Phước huệ đồng tu

Thảo luận trong 'Pháp-Luận' bắt đầu bởi Buile, 25/11/15.

  1. Buile

    Buile Member


    PHƯỚC HUỆ ĐỒNG TU

    Phan Thanh Nhàn

    Kinh sách có câu: "Phước Huệ lưỡng toàn phương tác Phật", nghĩa là muốn làm Phật phải tu phước và huệ đều đặng như nhau. Cũng như con chim đủ hai cánh mới có thể bay được và Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên: "Muốn về cõi Phật, lập thân cõi trần" (Thu Đã Cuối).
    Người Cư sĩ tại gia ngoài trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình và xã hội còn có nhiệm vụ hộ trì Tam Bảọ. Muốn làm được điều nầy, đòi hỏi người tu hành tại gia phải có tâm Bồ Đề kiên cố, có nhận thức sáng suốt, hiểu rõ nguyên nhân cuả quả phước, nghiệp báo mới có thể làm được, "Chữ bồ đề như cội bá tòng. Rán dưỡng nuôi chữ đó trong lòng, Thì là được định chừng diệu quả" (Giác Mê Tâm Kệ).
    Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hoà Hảo khuyên bảo chúng ta "Ta chẳng nên lười biếng, phải cần kiệm sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất ..." (Lời Khuyên Bổn Đạo), cũng như "Ta là cư sĩ canh điền, Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành. Xa nơi tranh đấu lợi danh, Giữ lòng thanh tịnh tánh lành trau tria. Gắng công trì niệm sớm khuya, Thân tuy trần tục tâm lìa cõi mê" (Khuyến Thiện).
    Tu phước là gieo nhiều hạt giống phước đức giúp người và làm điều lành để được hưởng hạnh phúc sau nầy "Người lương thiện hưởng muôn điều hạnh phú " (Không Buồn Ngủ).
    Có tu phước thì mới có khả năng cứu người và biết cách cứu người mà không gây tổn thương cho mình và cho người. Chúng ta tu phước là hướng về tu đạo giải thoát. Tu phước là vun bồi cái phước cho phát sanh. Việc ác chưa sanh thì không để phát sanh. Việc ác đã sanh thì làm cho tiêu diệt. Việc thiện chưa sanh thì làm cho sanh. Việc thiện đã sanh thì tưới tẩm làm cho tăng trưởng.
    Phước từ đâu mà có? Người tu hành thường nói đi làm phước thì có phước, nhưng động cơ chúng ta đi làm phước là gì? Là lòng từ bi. Người có tâm từ bi thấy ai khổ thì giúp đỡ nên có phước. Trên bước đường tu, ban đầu chúng ta phải khởi tâm từ bi. Từ là ban vui, Bi là cứu khổ. Đem niềm vui cứu khổ cho người và vật gọi là tâm từ bi "Tâm từ bi sánh thể ngọc ngà, Trong các báu khó bì tánh Thiện" (Giác Mê Tâm Kệ).
    Trong chúng sanh mỗi người đều có tánh giác, đều có khả năng giác ngộ, chỉ vì tam độc tham, sân, si lôi kéo mà cứ mãi lanh quanh trong vòng luân hồi. Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo muốn cho chúng sanh đều được giải thoát, nên chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát "Tham, sân, si chớ để trong lòng, Phải giữ lòng cho được sạch trong. Mới thoát khỏi trong vòng bịnh khổ" (Kệ Dân). Và bố thí là một trong những bước chủ yếu để giúp chúng sanh tập hạnh xả bỏ, bớt đắm nhiễm vào của cải, bớt tham chấp tiền tài. Ngài dạy:
    Thà nghèo thanh hơn giàu mà trược,
    Lo vun bồi cội phước về sau.

    Muốn trừ tham phải liệu cách nào,
    Phải bố thí diệt lòng ích kỷ.

    (Khuyến Thiện)
    Lòng tham phải được điều phục bằng hạnh bố thí. Bố thí là san sẻ vật chất, hiểu biết, tình cảm, giáo lý..., tất cả những gì mình có mà người khác không có . Một nụ cười với người đang sợ hãi hay lời an uỉ với người đang đau khổ cũng là một sự bố thí.
    Trong việc hành pháp bố thí có người nói rằng vì điều kiện sinh hoạt làm ăn khó khăn hay vì hoàn cảnh gia đình không có dư tiền để thực hiện hạnh bố thí. Thật ra chúng ta không phải đợi có tiền nhiều mới đi bố thí , mới làm phước . Chỉ có tấm lòng biết thương người, nghĩ đến người, tùy theo khả năng phương tiện sẵn có của mình mà giúp đỡ người, giúp bất kỳ ai, sinh vật nào cần giúp. Nhường chỗ cho người gìa yếu, tàn tật khi thiếu chỗ ngồi, phụ giúp xách đồ cho người gìa cả băng qua đường... là chúng ta đang chuyển hóa tâm nhỏ hẹp thành tâm bố thí lợi tha.
    Chớ quan niệm chờ cho có nhiều tiền rồi mới thực hành bố thí thì suốt kiếp ta không giúp được gì cho ai. Vã lại nó sẽ làm lép đi hạt giống từ bi trong ta. Nếu không có tiền của, thấy người khác bố thí, ta sanh tâm hoan hỷ vui theo thì ta và người bố thí đều có phước ngang nhau.
    Xưa kia, có một vị Tỳ kheo nghe nói như vậy, lòng thắc mắc mới hỏi Đức Phật: Người bố thí, cúng dường có phước là lẽ đương nhiên, còn người tùy hỷ vui theo, tại sao có phước ngang bằng? Đức Phật đưa ví dụ: Có người đem đốt một ngọn đèn, rồi hàng trăm người đem đèn đến mồi. Ta thấy ngọn đèn kia vẫn sáng không mất và hàng trăm ngọn đèn kia cháy lên tỏa sáng khắp nơi.
    Còn người tùy hỷ thấy người khác thực hành bố thí, không sanh tâm tật đố, ganh ghét, nên người ấy sống được an lành, hạnh phúc. Vì thế Đức Phật nói hai người phước báu bằng nhau.
    Chúng ta hãy hành động bố thí với tấm lòng trong sạch: vì thương người mà cho, vì bổn phận mà cho, vì hy sinh mà cho, vì giác ngộ mà cho. Tất cả việc bố thí nầy là vì lợi ích cho người không phân biệt thân sơ, không có tâm mong cầu đền ơn đáp nghĩa, không tính toán lợi hại thì có nhiều phước báu.
    Địa Tạng Kinh ghi: "Về sự so sánh công đức bố thí, Đức Phật có phán với ngài Địa Tạng rằng: Như có hạng vua, quan, Sát đế ly, Bà la môn, trưởng gỉa đối với người hèn hạ, ốm yếu, tàn tật, câm, ngọng, điếc, ngây, đui, mà muốn bố thí; nếu có lòng đại từ bi, đoái xuống mĩm cười, tự mình bố thí hoặc sai người bố thí, dùng lời dịu ngọt mà an uỉ, khuyến dụ, thì phần phước rất lớn, chẳng khác nào bố thí cho chư Phật đông bằng cát sông Hằng".
    Theo Phật giáo, bố thí được chia làm ba loại: Tài thí, Pháp thí và Vô uý thí.

    1- TÀI THÍ: là bố thí bằng của cải tài vật. Trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Giáo Chủ hằng kêu gọi tín đồ cũng như vạn dân bá tánh xả thân bố thí để tạo công bồi đức là kim chỉ nam đưa đến Đạo quả chóng viên thành. Muốn tạo phước nhân, hãy trợ giúp cho kẻ nghèo đói thoát qua tai ách, lại còn được phước nhiều hơn người sắm chuông đúc tượng:
    Khùng cả tiếng kêu dân ơi hỡi,
    Hãy giúp cho kẻ đói mới nhằm.
    Đến loạn ly khổ hạnh khỏi lâm,
    Còn hơn đúc chuông đồng Phật bự.

    (Kệ Dân)
    Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo cũng hằng khuyên người giàu sang, có của dư ăn, dư để, hãy mở rộng lòng nhơn, giúp cho kẻ bần cùng bịnh tật "Nếu đã xả thân tầm đạo đức, Mở lòng bố thí ngộ thần ca" (Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện).
    Ngài khuyên:
    Khuyên những kẻ giàu sang có của,
    Hãy mở lòng thương xót kẻ nghèo.

    (Kệ Dân)
    Hay:
    Khá thương những kẻ bần cùng,
    Tâm lành dư của hãy dùng vào đây.

    (Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện)
    Hoặc:
    Hãy thương xót những người tàn tật,
    Thấy nghèo hèn chớ khá khinh cười.

    (Kệ Dân)
    Hay:
    Kẻ nghèo khó hụt tiền thiếu gạo,
    Mở lòng nhơn tiếp ruuớc mới là.

    (Kệ Dân)
    Hoặc:
    Ngày nay tốt phước giàu sang,
    Xin thương kẻ khó giúp hào một khi.

    (Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiên)
    Hay:
    Những người có của tiền dư,
    Hãy mau bố thí dành tư làm gì.

    (Sám Giảng Q3)
    Những người giàu có Ngài dạy nên mở lòng bố thí, giúp đỡ hạng bần cùng để gây quả phúc về sau. Đừng để "Giữ bo đến lúc phong ba, Gặp cơn bát loạn khó mà yên thân". Bởi sau nầy có việc biến chuyển lạ lùng, bao nhiêu tiền cuả dành dụm từ trước phải bị tiêu sạch "Giàu sang như nước trên nguồn, Gặp cơn mưa lớn nó tuông một giờ": Khuyên người hữu phước giàu sang, Mau mau làm phước làm doan cho rồi. Để sau khó đứng khôn ngồi, Thương nhà tiếc cuả biết hồi nào nguôi. (Sám Giảng Q3)
    Tâm lý hầu như những người giàu có ,họ không muốn gần guỉ người nghèo. Nếu không thể tránh được, buộc phải tiếp xúc với kẻ nghèo, họ luôn tỏ vẻ khi dể, né mình, bịt mũi vì cho là hôi hám khó chịu. Đức Giáo Chủ nhìn thấy nhân loại trong cõi khổ nầy mà bắt hỡi ôi! Ngài rất buồn và thương hại cho những kẻ quá kiêu căng hống hách. Cũng có người không hề đoái tưởng đến kẻ tàn tật cùng khổ mà chỉ lo bưng bợ, yêu chuộng hạng cao sang quyền thế, rồi đam mê xa hoa phung phí theo nền văn minh vật chất. Có bao người bền gan chặt dạ ăn ở theo nếp gia phong của Tổ Tiên ngày trước:
    Kẻ đói khó người sang hay lánh, Bước lại gần chê lũ tanh hôi. Cõi ta bà Ta thấy hỡi ôi! Sầu bá tánh quá nên kiêu cách. Ít có ai để mắt nhìn vào, Chuộng những người dù võng sắc màu. Cậu với mợ, ông thầy, cô bác, Thị kẻ khó như rơm như rác. Ta quá rầu đài các văn minh, Mấy ai mà giữ dạ sắt đinh. Theo Tông Tổ của mình thuở trước, (Giác Mê Tâm Kệ)
    Trên đời nầy cũng không ít người ỷ mình giàu có, tiêu xài không tiếc của, nên Đức Giáo Chủ mới giác tỉnh họ, hãy tiết kiệm số tiền ấy mà trợ giúp cho kẻ nghèo khó để xây hạnh phúc sau nầy. Nếu ai mãi lo ăn xài xa xí thì một ngày kia cảnh khổ đưa đến, dầu có than thân trách phận cũng không sau tránh khỏi: Nhà giàu có xài không sợ tốn, Phải để dành cho kẻ nghèo nàn. Lo ăn xài trà rượu xình xoàng, Chừng khổ não phàn nàng căn số. (Giác Mê Tâm Kệ)
    Trong "Lời Khuyên Bổn Đạo", Đức Giáo Chủ khuyên: "Ta không nên đốt giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vì cõi Diêm Vương không bao giờ ăn hối lộ của ta , mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng phí ấy mà trợ cứu cho những người lỡ đường đói rách, tàn tật" .

    2- PHÁP THÍ: là bố thí bằng pháp, thuyết pháp cho người ta nghe hay truyền Chánh pháp trợ duyên cho việc chuyển bánh xe Chánh pháp, làm cho Phật pháp càng ngày càng lan rộng. Dầu xuất gia hay tại gia, ai khéo tu áp dụng pháp đều có thể bố thí pháp được. Muốn làm công việc pháp thí trước hết chúng ta cố gắng học hỏi để thông hiểu những điều căn bản cuả Phật pháp. Khi hiểu Phật pháp rồi, chúng ta có thể đem những lời dạy quý báu của Đức Phật, Đức Thầy ra khuyên bảo cho người khác để họ làm lành, lánh dữ, sống đời có đạọ hạnh. Đây chính là chúng ta đã pháp thí cho họ rồi. Pháp thí có giá trị về phương diện tinh thần, không riêng gì cho người nghèo khổ mà cả giới giàu sang quyền thế . Bởi vì chúng ta đã mang ảnh hưởng tốt đẹp cho họ, gieo nhân lành cho họ nhiều đời nhiều kiếp về sau. Cho nên chúng ta đừng bao giờ bỏ mất bất cứ cơ hội nào để làm pháp thí. Lại nữa gieo nhân duyên cho người đọc và người nghe pháp là công đức cao nhất trong hàng bố thí như ấn tống kinh sách, phát hành băng dĩa nói pháp. Đức Tôn Sư Huỳnh Giáo Chủ khuyên chư thiện tín muốn tạo nên nhân từ thiện hãy truyền bá trong quảng đại quần chúng công tác pháp thí thì sau nầy được hưởng nhiều phúc hạnh sáng mầu: Ai lòng nhơn hoặc chép hay in, Mà truyền bá đặng nhiều phước đức. (Kệ Dân) Hay: Ai làm phước in ra mà thí, Thì được nhiều hạnh phúc sau nầỵ (Giác Mê Tâm Kệ)
    Nhờ nhân duyên pháp thí, hành gỉa được quả báu mang lại cho đời sau gặp những bậc thiện tri thức dẫn dắt trên con đường tìm cầu học đạo. Chúng ta giúp được một người có thiện duyên nghe pháp là giúp cho họ có cơ hội đến với Tam Bảo, xa dần nghiệp chướng, hầu thoát khỏi vòng luân hồi . Điều nầy được Đức Huỳnh Giáo Chủ xác định : Duyên lành rõ được Khùng Điên, Chẳng qua kiếp trước thiện duyên hữu phần. (Viếng Làng Mỹ Hội Đông)
    Người nào muốn cho sự tu hành được kết quả như ý thì khi xem kinh kệ phải tự sửa trị các điều sái quấy của thân, khẩu, ý. Được như vậy mới mong chư Phật tiếp độ; bằng ngược lại khó mong có sự gia hộ cuả tha lực. Con thuyền Bát Nhã cuả Đức Hùnh Giáo Chủ lúc nào cũng sẵn rước chúng sanh sang bờ giác. Vậy ai là người có duyên lành và thông hiểu Đạo Pháp, hãy sớm hành y theo lời chỉ giáo cuả Ngài. Người đó đã được đứng trên thuyền Từ Bi, nhứt định sớm muộn gì cũng được đến bờ bên kia tức là bờ giác ngạn: Coi rồi phải thân mình tự trị, Chẳng độ xong Phật khó dắt dìụ Thả thuyền Từ bến Giác nâng niu, Kẻ hiểu Đạo mau mau bước xuống. (Giác Mê Tâm Kệ)

    3- VÔ UÝ THÍ: vô uý là không sơ. Vô uý thí là giúp cho người khác không sợ. Cuộc đời của chúng ta có quá nhiều cái sợ. Khi còn nhỏ thì sợ viển vông như sợ rắn rít, sợ ma ..., lớn lên sợ thiếu ăn, thiếu mặc, sợ thi rớt, sợ không có việc làm, sợ thiếu công danh sự nghiệp, sợ thua kém bạn bè..., đến khi về gìa sợ đau, sợ bệnh, sau cùng là sợ chết.
    "Ta bà khổ, Ta bà lắm khổ", hằng ngày đã khổ lại khổ thêm vì sợ. Với hạnh vô úy thí chúng ta làm cho họ bớt sợ. Muốn giúp người, trước hết chúng ta phải luyện cho mình đức tính đừng sợ. Làm sao đạt được điều nầỵ Nhờ Phật pháp chúng ta hiểu lý Vô thường của nhà Phật, nên chúng ta không sợ gì cả.Chúng ta không tham tiền tài thì chúng ta đâu có lo sợ mất mát "Sợ gian phi trộm cướp rình mò, Sợ kẻ khó thiếu tiền không trả", không màn danh lợi thì không sợ thất vọng "Lo tước quyền cho được thơm tho", cái thân con người nầy là do tứ đại (đất, nước, gío, lửa) hiệp thành, có bền chắc chi đâu có ngày cũng tan rã nên không sợ chết.
    Người tu hành theo hạnh vô úy thí, có thể sẵn sàng để nhảy xuống sông cứu người chết đuối, hoặc xông vào đám cướp cứu người lương thiện, hay xông ra chiến trường chống lại kẻ thù xâm lăng bảo vệ non sông và dân tộc.
    Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo là tấm gương sáng chói cho hạnh vô úy thí của vị Bồ Tát quyết cứu độ chúng sanh. Ngài đã xông pha vào cuộc đời gío bụi, hy sinh đấu tranh cho nền độc lập tự do:
    Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau! Quyết rứt cà sa khóat chiến bào . Đuổi bọn xâm lăng gìn đất nước , Ngọn cờ độc lập phất phơ cao. (Quyết Rứt Cà Sa) Cũng như: Tăng Sĩ quyết chùa am bế cửa, Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha. Đền xong nợ nước thù nhà, Thiền môn trở gót Phật Đà nam mô. (Tặng Thi Sĩ Việt Châu)
    Phước đức giúp chúng ta đẩy lùi những nghiệp xấu của nhiều kiếp trổ ra và có công năng giúp chúng ta sáng suốt, thấy rõ những việc sai trái trên đường đời, hoặc giúp chúng ta thoát khỏi những hoàn cảnh nguy hiểm đến tánh mạng. Kinh Kim Cang dạy: "Trí tuệ cứu cánh có được thành tựu chỉ do trải qua quá trình thành tựu bố thí", điều nầy minh chứng cho trí tuệ bừng sáng trong Lục Độ mà Bố thí là hạnh đầu tiên trong sáu hạnh của Bồ tát. Chúng ta bắt buộc phải trải qua tiến trình nầy, nhân phước (Bố thí) dọn đường cho huệ thành tựu, phước như là điều kiện cho trí huệ khởi sinh. Điều đó cho chúng ta thấy nhân phước là quan trọng dường nào.
    Nhận thức được điều nầy, chúng ta không còn chạy từ pháp môn nầy đến pháp môn khác. Nghiệp lực đã khiến chúng ta có mặt trên cõi đời nầỵ Muốn thoát ra khỏi vòng cương toả cuả nghiệp thì cố gắng gieo trồng nhân phước ngay trong đời nầy. Không ai có thể gia hộ cho chúng ta nếu chúng ta không bắt đầu vun trồng phước nghiệp hầu làm vơi đi nghiệp tội. Chúng ta phải tự làm công việc nầy và phải trải qua vô lượng kiếp với sự huân tu thuần thành mới chặt đứt dòng nghiệp lực chằng chịt nầy. Mỗi người chúng ta phải tự thắp đuốc lên mà đi. Đức Phật, Đức Thầy cũng không độ được cho chúng ta nếu chúng ta không chịu tu . Các Ngài là người đứng ngoài cổ vũ cho chúng ta thêm sức, chỉ cho chúng ta đi đúng đường. Có tiến được hay không cũng tuỳ nơi chúng ta.
    Người ta thường nói "đi buôn cần vốn, đi tu cần Phước", cho nên việc gieo trồng nhân phước là quan trọng. Mỗi khi chúng ta đem tiền của hay trí tuệ ra bố thí, thì chúng ta đã chiến thắng lòng tham, bỏn xẻn, ích kỷ của chúng ta. Cũng từ đó lòng từ bi của chúng ta phát triển tốt đẹp. Chúng ta dám hy sinh tánh mạng ra cứu người là chúng ta có dịp thử thách "lòng tham sống sợ chết", cũng là trau dồi đức tính lợi tha. Nếu chúng ta dựa vào lý Nhơn quả, thì mỗi khi chúng ta đem tài vật ra bố thí là chúng ta tạo cho mình một cái nhân tốt mà nhà Phật gọi là Phước đức. Chính cái phước đức nầy sẽ mang lại sự hưng thịnh cho chúng ta kiếp tới. Nếu chúng ta thấy một người nào đó mà giàu sang , là tại vì kiếp trước họ đã gieo nhiều phước đức, cho nên cái quả nở ra trong kiếp nầy, phù hợp vói câu "có đức mặc sức mà ăn".
    Đối với những người đem Phật pháp giúp đỡ người khác là họ đã gieo cho mình nhiều công đức. Công đức nầy sẽ giúp cho họ trí tuệ trong sáng ở kiếp sau. Nếu chưa thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử thì kiếp tới họ là những người thông minh đạt nhiều thành quả cao quý.
    Còn những người tu theo hạnh vô uý thí thì kiếp sau mang lại cho họ một cuộc sống khỏe mạnh và trường thọ.
    Tiến trình học Phật, tu Phật, bước đầu là phải gieo trồng nhân phước qua hạnh bố thí. Đây là nền tảng cho việc xây dựng tòa nhà trí huệ. Chúng ta phải trôi lăn trong vòng luân hồi vì không bắt đầu bằng chỗ bắt đầu. Chúng ta muốn thành đạt ngay tòa nhà trí huệ mà quên đi chuyện phải dựng nền móng trước khi xây nhà.
    Con đường tu tập cuả người tu hành theo đạo Phật không phải chỉ giới hạn vào việc tu phước, vào việc làm lành lánh dữ để kiếp tới khá hơn. Như vậy vẫn còn trôi lăn trong vòng luân hồi sanh tử của thế giới tương đối, chưa phải là mục đích chính của đạo Phật. Đạo Phật là đạo Giác ngộ, vì có sự giác ngộ cuả Đức Phật Thích Ca là vị "Chánh Đẳng Chánh Giác", là người đã giác ngộ hoàn toàn. Từ sự giác ngộ nầy Đức Phật chỉ đường cho chúng sanh tu để giác ngộ như Ngài, tự giải thoát khỏi vòng luân hồi. Con đường tu giải thoát nầy phải thực hiện bằng Trí huệ (Trong đạo Phật Trí huệ còn được gọi là Trí tuệ).
    Tâm cuả mỗi người khác nhau, tùy căn cơ thích hợp áp dụng pháp môn nào để tu. Thông thường chúng ta thấy có Trì chú là chú tâm tụng niệm những câu chú gồm những chữ bí ẩn; Niệm Phật là chú tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà; Tham Thiền là chú tâm tham một công án hoặc một thoại đầu.
    Dù pháp môn nào chăng nữa thì việc thực hành cũng theo trình tự từ trạng thái nhiều vọng tưởng về trạng thái ít vọng tưởng rồi đến nhất tâm, ngưng dứt dòng suy nghĩ miên man cuả ý thức để Chân Tâm hay Trí Huệ Bát nhã hiển lộ.
    Trí Huệ đóng vai trò quan trọng đưa con người ra khỏi hệ lụy khổ đau. Đức Phật đã chế ra nhiều pháp tu mà trong đó Tam huệ học Văn-Tư-Tu và Tam vô lậu học Giới-Định-Huệ là những phương pháp thường nhắc đến để thực hành nhiều nhất.
    Trong Tam huệ học, Trí Huệ phát sinh như thế nào?

    1- VĂN HUỆ: do tai nghe âm thanh, mắt thấy văn tự, kinh điển của Phật để nhận hiểu mà phát sinh trí huệ. Nghe người khác nói chuyện hoặc tự mình làm công việc gì, chúng ta phải có thói quen suy nghĩ chín chắn rồi mới thực hành. Nghe mà không chú tâm, chẳng dụng tâm suy nghĩ thì công việc làm khó đạt được kết quả hoàn mãn. Do vậy, Đức Phật từ bi khuyên nhắc: Trong sinh hoạt thường nhựt, đối mặt với sự tình gì chúng ta cũng đều cần nên vận dụng Văn-Tư-Tu mới có thể tiến nhập giải quyết sự tình thông suốt tốt đẹp và trải qua Văn-Tư-Tu mới có thể đạt được mục tiêu chính xác, vì Văn là từ chỗ nghe, chỗ thấy mà sanh trưởng trí huệ; Tư là từ chỗ tư duy, khảo nghiệm mà sanh trưởng trí huệ; Tu là từ chỗ dụng công tu tập thực hành những điều nghe thấy, thông qua tư duy khảo nghiệm, quán sát mà thành tựu trí huệ.
    Nghe là một nghệ thuật linh hoạt không thể thiếu được trong cuộc sống và đòi hỏi chúng ta không ngừng trau giồi học tập kỹ năng thiện xảo "lắng nghe" chơn thực, chính xác thì cái nghe nầy gọi là Văn sở thành huệ (nghe sanh trưởng trí huệ). Có rất nhiều người ở vào thời kỳ Đức Phật còn sinh tiền đắc quả Thánh hay ngộ được chơn lý khi nghe Ngài thuyết pháp.
    Cũng có người cho rằng nếu nghe nhiều mà không suy luận để phân biệt chơn, hư và không thực hành theo chơn lý thì trí huệ không bao giờ phát sinh. Đó là trường hợp của tôn giả A Nan. Ngài A Nan đã làm thị giả cho Đức Phật rất nhiều năm và nhờ nhân duyên nầy mà Ngài là người nghe nhiều, học rộng nhất trong số các đại đệ tử cuả Đức Phật. Thế mà tại sao Ngài không đắc đạo trong lúc Đức Phật còn trụ thế. Sở dĩ tôn giả A Nan không đắc đạo quả trong lúc Đức Phật còn tại thế vì chưa thực hành đúng theo những gì mà A Nan đã học hỏi được. Chính là phải quay về với nội tâm cuả mình để thấy được tánh giác thanh tịnh đã bị vọng trần và vô minh che lấp. Tuy nhiên nhờ kiến thức uyên bác đó đã giúp Ngài chứng ngộ con đường giải thoát và hầu hết các Kinh Tạng mà chúng ta có được đều do chính tôn giả tụng thuật lại. Ngài đã đem đa văn cuả mình đóng góp vào việc duy trì và phát huy nền văn học Phật giáo từ mấy ngàn năm nay và còn mãi mãi cho hậu thế nữa.

    2- TƯ HUỆ: là huệ do trí suy nghĩ, tìm tòi hay quán sát về những điều đã được thu thập bằng văn huệ. Những gì chúng ta nghe, thấy, học hỏi được chỉ là kiến thức vai mượn. Muốn chuyển hoá chúng thành kiến thức cuả mình thì phải suy nghĩ tường tận qua nhiều giai đoạn suy tư như phán đoán, phân tích, tổng hợp để tìm ra chân tướng cuả chúng. Đức Phật dạy rằng: "Chớ vội tin vì nghe truyền thuyết. Chớ vội tin vì nghe truyền thống. Chớ vội tin vì nghe người ta đồn. Chớ vội tin vì được Kinh Tạng truyền tụng.Chớ vội tin vì có sự lý luận siêu hình. Chớ vội tin vì đúng theo một lập trường. Chớ vội tin vì đánh gía hời hợt một dữ kiện. Chớ vội tin vì phù hợp với định kiến của mình. Chớ vội tin nơi xuất phát có uy quyền. Chớ vội tin vì bậc Sa môn là đạo sư cuả mình.v.v...
    Nhưng nầy người Kalama! Khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp nầy là bất thiện. Các pháp nầy là có tội lỗi. Các pháp nầy bị người có trí chỉ trích. Các pháp nầy nếu thực hiện và chấp nhận sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau. Như vậy, người Kalama, hãy từ bỏ chúng không nên tin theo.
    Đức Phật khuyên cũng không nên tán thán, đả kích, chấp thuận hay từ bỏ ngay, mà phải đối chiếu với Kinh và so sánh với Luật có phù hợp mới được chấp nhận,không phù hợp thì phải bỏ. Hành giả tu theo đạo Phật, đòi hỏi có sự nhận xét, suy tư, tự mình quán sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân, mới có thể tự mình hiểu và thấy được Chơn lý.
    Trong việc tu thân xử kỷ, Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo khuyên: "Người có tâm nếu không tập suy gẫm cho mở trí thì hay dễ bị lường gạt”.
    Người có trí mà vô tâm thì hay xảo trá. Nên trí và tâm người học Đạo cần tìm cách làm cho nó được phát triển cả hai để lấy tâm làm chủ trì mọi việc, lấy trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho tâm chủ trì. Được như thế chắc chắn ta học Đạo mau thành công đắc quả.
    Đừng thấy ai theo mối Đạo nào đông đảo rồi ta cũng vội vàng theo Đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo lý ấy như thế nào (Trích) "Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ" .
    Nhưng không phải mọi thứ tư duy đều đem lại trí huệ cho con người. Vì thế Đức Phật dạy: "Có hai loại tư duy: Chánh tư duy giúp tâm thanh tịnh, sáng suốt; ngược lại Tà tư duy làm cho tâm ô nhiễm và lu mờ".
    Vậy muốn phát triển trí huệ, trước hết chúng ta phải tránh những tà tư duy như suy nghĩ về dục lạc, suy nghĩ về ân oán,suy nghĩ về lợi mình hại người. Chúng ta thường nên suy nghĩ quán chiếu ý nghĩa sâu xa về vô thường, khổ não và bất tịnh cuả các pháp hữu vi.

    3- TU HUỆ: là hành trì theo giáo pháp cuả Đức Phật dạỵ Tham thiền là một phương pháp rèn luyện trí huệ được Đức Phật khích lệ hàng đệ tử ứng dụng để thấu triệt chơn lý, chứng ngộ Niết bàn.
    Pháp tu thiền định giúp con người dập tắt vô minh. Vì thế còn được gọi Định năng sinh huệ. Ví như ly nước đục để yên, bao nhiêu cặn bã lắng xuống thì nước trở nên trong suốt. Con người cũng hế, nếu chúng ta giữ được an trú trong thiền định thì tâm trở nên thanh tịnh, sáng suốt và từ đó trí huệ phát sinh. Tu hành sẽ thành tựu được nhân phẩm và phong cách trang nghiêm. Chỉ cần chúng ta kiên tâm quyết chí thực hành, tức nhiên sẽ có ngày chứng quả. Đó là thành tựu diệu quả cuảTu sở thành huệ.
    Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: "Dầu thông suốt kinh luật mà không hành trì cũng như kẻ mục đồng đếm bò cho kẻ khác. Người đó không nếm được hương vị giải thoát. Trái laị dù thuộc ít kinh luật nhưng cố gắng hành trì, từ bỏ Tham, Sân, Si, hiểu biết chơn chánh, tâm tự tại. Người ấy ắt được hưởng hương vị giải thoát".
    Văn – Tư - Tu có liên quan mật thiết với nhau. Bộ ba nầy không thể thiếu một mà thành tựu được, nên Đức Phật dạy rằng: "Văn huệ, Tư huệ, Tu huệ, ba môn khuyết một không được. Nếu nghe mà không suy nghĩ thì như làm ruộng mà không gieo mạ. Nếu suy nghĩ mà không tu thì như làm ruộng mà không tát nước, làm cỏ thì không có luá. Ba huệ đầy đủ thì chứng quả Tam thừa".
    Diệu dụng thực tiển cuả Văn-Tư-Tu đối với cuộc sống con người, Phật giáo khuyến khích chúng ta không thể thiếu và không thể xem nhẹ hành trì Văn, Tư, Tu; bởi vì có Văn, Tư,Tu mới đưa con người giải thoát ra khỏi vòng luân hồi, thể nhập Chơn lý.
    Còn trí huệ phát sinh như thế nào trong Tam vô lậu học?
    Trí huệ vô lậu còn gọi Trí huệ xuất thế gian, là trí huệ thanh tịnh có khả năng đoạn trừ phiền não không bị nhiễm ô hữu lậu, tức là Trí huệ bát nhã đã được chứng ngộ giải thoát Niết bàn.
    Muốn có trí huệ xuất thế gian tức trí huệ vô lậu phải có việc tu chứng, tự ngộ bằng cách nghiêm trì giới luật (Giới), công phu thiền định (Định),và quán chiếu tuệ giác (Huệ) mới thành công được. Đó là quá trình thực hành Giới- Định-Huệ cuả Tam vô lậu học.

    1- GIỚI: không phải là những điều răn mà một vị giáo chủ đặt ra để buộc tín đồ tuân phục mình. Giới trong đạo Phật có nghĩa dẹp bỏ những thói quen bất thiện đã tập nhiễm từ lâu và ngăn ngừa các điều ác có thể gây ra về sau. Giới làm phát triển những điều lành sẵn có và cố gắng tạo thêm điều lành nào chưa làm. Giới là điều kiện tiên quyết giữ tâm không vọng động. Giới là những nguyên tắc sống cho an lạc. Có sống theo các nghuyên tắc nầy chúng ta mới thực hiện được định. Cho nên có câu "Giới năng sinh Định".
    Người tu hành có giữ gìn giới cấm, thân tâm mới được an định trong sạch "Gìn giới cấm sữa tâm ô tạp" (Giác Mê Tâm Kệ). Cũng như "Gìn giới luật nghe Kinh trọng Phật" (Khuyến Thiện). Tâm có định thì trí huệ mới phát khai, chứng thành đạo quả.
    Kinh Phật thường phán dạy: "Giới là kho diệu pháp, là của xuất thế. Giới là tàu bè lớn đưa người qua biển sanh tử. Giới là pháp vô uý phá tan tà kiến độc hại. Giới là tướng dõng mãnh dẹp hết ma quân. Giới là hào thành ngăn che được giặc phiền não. Giới là đất bằng để kiến tạo lầu đài Định, Huệ".
    Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo hằng dạy tín đồ: "...cần nhứt ở chỗ giữ giới luật hằng ngày ..." (Lời Khuyên Bổn Đạo). Và phải "...tôn trọng giới luật cuả Đạo, rán sửa mình cho trong sạch để gây quả phúc tốt cho linh hồn và xác thịt" (Lời Tâm Quyết).

    2- ĐỊNH: Là nếp sống có tỉnh thức, có chú tâm. Thực hành giới thì tâm bớt dao động, thêm nữa nếu dùng thiền định thì tâm sẽ được an tịnh và thoát khỏi dục vọng để trở nên trong sáng. Với mục Chánh định giúp hành giả được giải thoát rốt ráo, miễn sao đối với vạn cảnh, vạn pháp, tâm mình vẫn như như bất động, chẳng hề khởi lòng phân biệt, câu chấp. Bây giờ tâm thần được an định mà trở về với chơn như thật tướng cuả mình, ấy gọi là chứng đắc Niết bàn tịch tĩnh, vì "Niết bàn tịch tĩnh là đường vô sanh" (Bài Nguyện Trước Bàn Thờ Cửu Huyền Thất Tổ). Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy:
    Giữ tấm lòng bất động như như,
    Cho hồn linh yên lặng an cự.
    Thì mới được huờn nguyên phản bổn,

    (Giác Mê Tâm Kệ)
    Vậy "Ai muốn tầm Đạo cả cao sâu" (Kệ Dân), hãy sớm thức tỉnh tu hành và biết rõ phương cách cũng chẳng khó lắm. Hể giữ lòng mình được thanh tịnh, trừ hết phiền não, ngã chấp, tức nhiên được tỏ ngộ, Đức Giáo Chủ dạy:
    Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
    Nếu lặng tâm tỏ ngộ Đạo mầu.

    (Giác Mê Tâm Kệ)
    Còn "Nếu như ai cố chí làm lành, Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật Quốc. "và" Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành, Được cứu cánh về nơi an dưỡng" (Khuyến Thiện) là người biết lo tu hành, kiên trì, tinh tấn theo các pháp diệt trừ vô minh, phiền não để lòng mình được bình tịnh như niệm Lục Tự Di Đà "Niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp" (Ô. Phan Châu Bá hỏi, Đức Thầy đáp lại), hay "Diệt Lục Căn đừng nhiễm Lục Trần" (Giác Mê Tâm Kệ), tức nhiên cõi lòng thanh tịnh và trí huệ phát khai, Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên:
    Nếu ai mà biết chữ tu trì,
    Tâm bình tịnh được thì phát huệ.

    (Giác Mê Tâm Kệ)
    Một khi tâm được an tịnh "Định tâm thần như mặt nước hồ" (Giác Mê Tâm Kệ) thì trí huệ phát sinh, vì vậy Kinh Phật dạy "Định năng sinh Huệ".

    3- HUỆ: nhờ thiền định tâm được an tịnh, sáng suốt, rồi trí huệ phát sinh; nhờ đó chúng ta có thể nhận ra được thực tướng của vạn hữu. Huệ hay Tuệ là sự hiểu biết, là kết quả cuả minh tâm, kiến tánh. Một khi đã có hiểu biết ta có thể thương yêu và tha thứ. Cho nên con đường giải thoát chân thật là con đường thực hiện sự hiểu biết. Hiểu biết là Trí huệ, là Bát nhã.
    Kinh Phật nói rất nhiều, nhưng chỉ có ba phần căn bản là Giới-Định-Huệ còn gọi là Tam giải thoát môn hay Đạo đức xuất thế gian. Vậy muốn Phật pháp trường tồn hưng thịnh, muốn giải thoát sanh tử thì phải thực hành Giới- Định-Huệ. Đó là hướng đi căn bản và đích thực trong giáo lý Phật Đà mà chư Phật ba đời và chư vị Tổ Sư cũng đều hành trì chứng đắc. Đức Phật huấn thị: "Nầy các Tỳ kheo, khi nào Như Lai diệt độ, hãy lấy giới luật làm thầy, không nên tu ngoài Giới-Định-Huệ". Với nguyên tắc Tam vô lậu học Giới-Định-Huệ, miễn có giữ Giới thì có Định. Có Định thì có Huệ. Có Huệ thì giới thể càng vững vàng. Giới thể càng vững thì định lực càng lớn. Định lực càng lớn thì tuệ giác càng sâu.
    Từ bi (tu Phước) và Trí huệ (tu Huệ) là gốc cuả sự tu hành,gắn liền và đi đôi với nhau. Nhờ suối từ bi nên cây trí huệ trổ hoa. Vậy người tu hành chân chính trước cần phải giác ngộ, sau mới công phu đủ điều kiện để đưa mình và người ra khỏi khổ đau. Như vậy trong đạo Phật, Từ bi và Trí huệ bổ túc cho nhau, nương vào nhau mà hiện hữu giống như đôi cánh cuả một con chim.

    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
    Nam Mô A Di Đà Phật.

    Phan Thanh Nhàn
    Ngày 22 tháng 10 năm 2015
     
    Sửa lần cuối: 25/11/15

Chia sẻ trang này