Tìm hiểu về nghi thức thờ phượng tại các ngôi chùa phật giáo hòa hảo

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi TrangBaMuoi, 17/4/13.

  1. TrangBaMuoi

    TrangBaMuoi New Member


    TÌM HIỂU VỀ NGHI THỨC THỜ PHƯỢNG

    TẠI CÁC NGÔI CHÙA CỦA PGHH.

    --o0o--

    Nhiều người trong tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) cũng như người ngoài tôn giáo PGHH thường hay cho rằng Đức Thầy không cho cất chùa, và đạo PGHH là không có chùa. Lý do là dựa vào một số câu giảng trong Sấm Giảng Thi Văn giáo lý của Đức Thầy như :
    “Muốn cho dân hiểu Đạo mầu
    Chớ không có muốn chùa lầu cho cao”

    (Q.1)

    “Đúc Phật lớn chùa cao bối rối
    Mà làm cho Phật giáo suy đồi”

    (Q. 2)

    “Qua sông nhờ được cầu Lam
    Tu hành nào đợi chùa am làm gì

    (Q. 3)

    “Bị tăng chúng quá ham chùa ngói
    Nên tởi khuyên khắp chốn cùng làng
    Phật nào ham tượng cốt phết vàng
    Mà tăng tạo hao tiền bá tánh”
    (Q. 4)

    “Thần cũng chẳng say mê chùa tháp
    Chẳng tham tiền, tham vật, món chi chi”

    (Bài Ông Táo)
    Thật ra, các câu giảng trên tùy theo “ngữ cảnh” mà có một “ngữ nghĩa” nhất định, đôi khi chúng ta không thể xác định được rồi cứ theo ý riêng của mình mà phán đoán và đưa ra một quyết định độc lập, điều này chúng ta nên thực sự cẩn thận. Vả lại, nội dung mấy câu giảng ở góc độ nào đó mang tính thời sự và nhạy cảm nên cứ để cho mọi người tự hiểu mà khỏi phải giải thích. Có điều chúng ta cũng “không nên khẳng định rằng Đức Thầy không cho cất chùa và PGHH là không có chùa”.
    Với một thực tế không ai chối cải là ở Việt Nam hiện nay PGHH đang có sở hữu hợp pháp một số chùa (khoảng trên dưới 50 ngôi) số chùa của PGHH chưa được nhà nước hợp thức hóa để PGHH chủ quyền số lượng cũng tương đương.

    Trong các ngôi chùa được cho là của PGHH (kể cả chùa được nhà nước công nhận và chưa công nhận) trong đó có chùa do các sư trụ trì trao tặng, chùa của tộc họ do trước kia ông cha đứng ra tạo lập để làm phương tiện tu hành riêng cho tộc họ gia đình, về sau con cháu hoặc vì tôn trọng PGHH hoặc vì trở thành tín đồ PGHH nên trao quyền lại cho PGHH sở hữu và thờ tự. Ngoài ra còn có một số ngôi chùa do tự tay người tín đồ PGHH xây dựng nằm đáp ứng cho mọi sinh hoạt đạo sự của giáo hội và nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ ở địa phương, các ngôi chùa này hầu hết là được xây dựng vào cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước (Thế Kỷ 20).
    Những ngôi chùa được hiến tặng, nghi thức thờ phượng theo “nhà thiền” đều có tượng cốt tương tợ như các chùa của Phật giáo hiện nay. Các ngôi chùa do tín đồ PGHH xây cất nghi thức thờ phượng lại cũng không thống nhất, mặc dầu không có tượng cốt, song cũng chỉ có vài ngôi chùa thờ đúng theo nghi thức PGHH còn phần nhiều là thờ phượng không giống nghi thức của PGHH.
    Thí dụ: Có chùa thì nơi Chánh điện thờ Ngôi Tam Bảo ngay chính giữa theo kiểu hình bán nguyệt, nhưng xây từ dưới lên trên tới 9 bậc, mỗi bậc cao và rộng khoảng 40cm, bậc cao nhất thì tôn trí khuôn Trần Dà (không có chổ để lư hương và bông nước) bậc thấp nhất thì để Lư Hương còn Bông và Nước thì để vào bậc thứ hai, thứ ba v.v.. Xem ra không giống ngôi Tam Bảo (một ngôi thờ) của PGHH. Bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ thì thờ một bên, hoặc thờ phía sau Ngôi Tam Bảo không đúng với vị trí theo cách thờ phượng của PGHH.
    Có chùa thì xây cất rất nguy nga tráng lệ Chánh Điện thì xây hình vuông cao 3 bậc, bậc trên thì tôn trí Trần Dà bậc thấp nhất thì để Lư Hương, ngôi Cửu Huyền Thất Tổ thờ phía sau ngôi Tam Bảo. Cách bố trí thờ phượng của một ngôi chùa PGHH như thế quả thật cũng không giống với cách thờ phượng của Phật giáo Hòa Hảo.
    Bởi lẽ hễ một ngôi thờ (ở đây nói ngôi Tam Bảo) thì Khuôn Trần, Lư Hương, Bông Nước các món cúng phải ở một mặt bằng ngang nhau thì mới ra một ngôi thờ hay một Bàn thờ (Bàn thờ Phật). Chứ như trang trí kiểu đó thì chẳng biết chổ nào là Bàn thờ Phật? ở chổ tấm Trần, chổ Nước, Bông hay ở chổ Lư Hương?
    Cũng có một số chùa Ngôi Tam Bảo không phải thiết kế nhiều bâc, trang nghiêm, song Ngôi Cửu Huyền vẫn thờ ở phía sau. Một ngôi chùa có thể có nhiều hạng mục công trình, nhưng Chánh Điện là chủ yếu, là trái tim của ngôi chùa đó. Giá trị của ngôi Chánh Điện không phải ở chổ hình thức nguy nga, mà ở chổ thờ phượng có đúng với nghi thức của tôn giáo hay không mà thôi.

    Nói chung, tất cả chùa do tín đồ PGHH xây cất, ngoài vài ngôi chùa thờ phượng đúng theo nghi thức được chỉ dạy trong Tôn Chỉ Hành Đạo của Đức Thầy, phần còn lại thì tương tợ như nhau: Nơi Chánh Điện Ngôi Tam Bảo phía trước, Ngôi Cửu Huyền ở phía sau, hoặc ở một bên (hoặc ở nhà Hậu Tổ).
    Giải thích về sự việc này khi có đồng đạo đề nghị nghi thức thờ phượng tại chùa PGHH cũng nên theo cách thờ phượng tại nhà của người tín đồ PGHH. Những người có trách nhiệm chẳng biết có tìm hiểu nghiên cứu gì chưa mà nói nghe có vẻ khẳng định :
    – Chùa khác ở nhà khác, đâu thể thờ phượng ở chùa lại giống ở nhà được, vả lại chùa nào người ta cũng thờ Cửu Huyền Thất Tổ ở phía sau, có ai thờ Cửu Huyền ở trước Chánh Điện đâu, mình cũng phải bắt chước người ta chớ.
    Nói như thế nghe cũng hay hay. Ở chùa khác ở nhà khác? nhưng quy cách thờ phượng ở nhà thì đã có rõ ràng rồi, còn nghi thức ở chùa khác! thử hỏi cái quy cách thờ ở chùa khác đó là khác ra làm sao? ai đặt ra nghi thức đó? (nên nhớ là ở đây chỉ nói trong phạm vi của PGHH).
    Còn như nói “Chùa nào người ta cũng thờ Cửu Huyền Thất Tổ ở phía sau, mình phải bắt chước sao?” Bắt chước là một đức tánh tốt, nhưng mà cái bắt chước đó phải hợp lý, phải đúng nghĩa mới được. Còn như đụng đâu bắt chước đó thì thà rằng không bắt chước còn hơn. Thử hỏi, chùa thì đã có cả ngàn năm nay rồi, cách thờ phượng trong chùa thì xưa nay đều tương tợ như thế, có đều là chùa nào cũng vậy nơi Chánh Điện thì thờ tượng (cốt) Phật (một hoặc nhiều Phật là tùy ở mỗi chùa) Chánh Điện còn gọi là Đại Hùng Bửu Điện tức là ngôi Tam Bảo (tất nhiên là không có chùa nào thờ Cửu Huyền Thất Tổ cả).

    Đến năm Kỷ Mão (1939) Đức Huỳnh Giáo Chủ ra đời khai sáng nền Đạo Phật giáo Hòa Hảo, Ngài dạy tín đồ thờ phượng và lễ bái. Nghi thức thờ phượng thì có ba ngôi, ở trong nhà hai ngôi là ngôi thờ Cửu Huyền Thất Tổ (Bàn thờ Ông bà) và ngôi Tam Bảo (Bàn thờ Phật) còn trước sân nhà là ngôi Thông Thiên. Từ đó danh từ Cửu Huyền Thất Tổ được truyền tụng, và cách thờ Cửu Huyền Thất Tổ được phổ thông, chẳng những tín đồ PGHH thờ Cửu Huyền Thất Tổ mà người không phải PGHH cũng thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Đến đổi những cơ sở làm tranh thờ để bán thì mấy chữ lớn làm biểu tượng để thờ trước đây như là Phước, Phước Lộc, Phước Thọ, Phước Lộc Thọ v.v.. thì nay đổi lại, thay vào đó là chữ Cửu Huyền Thất Tổ biểu tượng thờ ông bà, đặc biệt còn cho rằng Cửu Huyền Thất Tổ là ông bà chung. Điều này rất đúng và rất phù hợp.

    Đến một thời điểm nào đó danh từ Cửu Huyền Thất Tổ đã thực sự trở thành quen thuộc phổ thông, các nhà chùa cảm thấy rằng trong chùa cũng cần phải thờ Cửu Huyền Thất Tổ (vì là ông bà chung) xét ra rất phải, lại còn đáp ứng nguyện vọng của phật tử gần xa. Thế là bắt đầu có một số chùa lập thêm ngôi thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Vấn đề còn lại là đặt ngôi thờ Cửu Huyền Thất Tổ ở chổ nào cho phù hợp? tất nhiên là phải thờ ở phía sau Chánh Điện hoặc nhà Hậu Tổ, bởi ở trước không có chổ thờ, và thờ Cửu Huyền Thất Tổ cũng không phải là chủ trương của các chùa trong Phật giáo. Thế là trong Phật giáo có một số chùa (chứ không phải tất cả) có thờ ngôi Cửu Huyền Thất Tổ.
    Bấy giờ PGHH có nhu cầu và có điều kiện cất chùa để phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho đồng đạo thì chúng ta lại bắt chước các chùa có thờ Cửu Huyền Thất Tổ như đã nói trên áp dụng cho nghi thức thờ Cửu Huyền Thất Tổ tại các ngôi chùa của PGHH. Rồi cứ bình an vô sự mà cho rằng “người ta thờ làm sao thì mình thờ làm vậy”.

    Trở lại vấn đê là Đức Thầy không có chủ trương hạng xuất gia nên không có chủ trương cất chùa do đó Đức Thầy cũng không có đưa ra nghi thức thờ phượng ở các ngôi chùa. Song như đã nói ở trên, vì nhu cầu phục vụ cho sinh hoạt của giáo hội, phục vụ tín ngưỡng cho tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo đã nhận từ sự trao tặng các ngôi chùa tộc họ gia đình, hoăc xây cất thêm một số chùa mới. Các chùa được trao tặng thì khỏi phải nói vì nghi thức thờ phượng đã có sẳn. Chỉ riêng nói các ngôi chùa cất mới do tín đồ PGHH đứng ra xây cất thì nghi thức thờ phượng phải đúng theo nghi thức của PGHH.

    Như vậy, tại các ngôi chùa của PGHH phải thờ phượng như thế nào mới đúng với nghi thức của PGHH ?
    Vấn đề là rất đơn giản, nếu ở tại nhà của tín đồ PGHH thờ phượng thế nào thì tại ngôi chùa của PGHH phải thờ phượng như thế đó, có gì mà phải nghi ngờ, lúng túng. Suy cho cùng mà nói, nếu y cứ theo lời Đức Thầy dạy lấy nghi thức thờ phượng tại nhà của tín đồ PGHH đem áp dụng thờ phượng tại chùa PGHH chẳng phải tốt hơn là bắt chước kiểu này kiểu nọ chế biến lung tung không căn cứ, căn bản đó sao? Cứ theo nghi thức ở nhà của tín đồ PGHH mà thờ cho các chùa của PGHH ai bắt bẻ, phản đối? Trái lại cứ theo ý riêng, hoặc bắt chước nơi này nơi nọ lung tung, thì lấy gì làm căn bản, làm cơ sở? ai chịu trách nhiệm về việc này?. Cuối cùng thì con cháu của tín đồ PGHH ở sau này lãnh lấy hậu quả.
    Nên nhớ một điều quyết định rằng : hễ là PGHH thì bất kỳ ở đâu, nơi nào, bất cứ là nhà hay chùa, am cốc, hội quán, đọc giảng đường, nơi làm việc v.v.. đều phải thờ phượng thống nhất theo nghi thức của PGHH được ghi trong Tôn Chỉ Hành Đạo, chứ không được phép chế biến hay bắt chước cách thờ phượng của ai được cả.
    Cũng cần phải nhấn mạnh lại rằng Đạo PGHH của chúng ta, về nghi thức thờ phượng đã có mô hình rồi, đã có quy cách rồi, thì tại sao không làm theo? (Xin Quý vị lý giải giùm điều này).
    Ví như Bài “Cách Cầu nguyện cho người chết” chúng ta cầu nguyện tại đám tang, rồi cũng bài đó đem cầu nguyện cho đám “làm tuần” cho “đám giổ” để cầu nguyện cầu siêu cho người chết, chớ có phải bắt chước ai, kiếm bài nào để cầu siêu đâu? Có ai nói rằng bài này chỉ cầu nguyện tại “đám tang” thôi, chứ không được cầu nguyện tại “đám làm tuần” bao giờ?
    (Thậm chí còn đem áp dụng “cầu an” cho người bệnh hoặc người bị tai nạn, mà chỉ cần điều chỉnh một vài chữ cho phù hợp là được).
    Thì cớ sao Nghi thức thờ phượng tại nhà của tín đồ PGHH, lại không được phép áp dụng tại các ngôi chùa của PGHH?

    Thế gian người ta thường nói: “Nhìn ăn mặc biết tư cách” kể cũng phần nào có lý, nếu như ở một hộ gia đình nào đó mà trong nhà thờ tại giữa nhà phía dưới bàn thờ Ông Bà (Cửu Huyền Thất Tổ), phía trên thờ Bàn Phât (Tam Bảo) ngoài sân nhà có Bàn Thông Thiên thì người ta sẽ nhận ra đây là nhà của một tín đồ PGHH, mặc dầu nhà đó cất với bất cứ kiểu dáng, hình thức nào?. Nếu là một ngôi chùa PGHH đúng nghĩa thì người ta sẽ căn cứ vào nghi thức thờ phượng tại nơi Chánh Điện của ngôi chùa coi có đúng với nghi thức thờ phượng của PGHH hay không? Chứ như trên nóc chùa gắn 4 chữ PGHH, hay trên danh nghĩa, pháp lý là chùa PGHH, song đó cũng chỉ la “danh nghĩa” hay “pháp lý” mà thôi, chứ về nội dung thì các điều kiện trên chưa đủ chứng minh là một ngôi chùa của PGHH thực sự.
    Nghi thức thờ phượng tại các chùa của PGHH nêu trên, đang là một bức xúc của những nhân sĩ, trí thức trong tín đồ PGHH, tuy nhiên từ trước đến nay cũng ít người nói đến (hầu hết là không dám nói đến), hoặc có nói đến nhưng không biết vì sao tiếng nói của những người này không có hiệu lực?!

    Vấn đề thiển nghĩ là không phải đơn giản như chúng ta nhìn thấy hiện nay, là “ôi, thế nào cũng được mà!” đâu có lẽ chúng ta vô trách nhiệm đến thế?. Tôi dám chắc chắn rằng nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều đời sau, từ chổ “biến tướng” trong nghi thức hiện nay, nó sẽ đủ sức làm cho “sai lệch hoàn toàn” ở một thời gian sau. Bởi vì từng bước phát triển của vật chất người ta sẽ nghiêng mạnh về hình thức, miển làm sao cho nguy nga, tráng lệ quên phắt cả nội dung, quên luôn cả “tôn chỉ” giáo điều quên rằng mình có bổn phận phải làm đúng để vạch đường cho thế hệ PGHH trẻ ở mai sau.

    Có lẽ đến lúc Ban Trị sự Trung ương của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phải vào cuộc, vào cuộc một cách quyết liệt để “giữ gìn sự trong sáng vốn có của nền Đạo” Đây là một việc làm cần thiết, một đạo sự trong 4 đạo sự lớn mà BTS.TƯ đã đề ra. Bởi vì hiện nay tiếng nói của BTS.TƯ là có giá trị về Pháp lý cũng như về Chân lý ở mức độ cao nhất, nếu Trung ương Giáo hội đứng ra can thiệp, chỉ đạo về việc này thì mới mong chấn chỉnh được sự “biến tướng” hiện nay và “sai lệch hoàn toàn” ở mai sau. Mong rằng BTS.TƯ là cơ quan hành chính cao nhất trong hệ thống Giáo hội của PGHH, là những người có trách nhiệm cao nhất trong việc bảo vệ nền Đạo giữ gìn sự trong sáng của Đạo, hãy vì tiền đồ của Đạo pháp, vì bảo vệ “tôn chỉ giáo lý“ của PGHH mà thực hiện vai trò và bổn phận của mình cách tốt nhất và sáng suốt nhất.

    Nếu không kịp thời ngăn chận, chấn chỉnh thì sắp tới đây những ngôi chùa còn lại của PGHH được nhà nước công nhận, hợp thức hóa cho phép xây dựng, sửa chửa, cất mới lại thì cũng chẳng có dường nào khác, cứ lẫn quẩn dặm chân theo “đường xưa lối cũ” mà đi mãi.
    Còn một vấn đề suýt nữa đã quên đặt ra, đó là khi chúng ta đã nhận chân được chân lý, hiểu biết thế nào là nghi thức thờ phượng của PGHH rồi thì sẳn sàng làm theo, mạnh dạn làm theo hễ có xây dựng một ngôi chùa nào của PGHH thì bất cứ ở đâu cũng phải y cứ theo cách thờ phượng của Đức Thầy mà thực hiện. Các chùa trước đây hoặc hiện nay do chính tín đồ PGHH xây cất và đã thờ phượng sai lệch với tôn chỉ của Đức Thầy thì phải mạnh dạn sửa lại cho đúng, không được phép để y theo sự biến tướng ấy mãi.

    Với vài dòng bộc bạch kể trên là tâm huyết của tác giả, của người tín đồ PGHH tuy ở hải ngoại nhưng luôn theo dõi tình hình Đạo đức ở nước nhà, mong rằng đồng đạo chúng ta khi xem qua, nếu thấy rằng chưa hài lòng thì xin hãy bình tâm suy nghĩ lại. Xét coi cách thờ phượng trong các chùa của PGHH mà tác giả cho là “biến tướng” đó xuất phát từ đâu? có dựa vào quy cách nào của PGHH? có đúng theo lời dạy của Đức Thầy không? Và dựa vào đâu mà cho rằng như thế là đúng? Đồng đạo cứ tìm mọi cách mà bênh vực, biện hộ cho mình đi. Và cuối cùng thì đồng đạo hãy đem so sánh coi cách thờ phượng “không ai chỉ” này, thực sự có bằng với cách thờ phượng “do Đức Thầy chỉ dạy” không? Nếu tin Đức Thầy là Phật, mà còn nghi ngờ lời dạy của Thầy không dám làm theo thì có lẽ đây là một căn bệnh “bất trị”.
    Là tín đồ PGHH thì khi làm bất cứ đạo sự gì trong phạm vi PGHH cách tốt nhất, bảo đảm nhất là phải làm theo Giáo lý của PGHH, đặc biệt là vấn đề “nghi thức” thì phải hoàn toàn căn cứ vào “Tôn Chỉ Hành Đạo” của Đức Thầy thì mới mong tránh khỏi sự lệch lạc sai chạy.

    “Giảng kinh đọc tụng chiều mai
    Làm theo lời chỉ ngày rày gặp Ta”

    Và :
    Quy y thì khá làm y

    Nam mô Thường Hành Y Bồ Tát
    Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát
    Nam mô A Di Đà Phật


    sĩ Sào Việt
    Tín đồ PGHH. (Hải ngoại)




     

Chia sẻ trang này