THÍCH THIỆN HUỆ & QUYỂN LUẬN VĂN TÔT NGHIỆP CHUYỆN KHÔNG MỚI NHƯNG CHƯA CŨ. ---o0o--- Tập “Luận văn tốt nghiệp” của tăng sinh Thích Thiện Huệ tại khóa IV (1997 – 2001) của Học viện Phật giáo Việt Nam chính thức được phê duyệt “đạt yêu cầu” của vị Giáo sư hướng dẫn và của Hội đồng Điều hành Học viện ngày 19 tháng 6 năm 2001, đã gây xôn xao dư luận từ mấy tháng cuối năm 2012 cho đến nay, vì vậy, vấn đề này gọi là “không mới”. Tuy nhiên, với nội dung xấu xa “phi văn hóa” của tập luận văn này gây mâu thuẩn sâu sắc, tạo bất bình cho dư luận và cả mấy triệu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo; có nguy cơ làm chia rẽ, mất đoàn kết giữa hai tôn giáo Phật giáo Việt Nam (PGVN) và Phật giáo Hòa Hảo (PGHH), nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng của lãnh đạo hai Giáo hội, làm cho toàn thể tín đồ PGHH chưa hài lòng, hoang mang thậm chí khủng hoảng về tâm lý. Cho nên vấn đề này quả thật là “chưa cũ”. Với tư cách của tín đồ PGHH là một người trong mấy triệu người “dốt nát, ít học,” là đệ tử của ông Thầy “dốt nát, ngốc nghếch…” (đó là nhận định của Thích Thiện Huệ) cho phép tôi có quyền nói lên “sự thật” là “thực chất” của một tôn giáo Phật giáo “chính hiệu” đó là Phật giáo Hòa Hảo. Đây là tiếng nói của người trong cuộc, người đã từng nghiên cứu và tu học theo tôn giáo này, chứ không phải tiếng nói mang tính “suy diễn” bằng những tư tưởng “kỳ thị” của những người bên ngoài không có tính thuyết phục, lại hô hào là nhận định về “thực chất của tôn giáo PGHH” DẪN NHẬP. Thích Thiện Huệ (Nguyễn văn Huệ) một tăng sinh của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh đăng quang Khóa IV (1997-2001) với bài luận văn tốt nghiệp qua đề tài “Thực chất của Đạo Hòa Hảo”. Đặc biệt tập luận văn này lại được giáo sư hướng dẫn (GS.Minh Chi) phê duyệt : “Luận văn đạt yêu cầu về công phu nghiên cứu và sưu tầm tài liệu” và cũng được Hội đồng Điều hành Học viện (HT.Thích Giác Toàn) người thứ hai phê duyệt “luận văn đạt yêu cầu”. Lời lẽ trong tập văn (gồm 57.tr) này chỉ thuần một nội dung : mạ lỵ Đức Huỳnh Giáo Chủ, chê bai giáo lý Phật giáo Hòa Hảo và sỉ nhục tín đồ Phật giáo Hòa Hảo cách thậm tệ bằng những lời lẽ “khó nghe” nhất. Những phân tích của người viết đối với “tập luận văn của Thích Thiện Huệ (thích thiện huệ) trong bài viết này hoàn toàn không có ý “tranh luận” hay “bút chiến” mà là muốn triệt tiêu những luận điệu sai lầm mang tính xuyên tạc của thích thiện huệ đồng thời chỉ cho y ta thấy ra những sai lầm tội lỗi, thậm chí “cực sai lầm” và “đại tội lỗi” của mình. Đặc biệt là người viết có chủ ý muốn cho những lời lẽ phân tích trong Bài viết này luôn nằm bên cạnh tập luận văn của thích thiện huệ để cho bất cứ ai, cũng như đàn hậu tấn của PGHH hễ có dịp xem tập luận văn của thích thiện huệ đồng thời cũng có dịp đọc Bài viết phân tích này. Nhằm dự phòng khi có người ngộ độc (xem tập luận văn) thì liền có thuốc giải độc (Bài viết này). Bởi vì, mặc dù Hội Đồng Điều hành Học viện bảo rằng tập luận văn đã được hủy sau 10 năm theo như thông lệ, tuy nhiên, chắc chắn sẽ không có ai dám bảo đảm rằng ở đâu đó sẽ không còn tồn tại tập luận văn tốt nghiệp quái ác này ? Tôi vẫn biết lựa chọn một đề tài để viết một bài luận văn là không bắt buộc hay hạn chế. Có thể chọn một đề tài “nói về một tôn giáo khác” bằng cách tìm hiểu về tôn chỉ, giáo lý của tôn giáo bạn để học những cái hay cái đẹp nhằm rút kinh nghiệm cho sự tu tập của tôn giáo mình, hoặc ít ra cũng không được quyền nói xấu áp đặt đến tôn giáo của người ta, hay suy cho cùng thì cũng phải nói một cách nghiêm túc là “đúng với sự thật” của tôn giáo đó, hợp với niềm tin và sự “tín ngưỡng” của tín đồ tôn giáo đó. Cụ thể là Phật giáo Hòa Hảo. Bằng như vì tự ái nào đó mà không thể nói lên điều tốt của người ta, không thể không nói xấu người ta, không thể không nói được sự thật về người ta, thì nên chon đề tài khác. Hoặc nói về chuyện “ma quy”, chuyện về “sao hỏa, sao thổ,” hay chuyện “khí hậu thời tiết” gì đó vv. Mắc gì mà ngứa mồm ngứa miệng nói bậy nói bạ cho mích lòng cho phạm tội. Là người Việt Nam mà sao không biết câu ca dao nằm trên cửa miệng của người Việt Nam : “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” Là người có học thức sao chẳng biết Thánh nhân đã từng cảnh báo : “Hàm huyết phún nhơn tiên ô tự khẩu” (ngậm máu phun người, không biết có làm dơ được người không, cụ thể là đã làm dơ miệng mình trước rồi) Là người con Phật sao chẳng nhớ lời Phật dạy : “Phù sĩ xử thế phủ tại khẩu trung, Sở dĩ trảm thân do kỳ ác ngôn” (Phàm người sống trên đời cái búa ở tại cửa miệng, sở dĩ nó chém mình là bởi nói lời độc ác). Thử hỏi thích thiện huệ là ai ? bao nhiêu tuổi ? tu được bao lâu ? biết gì về Phật giáo Hòa Hảo mà lên giọng kẻ cả nói về “Thực chất của Đạo Hòa Hảo” ? Nếu muốn nói về tôn giáo Phật giáo Hòa Hảo, hễ cái nào biết thì nói, cái nào không biết thì hỏi Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo, hỏi tín đồ PGHH để người ta nói ra cho mà học, cớ gì cấm cổ nhắm mắt nói càn ? Trong khi Phật giáo Hòa Hảo có tư cách pháp nhân đàng hoàng bằng Quyết định số : 21/QĐ/TGCP của Ban Tôn Giáo Chính Phủ ngày 11 tháng 6 năm 1999. do ông Lê Quang Vịnh trưởng ban Ban Tôn Giáo Chính Phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 188/VPCP-NC ngày 21 tháng 5 năm 1999 của Văn phòng Chính phủ, ký ban “tư cách pháp nhân” cho Phật giáo Hòa Hảo, được quyền hoạt động công khai và rộng rãi trên phạm vi cả nước. Hiện nay Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo trải qua gần 3 nhiệm kỳ hoạt động (1999 - 2013) tổ chức được 16 tỉnh, thành phố trên cả nước có hệ thống Giáo hội, từ Miền Nam, Miền Đông, Tây Nguyên và Miền Trung. Có 14 tỉnh đã thành lập Ban Đại Diên (Giáo Hội cấp tỉnh) còn lại 2 tỉnh chưa lập Ban Đại Diện. và hiện có 379 Ban Trị Sự (Giáo Hội cấp cơ sở - xã, phường, thị trấn) cùng khoảng 5 triệu tín đồ hiện đang sinh sống vừa lo làm ăn vừa lo tu hành vừa lo đóng góp về mọi mặt để phát triển quê hương đất nước. Từ khi được tái lập đến nay Ban Trị sự Trung ương, Ban Trị Sự cơ sở và tín đồ PGHH đã không ngừng cố gắng, vừa lo tu hành vừa lo phục vụ công tác phúc lợi cho nhơn sanh, đồng thời góp phần vào các mặt công tác do nhà nước đề ra. Chỉ sơ tính từ khi có tư cách pháp nhân (1999) đến nay mới gần ba nhiệm kỳ (13 năm) hoạt động mà toàn đạo đã đóng góp vào các mặt từ thiện xã hội mặc dù còn khiêm tốn nhưng cũng lên đến hàng vạn tỷ đồng. Chưa nói đến tín đồ PGHH góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương và giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương rất có hiệu quả. Do các hoạt động hữu ích nói trên mà hàng năm Ban Trị sự PGHH cơ sở và tín đồ các địa phương được nhà nước cấp giấy khen, bằng khen đến hàng ngàn lượt người. Các bằng chứng cụ thể nói trên là những con số biết nói. Từ chính quyền đến ngoài xã hội đều nhìn thấy và công nhận. Thế mà thích thiện huệ cố tình không thấy, cố tình bóp méo sự thật, và cố tình thiêu hủy những cống hiến lớn lao của tôn giáo PGHH, của hàng triệu tín đồ PGHH. Ác độc hơn thích thiện huệ còn muốn thủ tiêu tôn giáo PGHH bằng một bài luận văn ác nghiệt. Vấn đề hết sức quan trọng. Thế nhưng bên bị hại (PGHH) với tư cách một tôn giáo “Hòa Hảo” một tín đồ “Hòa Hảo” nên lúc nào cũng bình tỉnh chờ đợi sự giải quyết của bên gây hại (thích thiện huệ – Học viện PGVN tại TP.HCM – Hội Đồng Trị sự Trung ương GH.PGVN). Thế nhưng bên gây hại chịu trách nhiệm cụ thể là thích thiện huệ vàHọc viện PGVN.TP Hồ Chí Minh chưa có thái độ tích cực. Thích thiện huệ thì vắng mặt vì du học ở nước ngoài, còn Học viện PGVN tại TP.HCM thì chỉ hoa loa bằng một văn bản (công văn số 521/CV-HĐĐH) với nội dung đổ lỗi, đổ thừa, trốn trách nhiệm, rồi cho đó là xong chuyện. Chính vì sự chờ đợi mõi mòn, hết sức chịu đựng nên kẻ được cho là “ngu dốt” này xin được bộc bạch vài lời cho “hả hơi” trước dư luận cùng bàng quang thiên hạ. Với hy vọng là những lời lẽ này sẽ được thấu tai đến lãnh đạo Học viện (TP.HCM) và Trung ương Giáo hội PGVN, để quý vị thấu hiểu và thông cảm cho nỗi lòng của những người khi không lại bị người ta chà đạp lên thanh danh của Giáo chủ mình, Tôn giáo mình và chính bản thân mình. Trước hết tôi cho là sự giải quyết của lãnh đạo Học viện PGVN tại TP. Hồ Chí Minh bước đầu chưa có dấu hiệu tích cực, dẫn đến vụ việc kéo dài. Chúng tôi có thể quả quyết rằng, nếu bước đầu lãnh đạo Học viện PGVN tại TP Hồ Chí Minh giải quyết cho thấu tình đạt lý có lẽ sự việc đã ổn thỏa, không phải kéo dài đến ngày hôm nay. Không phải đợi cho đến kẻ ngu như tôi phải nặn óc bóp trán khó khăn lắm mới hoàn thành một con chữ mà cũng phải rán đẻ ra lời; thậm chí cho đến người không phải PGHH cũng không thể không lên tiếng trước công luận về vấn đề gây bức xúc đến tột độ của mấy triệu tín đồ PGHH. Bước đầu chúng ta tìm hiểu về “Công Văn” của Học viện PGVN tại TP.HCM gửi Ban Trị sự Trung ương PGHH để thấy rõ “vấn đề như thế mà chỉ giải quyết như thế, thì có thể được cho là thỏa đáng chưa?” Bài 1NHẬN XÉT VỀ NỘI DUNG BẢN VĂN XIN LỖI CỦA HỌC VIỆN PGVN TẠI TP.HCM V/V THÍCH THIỆN HUỆ PHỈ BÁNG ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ & PGHH Sau khi xem qua công văn số 521/CV-HĐĐH của Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM ngày 10 tháng 12 năm 2012 gửi “xin lỗi” đến Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo về việc tăng sinh Thích thiện Huệ (Nguyễn văn Huệ) khóa IV (1997-2011) viết “luận văn tốt nghiệp” mạ lỵ Đức Huỳnh Giáo Chủ và bôi nhọ Phật giáo Hòa Hảo thậm tệ, tính cách nặng như núi ‘Thái Sơn” (xem luận văn) mà lời lẽ xin lỗi lại nhẹ tợ “Lông Hồng” không có chút gì tỏ ra là “nhận lỗi” cách chân thật cả. Nội dung công văn số 521 tôi xin được trình bày và nhận xét theo từng mục dưới đây: (Những chữ in nghiêng (dợt) trong ngoặc kép của bài viết này là trích dẫn nguyên văn của công văn số 521/CV-HĐĐH của Hội đồng Điều hành Học viện PGVN tại TP.HCM ngày 10 tháng 12 năm 2012 gửi “xin lỗi” đến Ban Trị sự Trung ương GH.PGHH) I. Về Chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Công văn cho biết : “Đoàn kết hòa hợp, tạo sự thân hữu giữa Phật giáo Việt Nam với các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ ngày thành lập cho đến nay, được các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, Tăng Ni phật tử quán triệt một cách sâu sắc”. II. Về Luận văn của tăng sinh Thích thiện Huệ Học viện cho là quan điểm của cá nhân. Công văn viết : – “Hội đồng Điều hành Học viện luôn mong muốn các chủ trương, đường hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được các Tăng Ni sinh viên quán triệt và nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, theo quy luật khách quan, con người luôn có những hạn chế vốn dĩ tư duy đôi lúc chưa thật sự chính chắn mang tính chủ quan”. – “Đối với một số vấn đề được trình bày trong luận văn của tăng sinh Thích thiện Huệ, Hội đồng Điều hành xin khẳng định rằng : Đây không phải là chủ trương của GHPGVN của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh; đây chỉ là quan điểm cá nhân, tư duy chủ quan khi nghiên cứu về lĩnh vực có liên quan đến Đức Huỳnh Giáo Chủ và Phật giáo Hòa Hảo”. Với cách giải thích trên của Học viện tôi có ý kiến : Học viện nói sự xúc phạm của Thích Thiện Huệ (thích thiện huệ) là “quan điểm cá nhân, tư duy chủ quan” tôi cho là “tạm được” nhưng ở trường hợp nào khác, đề tài nào khác kìa. Còn ở trường hợp này, vấn đề này tôi cho là không đúng. Bởi các lẽ : 1/ Chẳng lẽ thích thiện huệ lại không hiểu chủ trương của GH.PGVN là“Đoàn kết hòa hợp, tạo sự thân hữu giữa Phật giáo Việt Nam với……Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo” ? Trong khi “các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, Tăng Ni phật tử quán triệt một cách sâu sắc” (dẫn lời của Học viện) 2/ Suốt quá trình học tập (4 năm) và tài liệu học tập tất nhiên có phần “tìm hiểu về các tôn giáo khác” vậy môn học này dạy như thế nào về Phật giáo Hòa Hảo và Đức Huỳnh Giáo Chủ mà thích thện huệ lại hiểu như thế đó ? 3/ Phật giáo Hòa Hảo là một tôn giáo trong sáu tôn giáo lớn ở Việt Nam được Chính phủ cấp “tư cách pháp nhân” đang hoạt động hợp pháp đồng hành cùng các tôn giáo khác trong đó có GH.PGVN và bình đẳng trước pháp luật của nhà nước Việt Nam. Chẳng lẽ thích thiện huệ là “Cử nhân Phật học” mà không biết điều đó lại ngang nhiên “nói xấu” tôn giáo Phật giáo Hòa Hảo, “bóp méo” Giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, “mạ lỵ” Đức Huỳnh Giáo Chủ một cách trắng trợn không tiếc lời như thế có xứng đáng là một nhà tăng, một Cử nhân Phật học ? 4/ Nếu nói “xúc phạm” của thích thiện huệ là “quan điểm cá nhân, tư duy chủ quan” ở trường hợp này thì không thuyết phục. Bởi thích thiện huệ có “giáo sư” hướng dẫn đàng hoàng, và đã có 4 năm (1997-2001) học tập hẳn hòi thì sao gọi là quan điểm cá nhân được ? Lại nữa, “xúc phạm” trên lại được giáo sư hướng dẫn chấp bút phê duyệt “Luận văn đạt yêu cầu về công phu nghiên cứu và sưu tàm tài liệu” như thế có thể gọi là “quan điểm cá nhân, tư duy chủ quan” được chăng ? III. Về Quan điểm của Học viên đối với luận văn của tăng sinh Thích thiện Huệ. Trong công văn cho biết : – “…Đối với học viên, tất cả Tăng Ni sinh sau khi hoàn tất các môn học, đều phải làm thêm một luận văn tốt nghiệp để hội đủ điều kiện cấp văn bằng, mang tính chất thu hoạch, bước đầu thực tập nghiên cứu một đề tài, dưới sự hướng dẫn của một Giáo sư hướng dẫn, chỉ có giá trị nội bộ, không phổ biến”. – “Trong phần nhận xét nội dung luận văn, với tư cách là người hướng dẫn, cố GS Minh Chi có nhận xét “Luận văn đạt yêu cầu về công phu nghiên cứu và sưu tầm tài liệu. Nên tránh phê phán các tôn giáo khác với lời lẽ nặng nề” Điều này cho thấy cố GS Minh Chi chỉ đơn thuần tán đồng với tăng sinh Thích thiện Huệ về mặt “công phu nghiên cứu và sưu tầm tài liệu” và cũng đã trao đổi và bày tỏ sự không đồng ý về thái độ phê phán Phật giáo Hòa Hảo của tăng sinh Thích thiện Hue” – “Học viện luôn quán triệt chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là nhất quán sự đoàn kết và tôn trọng đối với các tôn giáo; không phê phán trong mọi trường hợp. Vì vậy Hội đồng Điều hành Học viện rất lấy làm tiếc về sự việc này” Nhận xét qua lời lẽ của 3 đoạn văn trên, té ra “xúc phạm” của thích thiện huệ hoàn toàn là của “huệ” chứ không dính dáng gì đến Học viện cả. Tôi nghĩ rằng Lãnh đạo Học viện phải nói khác hơn và có thái độ “tích cực” hơn mới phải, chứ những lời lẽ như trên có nào thuyết phục được ai ?. Số là như thế này : 1/ Học viện nói rằng tài liệu “chỉ có giátrị nội bộ, không phổ biến”. Như vậy thì cứ việc “mạt sát” thiên hạ có điều là không phổ biến cho “họ” biết thì được. 2/ Học viện nói rằng GS Minh Chi nhận xét “Luận văn đạt yêu cầu về công phu nghiên cứu và sưu tầm tài liệu” như vậy có phải GS Minh Chi thẳng thừng công nhận, thậm chí khen ngợi “nghiên cứu” kiểu đó là đạt yêu cầu. Lảnh đạo Học viện có đồng ý không ? 3/ Học viện nói rằng GS Minh Chi phê “Nên tránh phê phán các tôn giáo khác với lời lẽ nặng nề” là GS hướng dẫn đã không đồng ý về thái độ phê phán Phật giáo Hòa Hảo của tăng sinh thích thiện huệ. Điều này theo tôi thực chất chắc không phải vậy. Bởi các lẽ : - Nếu là GS hướng dẫn khi không đồng ý với bài luận văn thì bảo phải “bỏ ngay” và hướng dẫn làm lại, cớ gì phải chấp nhận còn lại “khen” là đạt yêu cầu ? - Nếu nói là “Nên tránh phê phán các tôn giáo khác với lời lẽ nặng nề” như vậy “phê phán” không nặng nề thì được ? 4/ Học viện nói rằng “Hội đồng Điều hành Học viện rất lấy làm tiếc về sự việc này” Nói như thế kể cũng lạ. Bởi lẽ tập luận văn này đâu phải là một “tài liệu mật” mà là một bài “luận văn tốt nghiệp” công khai, có GS hướng dẫn phê duyệt “luận văn đạt yêu cầu”. Lại cũng được Hội đồng Điều hành Học viện một lần nữa phê duyệt “luận văn đạt yêu cầu”. Kể cả các tăng ni sinh học cùng khóa điều biết (và có lẽ còn nhiều người biết nữa), thế mà trên 10 năm nay nó (luận văn) vẫn đường hoàng là một “luận văn tốt nghiệp” giúp cho tác giả của nó “đăng quang” và cả khóa học (K.4) hân hoan là khóa học thành công tốt đẹp. Với chừng ấy thời gian cũng vẫn không có một “giây phút” nào huỡn rãnh để Học viện nghĩ ra hoặc nói lên mấy tiếng “lấy làm tiếc về sự việc này”. Đợi đến khi cái “không phổ biến” ấy lại được “phổ biến” trong toàn tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Đợi đến khi Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo cử phái đoàn đến tận Học viện để hỏi thăm sự thật về bài “luận văn” này thì lãnh đạo Học viện mới có thời gian nói lên câu “lấy làm tiếc về sự việc này” để bôi trơn, giải huề cho một sự việc “long trời lỡ đất” này phải không? IV. Học viện bảo rằng Luận văn tốt nghiệp của tăng sinh Thích thiện Huệ đã được hủy. Trong công văn cho biết: – “Theo quy định của Học viện, các bài thi và luận văn tốt nghiệp của sinh viên Học viện quá 10 năm sẽ được hủy, vì vậy luận văn của tăng sinh Thích Thiện Huệ đã bị hủy theo quy định”. – “Trong quá trình quản lý các bài thi, luận văn tốt nghiệp, bộ phận lưu trữ Văn phòng Học viện đã bảo quản kỹ lưỡng, không phổ biến, không để thất thoát ra ngoài. Do đó Hội đồng Học viện của chúng tôi khẳng định : luận văn của tăng sinh Thích thiện Huệ mà quý vị hiện có là do tăng sinh Thích Thiện Huệ phô tô để biếu tặng những người thân quen khi tốt nghiệp, chính những bản phô tô này đã tạo nên sự bức xúc trong tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, chư vị lãnh đạo trong Ban Trị sự của quý Giáo hội”. Qua đây, Học viện cho biết rằng bản “luận văn của thích thiện huệ đã bị hủy”. Theo tôi tập luận văn còn hay hủy điều đó không thành vấn đề. Điều đáng nói ở đây là “tư tưởng” của tác giả và những tư tưởng tương tự của những người đồng quan điểm có được hủy hay không ? Nếu tư tưởng của người trong cuộc và những người đồng quan điểm có tư tưởng tương tự không hủy thì tương lai còn thiếu gì những tập sách có nội dung tương tự hoặc hình thức này, hình thức khác sẽ tranh nhau xuất hiện. Liệu các trường hợp như vậy không xảy ra ? Lại nữa, quý Học viện khẳng định rằng Học viện không phổ biến. Sự cố xảy ra là do thích thiện huệ phô tô biếu tặng bạn bè…điều này cũng phải thôi, bởi lẽ một bản luận văn “đạt yêu cầu” là một danh dự cho tăng sinh nên gửi tặng người thân là lẽ tất nhiên, điều này không cần phải bàn đến. Giả sử bản luận văn của thích thiện huệ được giữ kín, Giáo hội Trung ương Phật giáo Hòa Hảo và tín đồ PGHH không hay biết gì về tập luận văn này, thì “quan điểm” và “tư duy” của tác giả chắc sẽ không có vấn đề “cá nhân” hay “chủ quan” gì cả. Tôi nghĩ rằng“Hội đồng Điều hành Học viện” cần phải nghiên cứu thật kỹ lại, và cần có thái độ “hợp tác nghiêm túc” với Ban Trị sự Trung ương PGHH để giải quyết vấn đề tưởng chừng như “không quan trọng” này. V. Về Hướng giải quyết vụ việc, Học viện cho biết: – “Hội đồng Điều hành sẽ báo cáo Ban thường trực Hội đồng Trị sự GH.PGVN về sự việc nêu trên, đồng thời đề nghị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo Ban Trị sự nơi tăng sinh Thích thiện Huệ thường trú để kiểm điểm, nhận khuyết điểm và xin lỗi Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo cũng như tín đồ Phật giáo Hòa Hảo về tư duy chưa chính chắn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin tôn giáo, cũng như biểu hiện sự chưa quán triệt sâu sắc về chủ trương đoàn kết, thân hữu giữa các tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. – “Trên tinh thần đoàn kết, xây dựng, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh rất mong nhận được sự cảm thông của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đối với sự việc vô cùng đáng tiếc - ngoài ý muốn này. Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh xem đây là một bài học kinh nghiệm quý giá trong công tác quản lý, điều hành và không để xảy ra các vấn đề tương tự như trên”. Theo hướng giải quyết vụ việc mà Học viện cho biết như trên, tôi nghĩ rằng vụ việc chưa được “thấu tình đạt lý”. Danh dự một vị Giáo chủ của một tôn giáo lớn ngang nhiên bị sỉ nhục; Giáo lý mà hàng mấy triệu tín đồ đang tôn thờ và tu học ngang nhiên bị chà đạp; mấy triệu tín đồ đang ra sức tu hành và làm các công tác từ thiện xã hội “rất tốt” được chính quyền các địa phương khen ngợi, khuyến khích lại ngang nhiên bị “chửi mắng”. Các hành vi “động trời” như thế rồi “kiểm điểm” hoa loa, “xin lỗi “ vài câu lấy lệ rồi thì “huề cả làng”. Điều này chẳng biết có “cân đối” chưa ? “phù hợp chưa ? xin được hỏi cả bàng quang thiên hạ. Cuối cùng Học viện cho rằng “đây là một bài học kinh nghiệm quý giá trong công tác quản lý, điều hành và không để xảy ra các vấn đề tương tự như trên”. Té ra “bài học kinh nghiệm quý giá” cũng chỉ là để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý điều hành. Chứ có rút kinh nghiệm gì về vấn đề “sau này không nên ngang nhiên nói xấu tôn giáo Phật giáo Hòa Hảo, Đức Huỳnh Giáo Chủ và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo nữa đâu ? Như vậy, qua sự rút kinh nghiệm lần này, lần sau sẽ quản lý kỹ hơn, dầu cho kẻ nào có ba đầu sáu tay cũng không dễ gì mà đánh cấp “tài liệu” được. Quý Học viện, các phật tử, đồng đạo và tín hữu, nhơn sanh! Phật giáo Hòa Hảo là một nền Đạo chủ trương “Hòa Hảo” cho nên mọi vụ việc liên hoan dến Phật giáo Hòa Hảo đều giải quyết trên tinh thần cơ bản này. Tuy nhiên, mỗi vấn đề có tầm cở và giá trị khác nhau. Lớn nhỏ, nặng nhẹ, cá nhân, tập thể đâu đó phải rõ ràng, “thấu tình đạt lý”. Đối với bản “luận văn tốt nghiệp” của thích thiện huệ là một “sự cố” cực kỳ quan trọng xưa nay chưa từng có. Thái độ của Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thể hiện thời gian qua, kể từ khi bản luận văn xuất hiện đến nay, chứng tỏ Phật giáo Hòa Hảo là một tôn giáo “Hòa Hảo” đúng nghĩa (kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Đề nghị Học viện Phật giáo Việt Nam phải kịp thời làm lại một văn bản khác mang tính tích cực hơn trong vụ việc này, ra quyết định hủy bỏ bản luận văn này và cấp bách đưa thích thiện huệ về Tổ Đình PGHH - An Hòa Tự (TT Phú Mỹ huyện Phú Tân tỉnh An Giang) để tạ tội trước chân dung Đức Huỳnh Giáo Chủ, xin lỗi Ban Phụng Tự Tổ Đình PGHH. Đồng thời xin lỗi trước Ban Trị sự Trung ương PGHH và toàn thể tín đồ PGHH. Nếu vì một lý do chính đáng nào đó mà thích thiện huệ không thể trực tiếp thì phải thực hiện gián tiếp bằng cách thu đĩa VCD hoặc DVD với nội dung trên gởi về Tổ Đình PGHH, Ban Trị Sự TƯ.PGHH cùng toàn thể tín đồ PGHH để xin lỗi. Chỉ có như thế mới tỏ ra tính thành khẩn, hối quá trong khi cố tình vi phạm một đại tội. Nếu quý vị không làm được một việc đơn giản như vậy, thì đại tội “xúc phạm Tam Bảo” từ người chủ xướng đến người có liên quan sẽ thuộc về phần “Nghiệp và Nhân quả” quyết định. Còn riêng phần tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong toàn đạo vẫn xem “sự cố thích thiện huệ” này là một thử thách, cũng như bao nhiêu lần thử thách trước đây (mặc dù lần này có tính nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần) nhằm để tăng trưởng “đức tin” với Thầy với Đạo của mình; nhằm để tinh tấn “công phu” và nâng cao “công quả” trong cuộc đời hành đạo. Cuối cùng của bài viết này tôi xin phép được thưa rằng : Phật giáo Hòa Hảo ra đời từ năm 1939 (Kỷ Mão) và trải qua thời đại nào PGHH vẫn có tư cách hoạt động hợp pháp. Từ thời Bảo Đại (1948 -1954), đến Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-1963), Đệ Nhị Cộng Hòa (1964 -1975) thời nào PGHH vẫn hoạt động công khai hợp pháp. Đặc biệt là thời điểm 1965 -1975 Phật giáo Hòa Hảo rất thịnh. Sau ngày Cộng sản cưởng chiếm hoàn toàn Việt nam Cộng hòa! PGHH mang nhiều tai tiếng, bị nhiều luận điệu xuyên tạc đủ điều. Bất chấp điều đó, tín đồ PGHH coi đây như là một thử thách, vẫn cứ một lòng tín ngưỡng và hành đạo, tích cực làm nhiều mặt công tác từ thiện xã hội với mong muốn đem lại lợi lạc cho đời.. Đến năm 1999 chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam xét cấp “tư cách pháp nhân” hoạt động đúng theo tông chỉ giáo lý và không trái với pháp luật nhà nước. Những điều đó đủ chứng minh rằng Phật giáo Hòa Hảo là một tôn giáo Đạo Phật đúng nghĩa, vì đã có Giáo Chủ, Giáo Lý, Giáo Luật, Giáo Lễ, Giáo Hội và Giáo Đồ (còn gọi Giáo dân hay Tín đồ). Trong đó đáng kể là Giáo Chủ của PGHH là một vị Phật và Giáo Lý của PGHH chính là Phật pháp, có đủ “chân lý, Pháp môn” đưa chúng sinh đến cõi giải thoát. giáo lý đó đã vừa khế hợp với giáo lý của Đức Phật (khế lý) và lại vừa phù hợp với trình độ chúng sinh thời hiện tại (khế cơ). Rõ ràng là một giáo lý Phật giáo đúng nghĩa. Thế nhưng, chẳng biết thích thiện huệ lấy cái “quyền” gì mà lại không công nhận ? Trong khi lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Tăng giàViệt Nam trước đây công nhận, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay công nhận, Nhà nước Việt Nam Cộng Hòa trước đây công nhận, Nhà nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay công nhận… thích thiện huệ là tăng sinh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là công dân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vì sao lại cho rằng Phật giáo Hòa Hảo không phải là tôn giáo,đặc biệt là không phải Phật giáo ? Điều này kính xin Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ban Tôn Giáo của Chính phủ và để cho cả bàng quang thiên hạ nhận định. Trên đây là những ý kiến chân thành xuất phát từ con tim có nhãn hiệu Hòa Hảo (Madein Hoa Hao) chính hiệu của người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Mong rằng những lời bộc bạch này được Học viện PGVN tại TP Hồ Chí Minh và chư tôn đức trong GH.PGVN ngó đến để có hướng giải quyết “vụ việc” này cách tốt nhất. Cư Sĩ Khuê Đẩu Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Ghi Chú : Bài 2 sẽ phân tích về những sai lầm tội lỗi trong luận văn tốt nghiệp của thích thiện huệ.