TẠI SAO NGUYỄN HUY DIỄM TRỞ LẠI? DƯƠNG THỊ DIỆU ÁI. Tuyên bố từ chức ngay ngày 9 tháng 10 ngăm 2013 của Nguyễn Huy Diễm như là một cú sốc lớn cho cả cộng đồng PGHH. Liền theo đó các tổ chức hợp pháp trong hệ thống của Ban Trị Sự Trung Ương PGHH An Hòa Tự liên tục gởi các văn bản có ấn dấu và chữ ký hẳn hoi để thông báo từ chức theo, và không quên đưa ra nhiều yêu sách, đại để như TƯ phải giải quyết vấn đề phỉ báng PGHH của Thích Thiện Huệ đến nơi, đến chốn, TƯ phải kiểm điểm hoặc cho thôi việc một số chức việc không có tư cách đạo đức trong đó có ông Bùi Văn Đương (Văn thư phản đối của BĐD Tỉnh Bến Tre)…Trước tình thế như vậy, ông Nguyễn Huy Diễm phải động viên các đơn vị này không nên gom việc từ chức của ông với các yêu cầu bức xúc của địa phương làm một gây khó khăn cho tổ chức TƯ. Hành động tích cực trong việc từ chức của ông Diễm, là từ chối tiếp khách và đóng cửa nhà ở Hòa Hảo lên Sài Gòn ẩn tích. Trong thời gian đó, có nhiều cơ quan, Đoàn thể Mặt Trận, Tôn Giáo, Đảng Ủy cấp Huyện rồi cấp Tỉnh tiếp xúc nhưng ông Diễm vẫn tiếp tục kiên trì từ chức. Lý do ông Diễm phải kiên trì từ chức không chỉ đơn thuần do vụ việc Thích Thiện Huệ như trong một bài viết trước đây “TẠI SAO NGUYỄN HUY DIỄM TỪ CHỨC” của Phó Thường Dân, mà đó chỉ là một giọt nước làm tràn ly đầy mà thôi! Có người nói rằng ông Diễm, sau khi quyết định từ chức đã từng tâm sự với một người bạn thân thiết là : “ Sau gần 15 năm có mặt trong hàng ngủ Lãnh đạo PGHH, cứ ngở là sẽ cùng những người đồng liêu góp sức phát dương quang đại nền Giáo pháp của Đức Thầy, nhưng cho đến hôm nay không có một chương trình Đạo sự nào mà không bị các ông đồng liêu ấy, nếu không bàn ra thì cũng cố tình ngăn cản, nên thôi thì…” Mãi đến ngày 17 tháng chạp năm Quí Tỵ, trong một phiên họp có mặt cơ quan phụ trách Tôn giáo TƯ, ông Nguyễn Thanh Xuân Phó Ban Tôn giáo Chính phủ yêu cầu ông Diễm hiện diện. Ngay trong phiên họp ấy, những yêu cầu bức thiết nhất của ông Diễm đã được chính ông Nguyễn Thanh Xuân tháo gở rào cản : * Một là chính phủ chấp thuận cho PGHH mở trường Trung cấp Phật học PGHH. * Hai là chính phủ chấp thuận cho các Ban Trị Sự địa phương được phép xây cất Trụ sở . * Ba là trong nhiệm kỳ 2014 – 2019 Hiến chương PGHH sẽ được tu chính theo hướng mở rộng. * Bốn là vấn đề Thích Thiện Huệ sẽ được giải quyết đứt điểm, Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Tp HCM là phía có lỗi cần phải xin lỗi cộng đồng PGHH. Sau khi đưa ra 4 hướng giải quyết trên, ông Nguyễn Thanh Xuân yêu cầu Nguyễn Huy Diễm tiếp tục trở lại cương vị cũ. Trong phiên hội nghị này có mặt của các Ban Trị Sự, Ban Đại Diện PGHH cấp Tỉnh nên Ông Diễm có đề nghị xin ý tập thể về việc trở lại của ông. Cuối cùng với sự đồng tình của tập thể ông Nguyễn Huy Diễm đã trở lại làm việc. Thực ra, không phải chờ đến ngày 17 tháng chạp, ông Diễm mới biết được những diễn biến của hội nghị, mà những vấn đề này đã được gợi mở ngay trước khi Ban Tôn giáo Chính phủ quyết định đứng ra dàn xếp. Bởi vậy trước đó, ông Nguyễn Huy Diễm đã được các bậc tín đồ chân tu góp ý, hầu hết đều khuyên ông nên trở lại nếu những chương trình Đạo sự lớn được Nhà nước chấp thuận. Qua sự việc này, mọi người đều thấy được rằng, sau gần 15 năm tái phục hoạt, không ai có thể che dấu được những hành vi đạo đức giả cho dầu các hành vi ấy có tinh vi đến đâu. Phải công tâm mà nói, hầu hết các Ban Trị Sự xã địa phương đã đến lúc phải thanh lọc lại phẩm chất Đạo đức, của những cá nhân được giao phó nhiệm vụ lãnh đạo Đạo ở bất kỳ cấp nào, và họ đã thực hiện Đạo sự ấy có kết quả. Điển hình như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau, Bến Tre, Cờ Đỏ và Angiang. Chúng ta phải biết rằng việc làm trong sạch hóa hàng ngủ cũng là một Đạo sự lớn, là một công đức vô lượng trong bước đường tu tập của người Tại Gia Cư Sĩ PGHH . Việc trở lại của Nguyễn Huy Diễm là đúng đắn, bởi không thể bỏ mặc cho tổ chức Lãnh đạo Giáo hội Trung Ương mà không có một người nào có tinh thần bảo vệ và phát triển cho một nền Đạo vì Dân Tộc đã được Nhà nước công nhận. Không phải những suy nghĩ đó là không có chứng cứ, hãy thực tế mà kiểm nhận lại các hành vi sai phạm giáo điều, giới luật của Đạo : Bùi Văn Đương thì khỏi nói, ngoài những bằng chứng của Ban Đại Diện Tỉnh Bến Tre còn có thói quen uống Bia thay nước giải khát trong tư cách ông thầy dạy đạo khi nghỉ xả hơi. Phạm Văn Chơm thì say sỉn đến độ để cho gái bia ôm chở trả về Chùa. Nguyễn Tấn Đạt thì trong Giấy Chứng Minh Nhân Dân sau một năm đảm nhận chức vụ Ủy Viên thường trực của Ban Đại Diện TƯ /PGHH mà vẫn ghi Thành phần Tôn giáo là KHÔNG. Đa số nhân sự trong Trung Ương hầu như không ai giữ được CHAY KỲ của Đạo.v..v . Thử hỏi như vậy thì làm sao thuyết phục được ai? Mỗi khi đứng trước, đứng trên đám đông tín đồ PGHH các ông thuyết giảng đạo lý gì? Hay miệng thì nói Giáo lý PGHH mà thân thì nói Giáo Lý Lưu Linh? Nông nổi này do ai trong cái cơ chế Suy cử được đặt ra từ chính phủ Trung Ương cho đến Địa phương, các ông Nhà nước đừng nói rằng các ông không có trách nhiệm, đừng nói rằng các ông không tổn âm đức trong một hành động làm suy đồi một nền Giáo pháp! Việc trở lại của Nguyễn Huy Diễm là đúng đắn nếu anh biết phát huy vai trò bảo vệ và xiển dương Giáo pháp trên cả hai mặt ngôn, hành. Nếu anh biết và dám mạnh dạn áp dụng giáo luật,Giới điều vào các sinh hoạt Đạo sự. Bằng không được cái quyết tâm như vậy, tốt nhất anh nên treo ấn từ quan như KHUẤT NGUYÊN đừng làm ô nhục vong linh Học Giả Nguyễn Văn Hầu ! Hậu giang, ngày 05.02.2014 Tín đồ PGHH Dương Thị Diệu Ái.