TẠI SAO PHẢI TỔ CHỨC NGÀY LỄ 25/2. Trong tất cả cuộc đời và sự nghiệp của các bậc vĩ nhân ở cõi thế gian này, ngày sinh, ngày gầy dựng cơ nghiệp, ngày mất (ngày chết, ngày mất tích, ngày vắng mặt) chính là ba cột mốc thời gian cần phải được ghi nhận của một đời người! Đối với các đấng giác ngộ, đấng khai sáng nền tảng Giáo pháp của một Tôn giáo thì ba thời điểm nầy lại càng phải được trân trọng hơn nữa. HUỲNH PHÚ SỔ, đấng Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo, chính là người đã khai sáng một nền đạo nội sinh và là một Tôn giáo được phép hoạt động có Tư Cách Pháp Nhân từ nhều chế độ chánh trị tại VN ... ngay như hiện nay, dù mốn dù khôngnhà nước Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam cũng đã quyết định công nhận. Không kể những năm từ 1975 đến 1999 (24 năm) là khoảng thời gian mà những người tín đồ đã âm thầm tự thể hiện mình là PGHH, điều nầy đã làm thay đổi những định kiến sai lầm cục bộ của một số cấp chính quyền vào đươngthời, "việc Nhà nước Việt Nam chưa cho phép Tôn giáo PGHH hoạt động với tư cách pháp nhân, kéo theo các ngày lễ quan trọng của Đạo cũng không được cử hành, là một vấn đề tạm thời có thể lý giải và chấp nhận được! Nhưng từ năm 1999 cho đến nay 2014 (15 năm) Tôn giáo PGHH đã được hoạt động có pháp nhân bình đẳng với các Tôn giáo khác, thế mà ba (03) ngày lễ quan trọng của PGHH chỉ được cử hành có hai (02) ngày lễ (18/5 Ngày Khai Đạo và 25/11 ngày Đản Sinh của Giáo Chủ). Còn đại lễ Kỷ Niệm Ngày Vắng Mặt Của Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH thì nhà nước vẫn chưa cho phép là một điều khó hiểu? Để giải thích vấn đề khó hiểu nói trên; Trước đây các cấp chính quyền, nhất là chính quyền tỉnh Angiang thường đổ trách nhiệm cho Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội PGHH! họ cho rằng trong chương trình Đạo Sự được khai báo với Chính quyền hàng năm, BTS/TƯ không có đăng ký ngày lễ 25/2 Âl. Trên hình thức thì được thấy như thế, nhưng thực tế cái được gọi là: - Ban Trị Sự Trung Ương PGHH là ai. - Nó được thai nghén như thế nào có lẽ là cho tới bây giờ không một ai là không hiểu rõ vấn đề này!!! Không phải có đăng ký các ngày lễ là có thể được phép cử hành, tất cả mọi cái đều phải được sự chấp thuận của nhà cầm quyền, mọi cái đều phải được nhào nắn ngay từ lúc chưa thành hình, cụ thể là cho tới bây giờ, cho dù là người tín đồ PGHH hay là người ngoại Đạo... người ta cũng không lý giải nổi là tại sao trong Tổ chức Giáo Hội hợp pháp của TƯ/PGHH lại có thành phần KHÔNG Tôn giáo đang chểm chệ ngồi ở ghế lãnh đạo thì còn nói gì đến có đăng ký hay là không có đăng ký ngày Đức Giáo Chủ vắng mặt Vấn đề lại được đặt ra là tại sao đối với PGHH, (03) ngày lễ lớn mà chỉ được tổ chức có (02)? Đại lễ 25/2 Kỷ niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt tại Đốc Vàng sao lại không được cử hành, kể cả đối với Tổ chức hợp pháp Trung Ương của Đạo, khiến người tín đồ PGHH luôn bị ức chế từ trong cách nghĩ, cách nhìn đối với Nhà nước. Có phải chăng những người cầm quyền Việt Nam vẫn còn nhiều mặc cảm tội lỗi đối với người đã có thời từng đâu lưng sát cánh trong sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm… Mặc dù cho đến hôm nay, biến cố tại Đốc Vàng chưa thể làm sáng tỏ được qua những chứng cứ lịch sử của phía PGHH và Việt Minh... không có các luận chứng tương đồng, nhưng không ai kể cả hai phía đều không biết người gây ra vụ án Đốc Vàng là Trần Văn Nguyên và Bửu Vinh... (Có một thời sau ngày 30/4 năm 1975, hầu hết các cán bộ của chính quyền mới đều có lập luận cho rằng vụ án Đốc Vàng là do bọn thực dân Pháp mua chuộc và xúi dục bọn gián điệp gây ra để tạo nên mối chia rẻ giữa PGHH và Việt Minh), cả hai bên cũng đều hiểu rõ sự có mặt của Đức Giáo Chủ PGHH tại Tân Phú, Đốc Vàng là do một thư mời ông Ủy Viên Đặc Biệt, Ủy Ban Hành Kháng Nam Bộ đến để cùng hòa giải các cuộc xung đột giữa những người tín đồ PGHH và Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội). Trong một giai đoạn cả nước đứng lên đánh đuổi giặc xâm lược Pháp, thì bất kỳ là ai cũng đều có cái quyền gia nhập vào bất cứ lực lượng võ trang kháng chiến nào, miễn lực lượng võ trang ấy có mục tiêu đánh đuổi ngoại xâm! Phật Giáo Hòa Hảo là một trong các lực lượng võ trang đó! Sáu mươi bảy năm trôi qua kể từ 1947, hai mươi bốn năm kể từ 1975 đến 1999, mười lăm năm kể từ 1999 cho đến nay, có lẽ những cái đúng sai cũng được cả hai bên cùng ghi nhận, vấn đề là làm thế nào để đưa đất nước đi lên mà yếu tố không thể thiếu là tinh thần đoàn kết dân tộc. Tại sao những con người ngoại bang chính là những kẻ đã mang đến cho dân ta biết bao nhiêu là đau khổ, những kẻ đã sát hại, đồng hóa, gây điêu linh thống khổ, mà chúng ta những người dân Việt vẫn phải oằn mình chịu đựng cho đến ngày hôm nay. Đối với những kẻ ấy, chúng ta vẫn có thể ôm hôn họ trên mặt ngoại giao. Thế mà đối với những đồng bào ruột thịt của mình, những người tín đồ PGHH chân chất hiền lành mà nhà nước vẫn chưa có thể mở được vòng tay… Phật giáo thì có ngày Phật nhập Niết Bàn, Thiên chúa thì có ngày Chúa Phục Sinh, PGHH thì có ngày Giáo Chủ Vắng Mặt… đây là một thực tế không thể thay đổi. Phật giáo tổ chức ngày Phật nhập Niết Bàn không phải để mọi người Phật tử nhớ đến bát cháo nắm độc của Cunda! Thiên chúa tổ chức ngày Chúa Phục Sinh không phải là khơi dậy lòng thù hận với những người Do Thái. Phật Giáo Hòa Hảo cử hành ngày Đức Thầy Vắng Mặt không phải là kích động lòng hận thù của tín đồ với những người Việt Minh Cộng Sản, mà PGHH cử hành Ngày Đức Thầy Vắng Mặt để cho tất cả mọi người có thể học tập được ở đó một cái Tâm Đại Hùng, Đại Lực của một Đấng Giác Ngộ. Để mọi người thấy được một tấm lòng sắt son, chấp nhận cống hiến thân mạng của mình cho tiền đồ dân tộc. Đối với những người có tín ngưỡng Tôn giáo PGHH, việc nhà nước có cho cử hành ngày 25/2 long trọng hay không là chuyện của nhà nước. Với họ; hàng năm cứ đến ngày 25/2 vẫn phải được cử hành, cho dù ngày ấy họ phải tránh né, di dời thay đổi liên tục địa điểm hành lễ với một tâm trạng càng lúc càng bực bội và sân nộ. Để hóa giải việc khó khăn ấy, hướng tới có thể họ sẽ tổ chức ngày lễ theo hướng an toàn hợp pháp là mỗi tư gia của người tín đồ PGHH sẽ thiết trí trong khuôn viên nhà mình một bàn hương án, năm ba người đồng đạo chòm xóm sẽ lần lượt đến làm lễ tại nhà đồng đạo, như vậy thì ngày 25/2 sẽ được tổ chức đều khắp, nhưng thay vì nếu được phép cử hành trong thể, có sự tham dự của các cấp chính quyền, các thành phần Tôn giáo bạn thì những lời nguyện cầu sẽ là lòng thành dành cho bá tánh vạn dân được an cư lạc nghiệp, sẽ là lời cầu cho Đức Thầy của họ sớm trở về dẫn dắt đồ chúng đến nơi an lạc, nhưng biết đâu vì phải tổ chức manh mún với sự cảnh giác của cả hai phía thì ngày 25/2 ai dám khẳng định ngày ấy không phải là ngày UẤT HẬN! “Con sâu đạp mãi cũng oằn” đây là Đạo lý mà bất kỳ ai cũng biết, vậy thì có nên chăng trong giai đoạn nầy nhà nước Việt Nam lại muốn đẩy sự bất đồng chính kiến lên thành một cao trào làm tràn ly nước hay sao? Như đã nói, dù Nhà nước có cho phép hay không, cái tổ chức lãnh đạo suy cử của PGHH có dám đề xuất, tham mưu hay không về tính hợp pháp công khai của ngày Đại lễ 25/2 nhuần năm Đinh Hợi, mọi người tín đồ PGHH vẫn tổ chức ngày Đại lễ nầy dưới mọi hình thức; cam chịu cũng có, phẩn nộ cũng có, ta thán cũng có… Nghĩa là ngày 25/2 hàng năm là một ngày không ai có thể điều hướng được tâm tư tình cảm của thành phần có tín ngưỡng Tôn giáo PGHH, nếu nhà nước chưa có được cái nhìn cởi mở hơn đối với PGHH, tất nhiên những người dân này cũng từ đó sẽ có những ứng xử theo cảm tính mà không được “mặn mòi” với các cấp chình quyền sở tại. Cái đúng, cái sai, cái lợi, cái hại, cái nên hoặc cái không còn tùy cách nhìn của chính quyền Việt Nam, không ai có thể làm thay đổi kiến giải của họ, trừ phi!!! Đó là những thực tế cần phải “xét lại” để mọi người Việt được sống chan hòa trọn vẹn với nhau trên danh nghĩa ĐỒNG BÀO. Cái Mơn, ngày 16 tháng 2 năm 2014. NGƯỜI TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO HÒA HẢO.