên tạc vu khống đạo PGHH khơi khơi rất lạc đề. Tạo ra sự mất cân đối về bố cục khiến độc giả nhận ra ngay sự lúng túng thô thiển trong kiến trúc nội dung và đoạn kết lại hết sức ngớ ngẩn ngây ngô, bằng một sự giả vờ quên, để cố tình sửa lời bài thơ "Tình yêu" nổi tiếng của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Cách làm vụng về như vậy có thuyết phục được ai? Trở lại với đầu đề bài báo là "Khám phá văn hóa Việt" nhà văn NNN đã mâu thuẫn ngay trong mở đầu rất đáng bị xem thường."Đạo văn, chỉnh sử và bịa đặt làm thay đổi nội dung tác phẩm người khác" bị luật bảo vệ tác quyền nghiêm cấm, không có nhà văn liêm sỉ nào dám "giở trò". Nhưng NNN rất thản nhiên xem thường độc giả bằng “quái chiêu” độc địa đó, để giải thích cho cái gọi là “Khám phá văn hóa Việt”. Có cái thứ khám phá "Văn hóa Việt" nào xưa nay được thực hiện bằng cách "bê nguyên xi" mẫu chuyện của tác giả khác? Vậy mà NNN dám sao y bản chánh "Cuộc nổi dậy của ông Đạo Tưởng ở Tân Châu" viết đầy 2 trang báo của mình. Giống như kẻ trộm khuân đồ gian tế đi bán công khai ngoài chợ “chồm hổm”. Chỉ duy nhất có một đoạn (18 câu) là do Nguyễn Ngọc Ngạn “tự chế” có liên quan "Đạo Tưởng xin đi đánh Hiller" hoàn toàn bịa đặt, kiếm không đâu ra trong tác phẩm của Hứa Hoành. Phải chi chuyện Đạo Tưởng chưa từng ai biết thì tạm cho đó là khám phá mới cũng được. Đằng này câu chuyện ấy tất cả dân Nam Bộ lâu nay đã quá rành. Rành và chuẩn xác gấp trăm lần kiến thức nông cạn của NNN. Vì hầu hết tín đồ PGHH đã được Đức Thầy cho biết: Chính do vụ Đạo Tưởng nổi dậy giết người tế cờ và tự xưng là cùng Tông phái BSKH, ảnh hưởng tác hại đến công cuộc khai Đạo của Ngài. Và cũng chính sự cố Đạo Tưởng làm tăng sự nghi ngờ của thực dân Pháp. Đức Thầy phải đình chỉ cuộc du Sơn lần thứ tư với ông Biện Đài và gấp rút trở về ổn định tín đồ tránh sự hoang mang. Một quyết định then chốt nhằm phân minh tà, chánh là Đức Huỳnh Giáo Chủ đã kiên quyết thay đổi cả biểu tượng thờ phượng từ Trần Điều thành Trần Dà như sau: “Từ trước chúng ta thờ Trần Điều là di tích của Đức Phật Thầy Tây An để lại. Nhưng gần đây có nhiều kẻ thờ Trần Điều tự xưng cùng tông phái với chúng ta, làm sái phép, sái với tôn chỉ của Đức Phật, nên toàn thể trong Đạo đổi lại màu Dà”. Lời huấn thị trên của Đức Thầy đủ chứng minh PGHH không hề có mối liên hệ nào với Đạo Tưởng và xác định hắn tự xưng, chứ không phải là chi phái chính thức. Trên thực tế nhóm Đạo Tưởng không quá 100 người và cách hành xử rất tự phát cục bộ như một phái tà, không có Pháp môn, Tôn chỉ hay thơ văn gì chính chắn cả. Một điều đáng nhắc nhở cho NNN thức tỉnh để thấy rằng: Tác phẩm “Tân Châu xưa và nay” của nhà giáo Nguyễn Văn Kiềm và quyển “Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ” Hứa Hoành đã trích đoạn vụ Đạo Tưởng từ tác phẩm trên. Cả hai tác giả đều không đề cập có sự liên quan mảy may nào giữa ĐạoTưởng và PGHH. Ông Ngạn chớ nên cuồng ngôn gắn ghép phi lý! Thời Pháp thuộc là giai đoạn hỗn loạn tình thế nhân tâm, không riêng gì Đạo Tưởng mà rải rác đó đây thiếu gì nhóm gian hồ tự phát nổi lên hùng cứ như Phan Xích Long… hay nhóm này nhóm nọ tự xưng hùng xưng bá đa dạng ngổn ngang. Nhưng lịch sử đã sớm an bài, những tà thuyết tà đạo cũng lần lượt đều tự diệt vong theo luật đào thải. Riêng đối với đạo chánh như hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương tuy trải qua nhiều gian lao, nhưng luôn đồng hành cùng dân tộc và bất diệt với thời gian. Vẫn an nhiên tồn tại phát triển mãi mãi và lan tỏa khắp năm châu bốn biển, không tà thuyết nào đủ sức đánh đổ. Như vậy không đủ làm sáng mắt nhà văn NNN hay sao? mà thỉnh thoảng cứ giở chiêu này trò nọ cho hoài công phí sức để cuối cùng phải tự tổn thương uy tín sự nghiệp đời mình, bằng sự trả giá quá đắt từ công luận, còn di hại cừu oán lâu dài. Tóm lại kể câu chuyện Đạo Tưởng không phải là một khám phá văn hóa, cũng không đúng nghĩa trích dẫn, mà chỉ đáng gọi là hành vi “đạo văn”. Nếu trích dẫn phải sử dụng dấu ngoặc kép. Là nhà văn chuyên nghiệp, phải tuân thủ nguyên tắc trích dẫn mới không xúc phạm tiền bối, không phạm luật tác quyền. Cách vào đề ngang xương khiến độc giả lầm nhận bài “BSKH2” là sản phẩm độc quyền của NNN. Nếu phải luận tội đầy đủ thì tội danh được thành lập cho NNN trong vụ này còn có thêm tội vu khống chứ không chỉ đơn thuần là “Đạo văn”. Với khí chất hoang tưởng, NNN cứ quanh quẩn theo não trạng bất thường hết trộm văn, Đạo sử rồi bịa đặt vu khống… ông tự dựng lên nhân vật “Đạo Sển” cho đó là biệt danh của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Vì không chứng cứ, nên sau đó ông liền tỏ ý hoang mang ngờ vực “Không biết tại sao có tên “Đạo Sển”, có thể vì phát âm từ tiếng Miên chăng?”. Đây là cách viết của kẻ cuồng ngôn bất trí, viết mà không biết mình viết gì”. Lịch sử Đức Huỳnh Giáo Chủ đã được cả thế giới đều biết. Được tôn vinh trong bộ Tự Điển Bách Khoa lừng danh quốc tế, còn thiếu những gì? Đức Huỳnh Giáo Chủ được sinh ra và lớn lên tại làng Hòa Hảo quận Tân Châu, An Giang, thuộc miền Tây Nam Việt, trong một gia đình danh gia vọng tộc Việt Nam, chứ nào phải xứ “Chùa Tháp” mà ảnh hưởng tiếng Miên. Cách áp đặt vu khống như vậy thật là bừa bãi. Từ lúc chuẩn bị cho đến ngày chính thức khai sáng đạo PGHH. Đức Huỳnh Giáo Chủ không có biệt danh “Ông Đạo” như tất cả các ông Đạo trong phái BSKH hay các ông Đạo mê tín tự xưng khác. Người đời hay đạo đều tôn gọi Đức Thầy bằng nhiều tôn từ như: Đức Thầy, Ông Tư Hòa Hảo, Cậu Tư Hòa Hảo, Đức Huỳnh Giáo Chủ, chí đến ông Trần Văn Giàu, Trần Văn Nguyên không liên quan gì với tôn giáo mà vẫn gọi Đức Thầy bằng “Ông Trưởng Giáo”. Cho dù thuở sơ sinh do tập quán dân gian. Đức Ông Đức Bà có đặt cái tên dễ gọi là “Sển” hay bất kỳ tên nào đó cho con mình ít ai chú ý, thì cũng không đủ lý do để gọi kèm bằng “Ông Đạo…”, mà đúng nghĩa để gọi là “tên thường dùng” chỉ được ghi trong căn cước hay lý lịch, hộ khẩu thôi. Vì Đức Thầy lúc khai đạo độ đời ở tuổi 20 đã trưởng thành và có làm đại lễ “Cáo Hoàng Thiên” tại Tổ Đình rất danh chánh ngôn thuận với tư cách một Giáo chủ Tôn giáo PGHH, như tư cách của Đức Phật Thầy giáo tổ đạo BSKH. Các vị giáo chủ chính thức, không bất kỳ ai được quyền gọi tắt là “Ông Đạo” cho dù họ có tôn kính hay không. Đây là cách tôi viết có kềm chế, nhằm nhắc nhở cho ông Ngạn sớm tỉnh ngộ mà cải thiện thói hoang tưởng hồ đồ đừng tái phạm, nhằm cảnh giác bịnh nghề nghiệp, do quen sáng tác truyện ma quái, khiến đầu óc dễ ảo tưởng mất chính kiến. Ông cũng đã biết Đức Thầy: “Học xong tiểu học ông phải nghỉ vì quanh năm đau ốm…” tức ông Ngạn đã có đọc qua lịch sử Đức Huỳnh Giáo Chủ. Theo lẽ ông phải biết thêm giai đoạn Đức Thầy “Hoát nhiên Đại ngộ” như nhiều sử liệu đã ghi để ông tiếp tục cảm nhận thêm sư phi thường về thiên tài thơ văn thi phú cũng như cách trị bịnh bằng “Huyền diệu của Tiên gia” và sự thông kim bác cổ của bậc siêu phàm được ghi lại bàng bạc trong Sấm Kinh Thi Thơ với biện tài ứng đối siêu tuyệt thuyết phục được cả giới trí thức Đông, Tây đến cật vấn lúc ấy. Nhưng ông Ngạn cố tình lờ đi để đặt điều xuyên tạc cho sai lệch lịch sử với dụng ý tà tâm. Đâu phải sử liệu kẻ nào bịa đặt cũng được. Dựa vào đâu ông viết: “Năm 16 tuổi ông lên tu học trên núi Sam. Ba năm sau ông xuống núi chữa bịnh và thuyết giảng”. Đoạn này không có sử liệu nào ghi chép thì làm sao ông biết vậy, trong khi lúc ấy ông “chưa được đi đầu thai”. Cách vu khống bôi nhọ này con nít cũng không thể tin đừng nói độc giả trí thức chơn chánh. Hằng 7- 8 triệu tín đồ PGHH không biết mà ông là người ngoại đạo “bá vơ” lại biết, phải chăng cái biết tà kiến này do ông hư cấu? Ông ít nhiều cũng nghe biết Đức Thầy là con trai của Đức ông Huỳnh Công Bộ và Đức bà Lê Thị Nhậm là một gia đình chức sắc lớn trong làng, uy danh lừng lẫy khắp vùng, giàu sang tột bực. Lại tự nhiên để con trai cưng mình, tự ên bỏ nhà đi lên Núi Sam tu 3 năm, trong khi trên núi ấy từ sau Đức Phật Thầy tịch diệt đã gần 100 năm không hề có một danh sư dạy đạo trên ấy. Vậy Đức Thầy học đạo với ai? Rồi sau ngày khai Đạo 18/5/ Kỷ Mão 1939 Sấm Kinh Thi Thơ Đức Thầy tuông ra như “Suối Tiên Thánh chảy ra cuồn cuộn” được kết tập thành quyển kinh dầy gần 500 trang với 6 phẩm kinh và hơn 200 bài thơ bằng Quốc ngữ và Hán Việt rất huyền diệu cơ mầu, là một tuyệt tác quán quân ngôn ngữ. Nếu có một ông Thầy giỏi ở Núi Sam dạy cho Đức Thầy thì vị Sư trưởng ấy có tên hoặc Đạo hiệu là gì và tài nghệ xuất chúng ra sao? Ông Ngạn hãy mau giải thích cho thông vấn nạn này để khỏi mang tội vu khống Phật Thần! Và khỏi mất mặt hai tạp chí đã vô tình cộng nghiệp bất kính đăng tải bài báo phỉ báng của ông! Chưa dừng lại ở sự lộng ngôn bôi bác, ông Ngạn còn bịa đặt động trời hơn nữa, ông nói Đức Thầy tiên đoán là: “Pháp sẽ thua trận ở Châu Âu, Nhật sẽ đảo chánh Pháp ở Việt Nam, để từ đó có độc lập”. Trong Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ có viết nhiều về diễn biến Thiên cơ và Đạo lý. Nhưng vẫn không có đoạn nào bằng văn thơ tiên đoán như ông Ngạn bịa đặt trên. Chẳng hạn Đức Thầy có tiên đoán về sự khởi đầu cũng như kết thúc chiến tranh thế giới lần II như sau: “Mèo kêu bá tánh lao xao Đến chừng rồng rắn máu đào chỉn ghê. Con ngựa lại đá con dê, Khắp trong trần hạ nhiều bế gian lao. Khỉ kia cũng bị xáo xào Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng” (Đúng như tiên tri: Khởi chiến năm Mèo 1939 và kết thúc năm Dậu 1945) Lời tiên tri của Đức Thầy rất chính xác và tài tình bằng cách ẩn dụ “Bảy con giáp” tương ứng cho bảy năm thế chiến lần II, chứ đâu có nói huỵch tẹt vớ vẩn như ông Ngạn bịa đặt hoang tưởng như trên. PHÂN TÍCH BÀI BÁO “ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG” (2) (Tiếp theo) Phần VI Châu Lang Tôi cảm thấy rất tiếc rẽ công sức, khi phải tranh luận đánh đổ ý tưởng nhảm nhí nông cạn của ông Ngạn nhận định về sự ra đời của đạo PGHH. Ông Ngạn viết: “Vì quê gốc làng Hòa Hảo, nên Huỳnh Phú Sổ trở thành người khai sáng ra đạo Phật Giáo Hòa Hỏa”. Cách nói tắt ngang, sơ sài thiếu tôn kính như vậy, khiến độc giả lầm nhận rằng: Tôn danh Phật Giáo Hòa Hảo là nhờ cái tên làng xã tạo nên. Nếu lỡ như tên làng Hòa Hảo bị đổi thành Phú Mỹ như hiện nay, rồi đạo PGHH đổi thành Phật Giáo Phú Mỹ hay sao? Hoặc giả nếu Tổ Đình thuộc xã Mỹ Lương cũng phải đổi thành Tổ Đình Mỹ Lương sao? Đừng có thành kiến ấu trĩ như vậy. Xưa nay vẫn có thông lệ tùy nghi, các bậc Tổ sư hay Giáo chủ thường lấy địa danh gắn liền với tông phái của mình, nếu địa danh ấy có ý nghĩa phù hợp với chủ trương lập Giáo, chứ không phải là qui luật. Như Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông lấy tên núi Yên Tử đặt tên tông phái “Trúc Lâm Yên Tử” của mình. Ngoài ra vẫn còn nhiều trường hợp đặc biệt khác không liên quan địa danh như Đức Phật Thầy khai sáng đạo ở Long Kiến Chợ Mới, nhưng lấy tên đạo “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Vậy ông Ngạn cần nhận định cho chính chắn hơn để hiểu được rằng: Sở dĩ Đức Huỳnh Giáo Chủ lấy tên đạo Phật Giáo Hòa Hảo vì địa danh Hòa Hảo ấy phù hợp với chủ trương: “Hiếu Hòa và Toàn Hảo” theo giáo thuyết bình hòa của Đức Thích Ca Mâu Ni, mà Đức Huỳnh Giáo Chủ có sứ mạng chấn hưng cho đúng chân truyền. Còn điều kiện để trở thành một tôn giáo chính thức chúng tôi đã có luận về 6 tiêu chuẩn căn bản ở loạt bài trước. Nhìn chung cả hai bài báo của NNN vì cố tình xuyên tạc sự thật nên hoàn toàn không có đoạn văn nào đúng đắn cả. Nhưng vì hạn chế khuôn khổ bài viết, nên tôi chỉ phản biện những đoạn cực kỳ mâu thuẫn và vô lý mà thôi. Sự vô lý tiếp theo ông Ngạn nhận xét chủ quan rằng: “Sự xuất hiện của Huỳnh Phú Sổ là khúc rẽ rất lớn trong dòng tín ngưỡng Bửu Sơn Kỳ Hương, khiến sau này người ta chỉ còn nhớ danh xưng Phật Giáo Hòa Hảo mà quên dần Bửu Sơn Kỳ Hương”. Nhận xét như vậy chưa thật đúng về mối quan hệ hữu cơ giữa BSKH và PGHH. Đạo PGHH chẳng những không “ rẽ phải, sang trái ” làm ngăn trở dòng chảy BSKH hay làm mờ nhạt sắc thái BSKH, trái lại còn khai thông lưu vực rất hiệu năng trong quá trình chuyển tải phù sa tưới tắm cho ruộng vườn càng xanh tươi mầu mỡ cho cả đồng bằng Nam Bộ. Chúng ta cần có tầm nhìn bao quát và xuyên suốt về sự phát triển tất yếu của dòng tín ngưỡng cơ huyền của hệ thống BSKH mang tính kết nối rất thiêng liêng và liên tục gần hai trăm năm . Nếu tôn Đức PhậtThầy và BSKH là dòng đại lưu từ thượng nguồn khởi phát dòng chảy hồi 1849, thì Đức Huỳnh Giáo Chủ và PGHH hồi 1939 là dòng chính lưu tiếp nối phình ra càng sâu rộng ở hạ nguồn cho thông lưu dòng “Bảo Giang” cuồn cuộn thoát nhanh hòa nhập vào biển cả. Nếu kính Đức Phật Thầy và BSKH là nền tảng rộng lớn vững vàng cho công cuộc chấn hưng Phật Giáo và vãn hồi Đạo Nhân, chuẩn bị tốt cho cuộc kiến lập đời Thượng ngươn, thì Đức Huỳnh Giáo Chủ và PGHH chính là những “Tòa lâu đài đạo hạnh vô thượng vô song” được xây dựng kiên cố hoành tráng trên nền móng chắc chắn của nền chánh đạo Như Lai. Đúng vậy, hồi giữa thế kỷ 19 Đức Phật Thầy là giáo Tổ khai sáng tôn chỉ Học Phật Tu Nhân, đặt nặng việc trao truyền tâm Pháp cho 12 vị Đại đệ tử chứng đắc thần thông đạo hạnh, để chia nhau hoằng pháp khắp nơi bằng Mật giáo, và hướng dẫn tín đồ mở cõi và xây dựng trại ruộng, đồn điền, công thổ … thì đến đầu giữa thế kỷ 20, Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo PGHH nối tiếp truyền thừa phương thức Tại Gia Cư Sĩ ấy, với nỗ lực vãn hồi Đạo Nhân và xương minh Đạo Phật bằng yếu chỉ Thiền Tịnh song tu và hệ thống hóa nền giáo lý chân truyền khế cơ khế lý của Phật Thầy trước kia, nhưng đặt nặng truyền bá thiên cơ đạo lý bằng thơ văn và tôn chỉ thực hành, nhắm ngay quảng đại tín đồ bằng Hiển giáo, khiến cho mọi tầng lớp tín đồ dễ tiếp cận chân lý,phù hợp với thời đại khoa học, để sớm đạt trí tuệ phước duyên, tiến đến viên mãn công đức đủ điều kiện vãng sanh Cực Lạc hay thành đạo trong Đại Hội Long Hoa. Tóm lại, tuy phương thức giáo hoá có khác nhau về phương tiện, nhưng có cùng mục đích chấn hưng nền Phật giáo, nối theo chân truyền của Đức Phật Tổ Thích Ca.Như vậy sự xuất hiện của Đức Huỳnh Giáo Chủ là một cơ hội hoàn thiện tất yếu cho sự phát triển dòng tín ngưỡng BSKH càng thêm rực rỡ, chứ không có hiện tượng “ Quên dần Bửu Sơn Kỳ Hương ” như NNN đã lo sợ vu vơ. Tiếp theo NNN lại trích dẫn sự nhận định của Tạ Chí Đại Trường: “Phật Giáo Hòa Hảo không nhận y bát từ Bửu Sơn Kỳ Hương mà chỉ là sự nối tiếp đặc biệt do tính thiêng liêng chuyển hóa qua xác phàm”. Không phải PGHH không đủ tiêu chuẩn nhận y bát, mà do sự giới hạn của thời mạt pháp được đánh dấu bặt truyền ngay sau khi Đức Lục Tổ Huệ Năng tịch diệt. Do vậy Phật giáo truyền thừa được thay thế bằng phương thức chuyển hóa thiêng liêng với 5 lần chuyển kiếp từ Đức Phật Thầy Tây An đến kiếp chót là Đức Huỳnh Giáo Chủ. Cần nói thêm để cải chính sự nhận định chủ quan của NNN qua đoạn: “Phật Giáo Hòa Hảo cũng thoát khỏi cái giai đoạn tin bùa phép một cách ngây ngô của lớp người đi trước”. Thực tế hệ phái BSKH không có vị nào dùng bùa phép. Nếu trong phương thuật trị bịnh có lạ mắt, chẳng qua các Ngài quyền dụng thần thông hay dùng “Huyền diệu của Tiên gia độ bịnh”. Cần phân biệt “phát phù”của Phật Tiên và “bùa phép” của tà sư ngoại đạo. Trong giảng Phật Thầy có dùng từ “phát phù trị bịnh”. Phù có nhiều nghĩa. Nhưng nghĩa chính là tấm thẻ làm tin, hay vật làm tin. Trong quân đội xưa có dùng từ “binh phù” (là ấn tướng soái làm tin cho binh sĩ). Trong tôn giáo có “linh phù” (là ấn triện linh thiêng làm tin cho tín đồ, như lòng phái có bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương).Trong phương dược trị bịnh của Phật Thầy gọi là “phát phù” tức phát cho bệnh nhân miếng giấy vàng xé nhỏ gọi là vật tin đã có sự ấn chứng vô vi của Phật của Thầy không cóviết ký hiệu gì cả. Khác với “bùa phép”của thuật sĩ ngoại đạo là có họa ký tự ngoằn nghèo, đỏ điều sơn phết đủ thứ… Cách trị bịnh của Đức Phật Thầy và Đức Huỳnh Giáo Chủ là chỉ phát cho bịnh nhân chun nước lã hoặc miếng giấy vàng xé nhỏ rồi bịnh nhân chỉ niệm Phật hoặc vái Thần hộ độ. Giảng PGHH có câu: “Giấy vàng xé nhỏ vái Thần độ vô”. Tuyệt nhiên các Ngài không có họa chữ bùa bóng hoặc bùa chữ mực nào cả, cũng không có đọc chú, vái cúng vật thực chi hết. Chỉ khuyên bịnh nhân lạy Phật, niệm Phật làm lành bịnh sẽ mau khỏi thế thôi. Vậy NNN nói rằng “PGHH cũng thoát khỏi cái giai đoạn tin bùa phép của lớp người đi trước” là không đúng. Vì trước kia Phật Thầy đâu có dùng bùa phép của thuật sĩ. Về lý do đạo Phật Giáo Hòa Hảo “Có chỗ đứng vững mạnh và lan rộng qua nhiều tỉnh Miền Tây, ngay cả trong tầng lớp trí thức” Là do ba yếu tố chính yếu sau: 1.- Đức Huỳnh Giáo Chủ có trí thức phi phàm (không học mà bác lãm cổ kim, thấu rõ diệu huyền và thắng phục mọi thử thách của hàng trí thức Đông,Tây). 2.- Ngài có nền giáo lý chân chánh (khế cơ, khế lý phù hợp thời kỳ, nối chân truyền chánh đạo Thích Ca). 3.- Ngài có hành trạng và gương hạnh thanh khiết cao thượng (Hòa quan đồng trần mà vẫn luôn trong sạch, khác hẳn phàm nhân). Lại cần đính chánh thêm một đoạn sai thực tế ông Ngạn viết về sự kiện Đức Thầy bị Pháp lưu cư nhiều nơi sau:“Ông Huỳnh Phú Sổ bị Pháp dời cư không được sinh sống ở hai tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc nữa”. Dùng từ “dời cư” là không đúng nghĩa cho lắm. Vì lúc khai Đạo và hoằng Đạo trong năm 1939 và đầu năm 1940. Đức Thầy đều thường trú tại Tổ Đình Hòa Hảo và đi lại một số làng xã thuộc quận nhà Tân Châu, chứ đâu có tạm trú bất hợp pháp ở tỉnh khác, quận khác mà dùng từ “dời cư”. Vì Pháp dùng quyền lực cố tình lưu cư Ngài đi nơi khác để tín đồ không còn cơ hội đến qui y đông đảo. Vì số lượng tín đồ vào đầu 1940 đã lên đến hơn 1 triệu người, chứ không phải chỉ “Khoảng 10 ngàn” như Ông Ngạn phỏng đoán mò. Gần cuối bài báo NNN đổi luận điệu bôi nhọ PGHH sang lãnh vực chính trị bằng sự bịa đặt rất hoang tưởng hoàn toàn không đúng về bối cảnh lịch sử giai đoạn 1945-1947. Cái trò méo mó này trước đây tôi đã nhiều lần thẳng thắn phản biện. Nay NNN cố ý lặp lại để áp đặt PGHH có ý tham gia chính trị để tranh giành quyền lực với Pháp và Việt Minh, nhằm làm lệch lạc tính lịch sử trung thực về biến cố Đốc Vàng Hạ 16/4/1947 tức ngày 25/2 (nhuần năm Đinh Hợi). Gây nghi ngờ trong công luận, nhằm đưa đến mục tiêu chính của bài báo là kết luận Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chết trong vụ “biến cố” đó, cho tín đồ PGHH mất niềm tin về sự trở lại của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Đầu đề bài báo là: “Khám phá văn hóa Việt” thế mà tác giả bài báo lại trơ trẽn lấn sang lĩnh vực chính trị với dụng ý bất chính, chứng tỏ nhà văn NNN thuộc diện lai căn, lộ rõ chân tướng bất minh. Ông Ngạn không có kiến thức chính trị, không am tường lịch sử, lại thiếu trung tính và đạo đức nghề nghiệp tối thiểu của người cầm bút, nên không sao có được nhãn quan của bậc trượng phu mà thấu suốt được vai trò lịch sử thiêng liêng, cùng những cống hiến hào hùng của PGHH trong giai đoạn hiểm nghèo khuẩn bách của dân tộc theo từng khúc quanh lịch sử. Phạm vi bài viết này, tôi không muốn va chạm nhiều đến tính nhạy cảm, và cũng không cần thiết để tôi phải dông dài tự sự về đoàn thể của mình đối với ông Ngạn cho vô ích. Chỉ vì bất bình về sự vô lý mà lên tiếng phản biện cho công luận phân biệt chính - tà, thiện – ác, đúng - sai thôi! Ông Ngạn nêu sự kiện lịch sử mà không có móc thời gian, nhằm đánh lận độc giả. Cách lập lờ như vậy thật là độc ác, khiến độc giả rất dễ lầm nhận những mẫu chuyện bịa đặt! Bởi lịch sử là việc của quá khứ rất khó phản ảnh khách quan. Muốn hiểu lịch sử tương đối chuẩn xác phải có óc suy luận tinh khôn, nhằm loại trừ mâu thuẫn thiếu lôgíc, mà yếu tố “móc thời điểm” là chỗ tựa cực kỳ quan trọng. Ngày nay đa phần đại chúng ít ai thích môn lịch sử, vì nó biến dạng quá nhiều, nhất là thời đại bùng nổ thông tin, nhiều nguồn tin trái ngược khó phân do sự tùy tiện viết bừa, hoặc ác ý theo ý đồ hay cảm tính chủ quan. Tôi có chút kinh nghiệm phát hiện cái trò “đánh tráo thời gian” này cũng khá lợi hại. Bởi trước đây tôi đã nhiều lần tra cứu kỹ lịch sử Đạo Nhà để lý luận phản biện với những xuyên tạc uy tín PGHH bằng chiêu thức “lươn lẹo về dấu móc thời gian” qua nhiều trận bút chiến. Nếu kể một sự kiện lịch sử mà không ghi thời điểm, hoặc ghi sai năm tháng tức sự thật bị đảo lộn, tà chánh khó phân, đúng sai khó biết. Đối với nhà văn như ô. Ngạn cố ý bôi nhọ tôn giáo, thì yếu tố “Thời điểm” là ngón tiểu xảo khá nguy hiểm. Một là không ghi rõ năm tháng, hai là viết sai thời gian, rồi áp đặt sự kiện bừa bãi để dẫn độc giả theo gian kế của mình. Một thí dụ điển hình như ông Ngạn viết lấp lửng không có móc thời gian mà chỉ nêu sự kiện áp đặt chồng chéo như sau: “Tình hình chính trị miền Nam Việt Nam lúc này diễn ra phức tạp. Pháp, Nhật, Việt Minh ba lực lượng cùng hoạt động, mà phe nào cũng có thực lực. PGHH của Huỳnh Phú Sổ không chỉ khoanh tay đứng ngoài nhìn ba phe kia chém giết lẫn nhau”. Đoạn mô tả này không có ghi móc thời gian, với dụng ý xuyên tạc dối trá sau: 1. Về móc thời điểm y viết “lúc này” có ai biết năm nào không? 2. Về ba lực lượng Pháp, Nhật và Việt Minh đâu có xuất hiện đối đầu “Tam chiến Lữ Bố” thường xuyên ở miền Nam để chém giết nhau trong mọi thời điểm? 3. Dùng nhóm từ “ba phe kia chém giết lẫn nhau” là cách viết gian hồ giành giựt, không phân minh đâu bạn đâu thù và đâu là chính nghĩa dân tộc, đâu là phi nghĩa thực dân xâm lược. Rồi vu khống PGHH cũng nhảy vô chia phần. Lối viết cao ngạo tùy tiện phi dân tộc, phi tôn giáo này không phải là cách nhìn lịch sử mà cố ý bôi bác cả Tôn giáo lẫn chính nghĩa kháng chiến của cả dân tộc, cũng đều “cá mè một lứa” như quân ngoại chủng xâm lăng. Nhật có mặt ở Việt Nam từ 1940 với mục đích hợp tác với Pháp để chia tô giới thực dân tạo ra thế “Một cỗ hai tròng” lên dân tộc Việt Nam chứ không phải Nhật đối đầu quân sự với Pháp, cho đến móc ngày 9/3/1945 Nhật đảo chánh Pháp. Do Pháp thất thủ ở Châu Âu, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Pháp bị giải trừ quân bị rút lui. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh 15/8/1945, Việt Minh giành chính quyền ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Ngày 25/8/1945 Trần Văn Giàu thành lập Lâm ủy kháng chiến miền Nam. Đến ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Sau 21 ngày độc lập, đến 23/9/1945 Pháp xua quân trở lại lần lượt tái chiếm Việt Nam lần 2. Lúc này lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ đều tản mác để bảo toàn lực lượng còn non trẻ. Nên các thành trì kháng chiến ở đô thị đều bỏ trống. Trước tình thế lạnh lẽo bức ngặt này, Đức Huỳnh Giáo Chủ cùng các tổ chức yêu nước trước đó kết hợp thành lập lực lượng vũ trang kháng chiến chống Pháp ở Miền Nam. Đến 21/9/1946 Đức Huỳnh Giáo Chủ Tuyên ngôn đảng Dân Chủ Xã Hội, qui tụ các đảng phái yêu nước cùng tham gia song song cùng với lực lượng Quân sự chống Pháp. Sau 9 ngày khi thành lập Đảng Dân Xã, đến ngày 1/10/1946 đáp lời mời tham gia UBKCHCNB của cán bộ Việt Minh là giáo sư Phạm Thiều. Đức Thầy họa lại nguyên vận 5 khổ thơ tứ cú của GS Phạm Thiều, bày tỏ tinh thần đoàn kết nhưng rất thận trọng. Ngày 14/11/1946 Đức Huỳnh Giáo Chủ tuyên bố có đăng trên báo Quần Chúng, nêu rõ 3 lý do thể hiện tinh thần đoàn kết hưởng ứng theo tiếng gọi của Chính phủ Việt Minh, được trích đoạn sau: “ Hôm nay nhận rõ cuộc đấu tranh cho tổ quốc còn dài và cần nhiều nỗ lực, hưởng ứng với tiếng gọi đại đoàn kết của Chánh phủ Trung ương, tôi quyết định tham gia hành chánh với những mục đích này: 1.- Để tỏ cho quốc dân và chính phủ thấy rằng chúng tôi chủ trương thống nhất lãnh thổ và độc lập quốc gia. 2.- Để biểu dương tinh thần đoàn kết của dân tộc, hầu mau đem thắng lợi cuối cùng. 3.- Để tỏ cho các đảng phái thấy rằng chúng tôi không khi nào có những tham vọng cao sang vương bá hay vì hiềm riêng mà hờ hững với phận sự cứu quốc. Biểu lộ tấm lòng thành thật ấy, tôi chỉ nhận một nhiệm vụ cần thiết, hạp với hoàn cảnh và năng lực mình, cố gắng giàn xếp về hành chánh và quân sự để củng cố và tăng cường lực lượng của quốc gia”… PHÂN TÍCH BÀI BÁO “ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG” (2) (Tiếp theo) Phần VII Châu Lang Bên cạnh việc tham chánh Ngài còn chấp nhận thành lập một ủy ban hòa giải ba thành viên: Đại diện Việt Minh: - Ông Hoàng Du Khương. Đại diện Thiên Chúa Giáo: - Linh mục Lê Bá Luật. Đại diện Phật Giáo Hòa Hảo: - Luật sư Mai Văn Dậu. Để giàn xếp các cuộc xung đột giữa Việt Minh với Hòa Hảo nếu có xảy ra. Những trích dẫn trên có ghi rõ sự kiện, thời gian và địa điểm bảo đảm tính khách quan hẳn hòi, căn cứ theo sử liệu gốc căn bản của nhiều tác giả vừa là nhân chứng được sưu khảo từ những tác phẩm có giá trị lịch sử. Cần giải thích thêm về các sự kiện quan trọng, nhằm đính chính sự sai lầm kiến thức hoặc những ý đồ xuyên tạc sai lệch lịch sử của NNN viết về “Tình hình chính trị Miền Nam” giai đoạn 1939 đến 1947 như sau: - Từ 1940 khi Nhật có mặt ở VN và Đông Dương, giữa Nhật và Pháp không có xung đột quân sự “tay đôi”, mà chỉ có hợp tác thống trị VN để cùng bốc lột vơ vét. Cho đến 09/03/1945 Nhật Đảo chánh Pháp cũng chỉ bằng giải pháp êm thấm. Việt Minh xuất hiện ở miền Nam chính thức sau sự kiện Nhật đảo chánh Pháp, chứ trước đó từ 1939 đến đầu năm 1945 chỉ có cơ sở lẻ tẻ không nhiều. Đức Huỳnh Giáo Chủ từ đầu 1940 cho đến sau cuộc đi Khuyến Nông chấm dứt mùa Hè tháng 7/1945, hơn 5 năm trời Ngài luôn bị lưu cư và quản thúc luân phiên giữa Pháp và Nhật không lúc nào được tự do như: Từ 1940 đến 10/1942 bị Pháp an trí nhiều nơi... Từ 1942 đến tháng 7/1945 bị Nhật kiềm chế về hành chánh, chỉ chấp nhận nới lỏng đôi chút về tôn giáo và khuyến nông. Suốt thời điểm trên PGHH không có tham gia quân sự và chính trị thì làm sao Nguyễn Ngọc Ngạn có lý do để viết rằng:“Dù muốn dù không PGHH cũng bị lôi cuốn vào vòng chính trị, cần tự trang bị võ khí, tổ chức quân đội để đối phó với tình thế” để cùng tham gia chém giết với Pháp Nhật và Việt Minh? Phật Giáo Hòa Hảo chính thức thành lập quân đội trong năm 1946, sau khi Pháp bắt đầu lần lượt tái chiếm Việt Nam lần thứ hai (23/9/1945), là một cơ hội hết sức ngắn ngủi nhỏ nhoi do tình thế trống trải, nhân lúc kết thúc thế chiến thứ hai. Pháp đang thất thế mới phục hồi, nên khi quay lại Việt Nam còn yếu ớt; Nhật đầu hàng Đồng minh nên không còn hiện diện ở VN; Việt Minh đang củng cố trong chiến khu để bảo toàn lực lượng. Tình thế này đòi hỏi PGHH phải có tối thiểu lực lượng quân sự và chính trị độc lập để tự bảo vệ đoàn thể mình, vừa đương đầu với Pháp vừa chờ cơ hội gia nhập với chính phủ Việt Minh. Đúng một tháng sau ngày thành lập đảng Dân Xã, đến 10/1946 là Đức Huỳnh Giáo Chủ tham chánh với Việt Minh, mà không giữ chức vụ quan trọng hay vai trò then chốt trong UBKCHCNB, tương đương như một ủy viên hòa giải, hay ủy viên cố vấn với danh hiệu Ủy Viên Đặc Biệt. Quân đội là thực lực bảo vệ đoàn thể hữu hiệu nhất lúc bấy giờ mà Ngài còn sẵn sàng sáp nhập vào chính qui quân của chính phủ Việt Minh, đảng Dân Xã là quan điểm lập trường tư tưởng về chủ trương đường lối kháng chiến và kiến thiết quốc gia mà Ngài vẫn đặt sau tình đoàn kết dân tộc để dồn sức mạnh cho đại cuộc đánh đuổi xâm lăng dành độc lập và thống nhất lãnh thổ, sẵn sàng tham chánh với Việt Minh không hề có sự biệt phân mảy may về chính kiến. Vì tinh thần cống hiến vô vị lợi cho non sông, Ngài đã chủ động tự nguyện biến mình thành người “trắng tay” cả quân sự lẫn chính trị lúc bấy giờ. Đấy là hành động phi thường chỉ bậc siêu nhân mới có được bản lĩnh đặc biệt này, một sự thể hiện hết sức thành thật đủ để chính phủ Việt Minh không còn lý do nghi ngại, mà yên tâm dồn sức cho đại cuộc đánh đuổi ngoại xâm. Nếu lúc ấy kẻ đương thời chưa kịp nhận ra, thì ít nhất đến giờ này sau 70 năm, công luận ngày nay cũng phải sáng mắt để tôn vinh tinh thần hào hiệp quảng đại của bậc Hiền triết chí nhân đầy lòng yêu nước như Đức Huỳnh Giáo Chủ. Có đâu lại còn cưu mang nhận thức cặn bã quá ư lạc hậu đến ngây ngô như nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, vô cớ xuyên tạc một cách phi lý. Dựa vào đâu ông Ngạn lại viết:“Hòa Hảo lúc đầu bị Pháp coi là nguy hiểm, về sau lại trở thành đối thủ của Việt Minh. Điều này chả có gì là lạ vì bất cứ tổ chức nào không nằm dưới sự chỉ đạo của Việt Minh thì đương nhiên thành kẻ thù của họ”. Pháp coi Phật Giáo Hòa Hảo là nguy hiểm thì rất đúng, vì tinh thần chống Pháp có chủ trương kiên quyết rõ ràng. Nhưng tại sao “lại trở thành đối thủ của Việt Minh” như ông Ngạn nhận định. Theo ông thì PGHH phải còn làm thêm gì nữa để khỏi trở thành đối thủ của Việt Minh? Từ tháng 10/1946 Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chấp nhận tham chánh và đem cả “Hai đứa con yêu tinh thần” của Ngài làm con tin gửi vào UBHCKCNB mà không bảo lưu thực quyền điều động độc lập tùy ý, thì còn sự tin cậy nào hơn? Quân sự và chính trị của PGHH đã hoàn toàn “nằm dưới sự chỉ đạo của Việt Minh” lúc bấy giờ rồi còn gì? mà ông Ngạn lại nhận xét “Việt Minh coi là đối thủ, là kẻ thù”? Nếu đúng như ông Ngạn nói thì phần lỗi thuộc về ai? Quá khứ đã sang trang rồi, hãy để lịch sử phán xét và nhân quả phân định! Tiếp theo ông Ngạn lại viết một đoạn sai lệch hết sức “tào lao” không xứng đáng là văn nhân chút nào. Ông nói “Tháng 10 năm 1945, Việt Minh đưa hai người cháu, con người em ruột Huỳnh Phú Sổ cùng hàng loạt tín đồ PGHH ra tòa án nhân dân tại sân tại sân vận động Cần Thơ rồi xử tử tại chỗ”. Nói cho ông biết, Lịch sử chính thống có ghi rõ 3 nhân vật “Thánh Tử” bị tòa án Cần Thơ xừ tử tại sân vận động gồm: 1.- Ngài Nguyễn Xuân Thiếp là đệ tử lớn được Đức Huỳnh Giáo Chủ ủy nhiệm đi hòa giải vụ bắt bớ người biểu tình ở Cần Thơ. 2.- Ngài Huỳnh Thạnh Mậu bào đệ của Đức Thầy là một trong các vị lãnh đạo tổ chức cuộc biểu tình ôn hòa được cho phép của UBND tỉnh Cần Thơ. 3.- Ngài Trần Ngọc Hoành con Ngài Trần Văn Soái cũng là cán bộ quan trọng trong đoàn biểu tình trên. Nay ông Ngạn lại hồ đồ bóp méo lịch sử là “Đưa hai người cháu , con người em ruột của Huỳnh Phú Sổ và hàng loạt tín đồ PGHH ra xử tử tại chỗ”, mà không viết rõ tên gì và nạn nhân tội danh gì. Có phải ông đã vu khống xuyên tạc? Hiện trường phiên tòa này có nhiều người chứng kiến, hiện nay một số vẫn còn sống khỏe mạnh, tuy đã già. Chị em ruột của Đức Huỳnh Giáo Chủ đâu có nhiều người mà khiến ông Ngạn nhầm lẫn tệ hại như vậy. 1.- Chị thứ hai là bà Huỳnh Thị Đê (Có 7 người con. Ông Bùi Văn Đương sinh năm 1946 là con áp út. Hiện là Phó BTS/PGHH/TƯ, lúc ấy mới 1 tuổi). 2.- Thứ ba là bà Huỳnh Thị Khỏi (Đã mất sớm) 3.- Thứ tư là Đức Huỳnh Giáo Chủ. 4.- Thứ năm là bà Huỳnh thị Kim Biên (Có chồng nhưng không có con). 5.- Thứ sáu là ngài Huỳnh Thạnh Mậu (chưa vợ) Năm tòa án Cần Thơ xử tử là năm 1945. Nếu tính thời điểm ấy thì Đức Thầy 25 tuổi . Cô Năm Biên 23 tuổi . Cậu Sáu Mậu 21 tuổi, nếu hai người em Đức Thầy nêu trên (Nếu đúng 18 tuổi lập gia đình) có được “hai người con” như ông Ngạn viết thì lớn nhất là 5 tuổi, nhỏ là 3 tuổi. Tin theo ông Ngạn viết, thì tòa án xử tử hai thiếu nhi mới có 5và 3 tuổi đầu, cùng với nhiểu tín đồ PGHH không có tội danh sao. Thử hỏi thế giới này có tòa án nào xử tử trẻ em kiểu “quái dị” đó không, xin ông Ngạn trả lời dùm? Sự vô lý tiếp theo ông Ngạn viết: “Lực lượng Hòa Hảo trả đũa lùng giết cán bộ Việt Minh”. Lúc đi biểu tình ôn hòa bị giải tán xảy ra nhiều thương vong chết chóc, khó đoán trước được tình thế bất ngờ, người tín đồ PGHH chỉ biết chạy chết còn không kịp có đâu đủ sức để “lùng giết cán bộ Việt Minh”. PHÂN TÍCH BÀI BÁO “ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG” (2) (Tiếp theo) Phần VIII Châu Lang Đoạn tiếp nữa ông Ngạn nhận định hết sức bệnh hoạn rằng:“Pháp sợ Hòa Hảo lớn mạnh, nên nhảy vào can thiệp, nghiêng về phía Việt Minh, làm Hòa Hảo càng thêm căm thù cả Việt Minh lẫn Pháp”. Ông Ngạn có thấy Pháp mất trí chưa mà thời điểm thập niên 40 lại sợ Hòa Hảo lớn mạnh hơn Việt Minh lớn mạnh? Việt Minh có chính phủ, có lực lượng quân sự chính qui, có hệ thống chính trị quốc tế hậu thuẫn. Trong khi đó PGHH không có gì ngoài tinh thần yêu nước, yêu đạo với số “tầm vông vạt nhọn phòng khi bức bách”…lại không có Đồng minh. Pháp nhảy vào can thiệp bằng hình thức gì để nghiêng về phía Việt Minh, phải chăng Pháp tiếp tay cho sau này Việt Minh lớn mạnh để sớm đủ sức chiến thắng vẻ vang trận Điện Biên Phủ bắt tướng Đờ Cát Tơ Ri và “Đuổi Pháp lội bộ về không” phải không? ông Ngạn càng viết càng sai khi cho rằng: “Năm sau nhờ vận động ngoại giao của tướng Nguyễn Bình. Việt Minh và Hòa Hảo ngưng chiến. Huỳnh Phú Sổ được mời tham gia ủy ban kháng chiến Nam Bộ” Năm sau tức năm 1946, Nguyễn Bình là tướng quân sự không có phụ trách vận động ngoại giao, lúc bấy giờ cũng không có mặt ở Nam Bộ. Nhân vật trực tiếp mời Đức Thầy tham chánh, chính là GS Phạm Thiều một cán bộ ngoại giao tên tuổi của Việt Minh. Vào đầu năm 1946 Phạm Thiều có tham gia Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp Việt Nam cùng với Đức Huỳnh Giáo Chủ với tư cách đại diện phòng chính trị khu 7. Nhờ sự quen biết này GS Phạm Thiều có làm 5 bài thơ tứ cú, chính thức mới Đức Thầy tham gia UBHCKCNB, chứ không phải tướng Nguyễn Bình. Dựa vào tài liệu ngụy tạo không rõ xuất xứ, ông Ngạn đã nhận định hoàn toàn sai lệch về “Biến cố” đêm 16/4/1947 tại chiến khu Đốc Vàng Hạ, Đồng Tháp Mười. Ông Ngạn viết: “Tháng 4 năm 1947, Huỳnh Phú Sổ đi dự hội nghị tại Long Xuyên , trở về thì dọc đường bị Việt Minh bắ . Bốn ngày sau, ông bị sát hại”. Xin hỏi ông Ngạn nguyên nhân nào một cán bộ Ủy Viên Đặc Biệt UBHCKCNB đi hội nghị về lại bị Việt Minh bắt không có lý do? Nếu ông không có chứng cứ cụ thể qua tài liệu đáng tin cậy thì đừng viết bừa . Lâu nay trước ông đã có không biết bao người đã từng nhận định sai về sự thật lịch sử hệ trọng này, và tất cả đều không đứng vững trước một chứng cứ khách quan đầy thuyết phục qua bức thư khẩn do Đức Huỳnh Giáo Chủ viết gởi về cho ông Trần Văn Soái và ông Nguyễn Giác Ngộ có ghi rõ thời gian 9 giờ 15 phút đêm 16/4/1947 có chữ ký của Đức Thầy. Bút tích lá thư này được BTS/TƯ/PGHH năm 1966, kết tập vào ấn bản Sấm Giảng Thi Văn Giáo lý toàn bộ, được phát hành khắp thế giới. Điều đặc biệt có tính cơ huyền vượt ngoài sự phán đoán của phàm nhân là: Đức Thầy viết thư này sau vụ “Bổng có sự sự biến cố tôi và ông Vinh suýt chết chưa rõ nguyên nhân còn điều tra…” (Trích trong bút tích thư Đức Thầy 16-4-47, 9 giờ 15 đêm) không biết bằng cách nào Ngài giao trực tiếp cho một tín đồ mang về bản doanh ông Trần Văn Soái ngay trong đêm xảy ra sự cố? Đó mới là hiện tượng nhiệm mầu của bậc siêu nhân. Nội dung, bút tích và chữ ký đã minh chứng rõ ràng Đức Huỳnh Giáo chủ thoát nạn và hoàn toàn chủ động truyền huấn lệnh “Cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu” gởi về nhằm ngăn chặn kịp thời cuộc xô xát nồi da. Tác dụng lớn lao của lá thư được nhận thấy như sau: 1.- Là Đức Thầy đã thoát nạn an toàn và dĩ nhiên còn sống. 2.- Nhờ lá thư mà tránh hẳn cuộc kéo quân tìm kiếm hoặc tiếp cứu của tín đồ. 3.- Bút tích Đức Thầy gởi lại là một bằng chứng lịch sử không thể tranh cải, đồng thời xác định lý do vắng mặt của Ngài là chính đáng, quang minh sau khi đã chân thành hợp tác với Việt Minh cho đến khi tham dự phiên họp cuối cùng. Có lẽ khi viết bài báo này mục đích luận đề chính của ông Ngạn muốn nhấn mạnh cho độc giả tin rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chết và sự nghiệp thiêng liêng của Ngài cũng chấm dứt, nên ông Ngạn thường nhắc đi nhắc lại các vụ bị bắt, bị sát hại, bị giết và nhất là đến đoạn kết ông Ngạn còn dựng ra “cái tang chung” như bao nhiêu nhân vật lịch sử khác đã vĩnh viễn ra đi trong sự nửa vời. Ông Ngạn mù mờ, giả vờ thương tiếc : “Cuộc đời ngắn ngủi của một Giáo chủ, vừa đánh Pháp vừa chống Cộng, kết thúc khi mới 25 tuổi, là một mất mát lớn không phải chỉ riêng đối với PGHH mà phải coi như cái tang chung cho cả dân tộc”. Những giọt nước mắt “cá sấu” của ông Ngạn rất khó thuyết phục độc giả, vì ai cũng biết ông không phải người có lòng ngưỡng mộ bậc siêu nhân, trái lại ông còn tỏ ra lộ liễu là kẻ báng bổ Tôn giáo bằng xảo thuật rất hạ đẳng, xuyên tạc bôi nhọ không từ thủ đoạn nào bất kể hậu quả, giá danh, thì giọng điệu thương tiếc của ông cũng chứa đầy ác ý vạy tà. Đối với bậc siêu nhân như Đức Huỳnh Giáo Chủ, việc xác định sống chết là không khó để phải tranh luận. Nếu hơn 2000 năm về trước Đức Chúa Giê Su đã từng chết đi sống lại và sau đó thăng thiên cả hồn lẫn xác về Trời là niềm tin tuyệt đối của hơn 500 triệu tín đồ Công giáo trên thế giới. Thì ngày nay khi đã có đủ chứng cứ Đức Thầy thoát nạn Đốc Vàng Hạ và đang qui ẩn, chưa tịch thì việc Đức Ngài trở về hoàn thành sứ mạng thiêng liêng còn đang dang dở là lẽ tất nhiên. Cần tranh luận cho ông Ngạn thấy được cái nhận thức sai lầm đáng thương hại của ông ở phần kết luận này giúp ông tỉnh ngộ. Tôi hoàn toàn phản đối đoạn văn: “Cuộc đời ngắn ngủi của một vị Giáo chủ vừa đánh Pháp vừa chống Cộng, kết thúc khi mới 25 tuổi”. Đức Huỳnh Giáo Chủ chưa tịch sau gọi là “ngắn ngủi” chỉ được viết đúng rằng: Sự mở Đạo cứu đời và hoạt động chống Pháp của Ngài thời gian có ngắn ngủi từ 1939 - 1947, vì cơ Trời phải tạm ngưng chứ chưa kết thúc. Ngài khẳng định: “Ta dừng tay chờ đợi lịnh Thiên Đức Ngọc Đế xử phân cho chúng.” Ngài có kiên quyết đánh Pháp, chứ không chống Cộng, mà chỉ “chống độc tài bất cứ hình thức nào”. Theo mỹ ý của Ngài, chế độ Cộng sản hoặc chế độ Tư bản, hay bất kỳ ý thức hệ nào đều có đúng có sai, có ưu có khuyết, và tổ chức nào cũng khó tránh có một số cá nhân chuyên quyền, độc đoán… Ngài chống cái hại và ủng hộ cái lợi ích chung, chứ không phân biệt “Bất cứ hình thức nào”. Đó là về nhận thức lý thuyết còn về thực tế lịch sử từ 1945-1947, lúc Ngài tham gia kháng chiến, cũng chưa lần nào Ngài trực tiếp hay chỉ đạo cho tín đồ tranh chấp chính trị hay đối đầu quân sự với chính phủ Việt Minh. Chỉ thấy Ngài nhường nhịn và hợp tác với chính phủViệt Minh trong kháng chiến chống Pháp, cho dù đôi khi Ngài có chịu khá nhiều thiệt thòi về bản thân, gia tộc và đoàn thể. Về chính trị, trong phần đối nội, ở mục 6 có ghi rõ: “Ủng hộ chính phủ Trung ương về mặt tranh thủ thống nhứt và độc lập”. Nếu giữa tín đồ của Ngài có xô xát cục bộ lẻ tẻ với Việt Minh, trong giai đoạn (từ tháng 8-45 đến 16-4-47 ) có thể là hành động tự vệ khi bức bách, hoặc ngộ nhận hay tự phát cá nhân. Chứ Đức Huỳnh Giáo Chủ không hề có chủ trương chia rẽ đồng bào chủng tộc. Lúc ĐứcThầy thoát nạn ở Đốc Vàng Hạ đêm 16/4/1947 là năm Ngài 27 tuổi chứ không phải 25 tuổi như ông Ngạn đã viết sai. Đồng ý rằng: Sự vắng mặt của Ngài là một mất mát lớn cho cả dân tộc. Nhưng không phải là “cái tang chung cho cả dân tộc” như ông Ngạn đã ngộ nhận đánh đồng với các nhân vật lịch sử phàm phu khác. Phàm phu thì có sanh tử đó là giới hạn kiếp phàm. Còn đối với Phật, Thánh sự “thọ mạng tùy ý” đã vượt ngoài sanh tử, chỉ tùy cơ theo bản nguyện, khi cần thì tùy duyên lâm phàm, hoặc gặp phải trường hợp “không thể” thì tạm thời qui ẩn, có lúc lại tái hồi theo sứ mạng cứu đời. Đấy là sự tự tại vô ngại của đấng Từ Bi. Người có tín ngưỡng chân chính đều luôn có chánh tín như thế. Ông Ngạn đừng hoài công xuyên tạc vô ích. Lẽ ra bài báo phỉ báng đến phần kết luận đã khoét sâu đến cái “tang chung” là chấm hết được rồi. Ông Ngạn còn cố lê cái đuôi “rùa già” lệch bệch trên bùn dơ để nhắc chi cái thời vận đen đủi lúc lênh đênh trên biển cả năm 1979 làm gì, cho tủi vong linh vợ con ông lúc bỏ mình lạnh lẽo trên chuyến hành trình tỵ nạn đầy bất trắc đau thương? Phải chăng ông mượn cái cớ vu vơ ấy làm lý do để mỉa mai bài thơ “Tình yêu” của Đức Huỳnh Giáo Chủ, vốn là tuyệt tác bất hủ trên văn đàn thi ca kim cổ khiến ai cũng ngưỡng mộ, đấy là chuyện rất đương nhiên. Nhưng ông Ngạn thì lại tỏ ra rất ngạc nhiên “giật mình vì nó hay cả ý lẫn lời” cái hốt hoảng đó của ông chỉ là “động tác giả”, không phải là sự thán phục mà có ẩn ý xem thường, ông nghĩ rằng Đức Thầy không thể có khả năng tuyệt vời đó chứ gì, đó là cách nghĩ rất phàm phu. Chứng minh sự nghịch ngộm ấy là việc ông giả vờ quên để sửa tan nát bài thơ mà ông đã “giật mình”. Còn nữa, Sấm Thi hoằng hóa phổ độ chúng sanh của đấng Từ Bi mà ông dùng từ “tuyên truyền giáo dục” theo kiểu chính trị trần gian. Kinh, Kệ, Sấm giảng ông không ngại gọi là “thơ Đức Thầy” còn nghi ngờ “không dám chắc là thơ của Đức Thầy”nữa. Vậy ông nghĩ còn thi nhân nào hay hơn nữa sao? Đối với phàm phu chúng ta thì bài thơ Tình Yêu là tuyệt tác. Nhưng đối với Đức Thầy dù viết cả cuốn Sấm Giảng cũng chỉ là việc đơn giản ít ỏi so với trí lượng bát nhã vốn sẵn của Đấng toàn giác toàn minh, ví như “Giọt nước sánh với đại dương” thế mà ông hết hồn nghĩ là “Đặc ân Trời cho”.Vậy là ông chưa có chút kiến thức tối thiểu gì về huyền năng diệu hữu của Phật tánh. Đoạn cuối cùng này mới lộ rõ tính khí cao ngạo đội lớp khiếm tốn giả vờ của ông, khi ông“giả đò” quên để cố tình sửa sai lệch nội dung bài thơ “Tình yêu” cho độc giả cười cợt. Ông đâu phải thần đồng “Lê Quí Đôn” mà chỉ nghe qua một lần bài thơ 12 câu, ông lại nhớ chừng được 8 câu cho đến 35 năm. Ông láo vừa thôi! Nếu ông thật tôn kính Đức Thầy, ông đâu viết phỉ báng hai bài báo tội lỗi này. Và nếu ông yêu bài Tình yêu, ông dư tìm bài này trên internet hoặc trong Sám Giảng để nhìn mà viết cho đúng như học sinh chép bài. Tôi thấy ông cũng khổ công sưu tầm tác phẩm này tác giả nọ tứ tung, biết rằng đa phần là để ngụy tạo thêm bớt . Tôi đoán chắc ông đã thuộc làu bài thơ này, và cũng không ngoại lệ để ông nghiền ngẫm mà tìm cách sửa cho hư hoại tứ thơ vần điệu của nó. Đức Thầy dạy: “ Ai làm phước in ra mà thí, Thì đặng nhiều hạnh phúc sau này”. Theo luật nhân quả, người in kinh bố thí kinh có nhiều phúc hạnh thì ngược lại người sửa kinh hoặc phỉ báng kinh cũng sẽ do đó mà bất hạnh khôn lường. Bài thơ “Tình Yêu”gồm 3 khổ mỗi khổ 4 câu, ông cố ý bỏ khổ thơ thứ 3 cho thiếu bố cục và sửa lời cho sai nội dung, mất luôn cả đại ý.Thử chép lại bài thơ chính văn của Đức Thầy, so với cách ông Ngạn chép sai, chúng ta không sao khỏi phẫn nộ ! Tình yêu (viết đúng chính văn) Ta có tình yêu rất đượm nồng, Yêu đời yêu lẫn cả non sông. Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ, Không thể yêu riêng khách má hồng. Nếu khách má hồng muốn được yêu, Thì trong tâm chí hãy xoay chiều. Hướng về phụng sự cho nhơn loại, Sẽ gặp tình ta trong khối yêu. Ta đã đa mang một khối tình, Dường như thệ hải với sơn minh. Tình yêu mà chẳng riêng ai cả, Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh. (Đức Huỳnh Giáo Chủ) *** Tình yêu (bị NNN sửa lại) Ta có tình yêu rất mặn nồng, Ấy tình yêu đối với núi sông. Tình yêu man mác trong hoàn vũ, Không chỉ yêu riêng khách má hồng. Nếu khách má hồng muốn được yêu, Thì trong tâm trí phải xoay chiều . Hướng về phục vụ cho dân tộc, Sẽ gặp tình ta trong khối yêu. (Những chữ in đậm nghiêng trong bài thơ trên là do NNN đã sửa). Tổng luận và yêu cầu: Sau khi đã phân tích cặn kẽ về nguyên nhân, mục đích và chứng minh bằng các dữ liệu lịch sử chính thống có liên quan nội dung hai bài báo Bửu Sơn Kỳ Hương (1, 2) của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đăng trên hai Tạp chí Culture và Vietlife bằng song ngữ Việt Anh, như đã trình bày trong loạt bài phản biện vừa qua, đã đủ yếu tố kết luận nội dung hai bài báo của NNN hoàn toàn sai trái, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự thiêng liêng của hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông Ngạn đã lợi dụng đề tài “Khám phá Văn hóa” để phỉ báng tôn giáo vô căn cứ, ngụy tạo sử liệu, hư cấu sự kiện, chỉnh sử đạo văn, mượn tên tuổi và tác phẩm của nhiều học giả, sử gia… nhằm che chắn cho hành vi bất chánh của mình, gây ảnh hưởng xấu trong công luận và chia rẽ cộng đồng người Việt hải ngoại. Xét về luật pháp thì nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo theo quy định của luật pháp Việt Nam cũng như luật pháp Quốc tế. Đủ yếu tố truy cứu tội danh. Thực tế này buộc NNN phải chịu trách nhiệm về sự hiện hữu tác hại của hai bài báo. Yêu cầu ông Ngạn cần tự giác thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả, nhẹ nhất là viết thư xin lỗi tự nhận sai trái về mình một cách chân thành, không đổ trút cho bất kỳ kẻ khác (như thư đính chánh trước) và sớm đăng trên hai tạp chí bằng song ngữ Việt Anh. Đối với Ban Điều Hành hai tạp chí Vietlife và Culture cũng cần thể hiện trách nhiệm liên đới bằng hình thức lên tiếng đính chánh, hầu bảo toàn uy tín bổn báo của Quí vị. Nếu được vậy, về phía chúng tôi hoàn toàn chấm dứt mọi khiếu nại. Ngược lại mọi thứ không thuận lợi thì chúng tôi vì bảo vệ danh dự thiêng liêng sẽ tiếp tục viết đơn thư khiếu nại và vận động pháp luật nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng trong và ngoài nước bằng mọi cơ hội hợp pháp có thể. Rất mong Ban Điều Hành Culture và Vietlife hạ cố suy gẫm trên tinh thần hợp tác. Xin trân trọng. (Trân trọng nhờ Quí đồng đạo và Quí độc giả góp ý chỉnh sửa những nội dung sai lịch sử hoặc có tính nhạy cảm, để bài viết được tốt hơn. Xin chân thành cảm tạ). Châu Lang TP Sa Đéc, ngày 30.06.2015 Chaulangnguyen.chau@gmal.com