THIÊN ĐÀNG VÀ ĐỊA NGỤC Phan Thanh Nhàn Trong bài Sứ Mạng của Đức Thầy, Ngài viết " ...Thiên Tào đà xét định, khắp chúng sanh trong thế giới trong cái buổi Hạ Nguơn nầy, say mê vật dục, chìm đắm trong biển lợi danh, gây nên nghiệp qủa, luật trời đà trị tội xét kẻ thiện căn thì ít, người tội ác qúa nhiều, chư Phật mới nhủ lòng từ bi cùng các vị chơn Tiên lâm phàm độ thế, trước ra công cứu khổ, sau chỉ rõ cơ huyền, khuyên kẻ thế hướng thiện quày đầu, cải tà qui chánh thì mới mong Thiên Đình ân xá bớt tội căn để kíp đến Long Hoa chầu Phật, trước biết rõ luật Trời thưởng phạt, cùng hữu duyên nghe Phật pháp nhiệm mầu, kiến diện bậc Chơ Sư, tu hành mau đắc qủa, sau làm dân Phật quốc hưởng sự thái bình... ". Vì lòng từ bi của Đức Thầy thương khắp cả chúng sanh nên Ngài mới viết ra Giảng Kệ khuyên từ hàng Tăng Ni đến thiện nam tín nữ tịnh tâm tu hành. Một khi xem Sấm Kinh của Ngài, hãy suy nghĩ cạn lẽ để tìm hiểu nghĩa lý cho được rõ ràng chính xác rồi thực hành,chắc chắn sẽ đắc Đạo: Ta yêu chúng viết ra giảng kệ, Khuyên tăng đồ cùng các tín đồ. Nghe cạn lời chớ có mờ hồ, Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc Đạo. (Giác Mê Tâm Kệ Q4) Cũng có lắm người không để ý đến Kinh Kệ " Gặp giảng kinh trần cứ làm ngơ ", nên Đức Thầy (Đức Huỳnh Giáo Chủ) mới nói rõ cho họ biết "Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy", trồng giống nào thì hưởng qủa nấy, trồng đậu được đậu, trồng dưa được dưa, cũng là để chứng minh cho người đời thấy lý nhơn qủa, rồi trọn niềm tin vào việc làm lành hưởng phước, tạo ác mang tai . Mọi vật trong thế gian nầy không ra ngoài quy luật " thành, trụ, hoại, diệt ", nên có sự thăng trầm vui khổ, tiến lên chỗ an vui thanh tịnh hay bị đọa vào chỗ thắp hèn tội khổ tùy theo tâm thức của mỗi người. Ngài dạy: Tu cho qua cửa Diêm phù, Khỏi sa Điạ ngục ngao du Thiên đài.(Sấm Giảng Q1) Kinh sách ghi "Cõi Diêm Phù Đề có bề vòng là 30 ngàn do tuần, hình phân nửa mặt trăng. Dân sống chỉ đến mức 100 tuổi và phải làm việc vất vả mới có đủ phương tiện như ăn, mặc, ở. Ngoài ra còn phải chịu muôn vàn khổ lụy kể chẳng xiết ... "Thế nên Đức Thầy khuyên chúng sanh rán lo tu làm sao vượt khỏi cảnh nầy, tức là giải thoát về miền Lạc quốc, như Ngài từng kêu gọi: Muốn cho rắn đặng hóa cù, Xả thân làm phước Diêm Phù vượt qua . Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện Còn Địa Ngục là cảnh giới giam cầm và trừng phạt những linh hồn của người làm nhiều việc ác khi còn sống ở thế gian. Đức Thầy cho biết: Mê muội ác hung về Địa ngục, Hiền lành nhắm mắt thấy non Tiên Hai Mươi Tháng Chạp Kinh Địa Tạng ghi: "Những cảnh Địa ngục đều ở trong núi Thiết Vi (núi bao bọc toàn bằng vách sắt). Có nhiều loại địa ngục có tên gọi khác nhau. Riêng Địa ngục vô gián thì ghê tợn hơn hết, chung quanh vòng thành bằng sắt cao, dài hàng dậm, trên mặt thành lửa cháy không ngừng nghỉ". Trong Kinh có ghi lại câu chuyện bà Thanh Đề là mẫu thân của Tôn gỉa Mục Kiền Liên thóat khỏi cảnh giới địa ngục, chuyện được nhiều người biết đến. Ngài Mục Kiền Liên đã tu chứng, được Đức Phật khen là " thần thông đệ nhất "trong các đệ tử hàng Thanh Văn. Tuy vậy, mẹ của Ngài là bà Thanh Đề lại không tin Tam Bảo, thường làm nhiều việc ác. Vì thế, sau khi chết , Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn quán sát thấy được bà đang chịu khổ não trong cảnh giới địa ngục. Ngài đã vận dụng thần thông của mình để mong cứu mẹ ra khỏi cảnh giới nầy, nhưng hoàn toàn vô hiệu . Vì vậy, Ngài không còn cách nào khác hơn là đến cầu cứu với Đức Phật. Nhận lời thỉnh cầu của Mục Kiền Liên, Đức Phật đã truyền dạy pháp Vu lan bồn, tức là lễ cúng trai tăng được thực hiện vào dịp Rằm tháng Bảy, nhân ngày Tự tứ khi chư tăng vừa qua ba tháng an cư trong mùa mưa, thường được gọi với tên lễ Vu Lan. Nhờ sức chú nguyện của chư tăng mười phương, bà Thanh Đề được cảm hóa và sinh khởi thiện tâm thoát khỏi cảnh giới địa ngục rồi sinh về cõi trời. Kinh Phật có mô tả cảnh giới địa ngục; cảnh giới mà chúng sanh luôn phải sống trong trạng thái không có niềm vui, chỉ chán ghét và chịu đựng mọi khổ não. Cảnh giới phi vật thể, cảnh giới tinh thần dành cho mọi chúng sanh tạo nghiệp ác. Cho nên sự giải thoát tức thời của bà Thanh Đề ra khỏi cảnh giới địa ngục cho chúng ta thấy rằng cách hiểu về địa ngục như một cảnh giới của những nỗi khổ tinh thần phi vật thể. Vì một khi tâm thiện được sinh khởi thì ngay tức thời cảnh giới địa ngục sẽ tự nó mất đi, nghĩa là chúng sanh ấy được giải thoát. Từ quan điểm "nhất thiết duy tâm tạo" trong kinh Hoa Nghiêm thì thiên đàng và địa ngục chính là những cảnh giới của tâm thức. Nếu con người không chế ngự được tam độc Tham, Sân, Si mà cứ ruổi rong trong sự bon chen, tính toán lợi mình hại người, tâm hồn bất an, phiền não triền miên, thường thấy ác mộng do việc làm bất toại ý hằng ngày,trạng thái đó xem như là cảnh giới địa ngục trong tâm thức. Giáo lý nhà Phật đã dạy tất cả cái gì hiện hữu trên thế gian nầy đều là vô thường, ngay cả Tâm người cũng vô thường. Một khi tâm chuyển thì tất cả mọi thứ do tâm tạo cũng chuyển theo tâm. Cho nên, theo đạo Phật không có cảnh giới địa ngục vĩnh viễn. Một khi con người biết "thanh tịnh hóa tâm" thì họ có thể tự ra khỏi địa ngục tìm đường giải thoát. Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy: Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy, Địa ngục cũng tại Tâm làm quấỵ Về thiên đàng Tâm ấy tạo ra . Cái chữ Tâm mà Quỉ hay Ma, Tiên hay Phật cũng là tại nó. (Giác Mê Tâm Kệ Q4) Trên con đường giáo hóa chúng sanh từng bước, đạo Phật đi trong nhân gian thường dùng những phương tiện đã sẵn có của người dân địa phương để truyền bá tư tưởng Phật giáo theo tôn chỉ " tùy duyên mà bất biến", khiến cho mọi người đều được thấm nhuần tư tưởng từ bi hỉ xả mà không cảm thấy nền văn hóa truyền thống của họ bị xúc phạm. Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết: Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn, Khắp hạ giái truyền khai đạo pháp. Tùy phong hóa dân sanh phù hợp, Chấp bút thần tả ít bổn kinh. (Diệu Pháp Quang Minh) Bằng những phương tiện mà các vị Tỳ kheo và Tỳ kheo ni đọc tụng những câu chú thường niệm hằng ngày hòa cùng tiếng chuông mõ cũng làm thức tỉnh tâm thức của người đời, khiến cho họ cảm thấy cần tự tu tự học, tự giác thành Phật cũng như vong linh người qúa cố sớm siêu thoát nếu họ tự "thanh tịnh hóa tâm". Có hai bài chú bằng Hán văn và Phạn văn trích trong quyển "Tăng đồ nhà Phật" mà Đức Huỳnh Giáo Chủ dịch ra bằng Việt văn để chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của hai bài chú nầy vì Ngài thường khuyên tấn người đi trên đường Đạo mỗi khi xem Kinh Giảng phải tìm hiểu cặn kẽ nghĩa lý trong lời Kinh tiếng Kệ thì việc học Đạo mới mau thành đạt "Ngâm nga hiểu nghĩa đáng kim ngà, Huyền bí nhiều lời chỉ thiệt xa. Bổn đạo rán tìm cho cặn kẽ, Lòng hiền Phật độ khỏi tinh ma". và Ngài xác định "Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc Đạo": Nguyên văn: "Nguyện thử chung thinh siêu pháp giái, Thiết vi u ám tất giai văn. Văn trần thanh tịnh chứng viên thông, Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác ! "Dịch nghĩa: "Nguyện tiếng chuông lành thông các cõi, Thiết vi địa ngục cũng nghe rành. Nghe rồi thân tịnh tâm tròn sáng, Tất cả chúng sanh Phật đạo thành!" Nguyên văn: "Văn chung thinh phiền não khinh, Trí tuệ chưởng bồ đề sanh. Ly địa ngục xuất hỏa khanh, Nguyện thành Phật độ chúng sanh." (Án đà ra đế dạ ta bà ha!) Dịch nghĩa: "Nghe chuông phiền não tiêu tan, Bồ đề tâm mở trí toan huệ mầu. Lìa xa địa ngục thảm sầu, Khỏi nơi hầm lửa đặng cầu chơn tâm. Nguyện tu thành Phật chẳng lầm, Độ trong sanh chúng hết lâm tai nàn!" Tên gọi kinh "Địa Tạng", Địa Tạng có nghĩa là Tâm Địa, là Đất Tâm. Bồ Tát Địa Tạng với đại nguyện cứu vớt hết thảy chúng sanh đang chịu khổ trong cảnh giới địa ngục. Vị Bồ Tát nầy với cây Tích trượng và hạt Minh Châu trong tay, thường xuất hiện trong cảnh giới địa ngục để giúp những chúng sanh nơi đây phát khởi tâm thiện và chính bằng cách nầy Ngài cứu vô số chúng sanh thoát khỏi khổ não trong cảnh giới địa ngục . Cảnh giới trong kinh Địa Tạng cũng là cảnh giới của tâm thức, cho nên người nào tự có thể "hanh tinh hóa tâm", khiến cho Đất Tâm trống không thì Trí Tuệ tự hiện, nghĩa là Bồ Tát Địa Tạng đã phá xong cửa ngục tâm thức cho người đó rồi. Thiền gia có câu " Đất tâm nếu trống không thì mặt trời Trí Tuệ tự chiếu ". Nếu Đất tâm bị qúa nhiều dính nhiễm do nghiệp thiện hoặc nghiệp ác trong qúa khứ, thì vào giờ phút lâm chung thần thức người đó sẽ bị chiêu cảm vào cảnh giới tương ưng. Trong bài "Bóng Hồng" Đức Huỳnh Giáo Chủ có viết ra mấy câu: Ai mà xét đến ăn năn, Quày đầu hướng thiện bần tăng dắt giùm. Ai đã từng làm việc bất lành, nay biết ăn năn hối cải, thành tâm tu hành cũng được Thầy Tổ dắt dìu. Nhà Phật có câu: "Buông dao đồ tể là thành Phật", hay "Biển khổ mênh mông quay đầu là bến". "Buông dao", "quay đầu" có nghĩa là buông bỏ đời sống ô nhiễm, trở lại con đường thực hành các phương pháp tu như các Tông phái đã từng chỉ dạy để "thanh tịnh hóa tâm". Ý niệm về thiên đàng và địa ngục được hình thành từ thời xa xưa đồng thời cũng xuất hiện về ông Trời, Thượng Đế, Thiên Đàng về các loại Thánh Thần...Tôn giáo nào cũng nói đến sự thưởng phạt sau khi chết. Ai được thưởng thì được sanh lên thiên đàng hưởng phước, bị phạt thì đày xuống địa ngục chịu tội . Trong tiềm thức của mỗi người tin rằng sau khi con người chết, linh hồn xuống âm phủ sẽ được vua Diêm Vương phán xét công và tội về việc làm trên dương thế để quyết định sự thưởng phạt, hoặc cho lên cõi Thiên hưởng phước hoặc đẩy vào Địa ngục chịu muôn vàn khốn khổ. Người tín đồ Thiên chúa giáo tin vào lời phán dạy của Chúa sẽ được cứu rỗi về nước Chúa hay Thiên đàng ; ở đó không có những khổ đau triền miên như trong cuộc sống hiện tại nầỵ Ấn độ giáo cũng như nhiều tôn giáo khác ở Ấn Độ thời cổ đại đã đặt niềm tin vào đấng Phạm thiên (Brahman) sáng tạo thế giới và một cõi Trời đầy hoan lạc dành cho ai biết làm việc thiện và thờ phụng đấng Phạm thiên. Nhà tiên tri Mohamed, người sáng lập Hồi giáo, dạy tín đồ rằng có một Thiên đàng dành cho những ai tin vào đấng Allah, biết thực hành việc bố thí, ăn chay (theo cách của đạo Hồi), hành hương đến thánh địa Mecca,giữ đúng theo lễ nghi của đạo Hồi . Có một cây cầu bảy nhịp rất nhỏ vào Thiên đàng ấỵ Nếu những ai gây ra tội lỗi, thiếu đức tin, đến khi qua cầu sẽ bị rơi ngã trước khi đến Thiên đàng. Nơi họ rơi ngã chính là Địa ngục. Thiên đàng được xem như là phần thưởng xứng đáng dành cho người lương thiện và Địa ngục là nơi trừng phạt thích đáng dành cho kẻ xấu ác. Tích truyện trong nhà Phật kể lại cuộc tranh luận giữa hai thanh niên Bà la môn về những phương thức tu tập giúp đạt đến sự thể nhập với đấng Phạm thiên. Hai thanh niên nầy là đệ tử của hai vị thầy Bà la môn danh tiếng. Cuộc tranh cải không đi đến kết qủa thỏa đáng và hai thanh niên nầy quyết tìm đến hỏi ý kiến Đức Phật. Sau khi hỏi rõ về nội dung tranh luận giữa hai thanh niên, Đức Phật hỏi lại cả hai rằng: "Trong số những vị Bà la môn truyền dạy các phương thức tu tập đạt đến sự thể nhập với đấng Phạm thiên, có ai tận mắt nhìn thấy Phạm thiên hay không? ". Câu trả lời của cả hai người là "không". Đức Phật lại hỏi tiếp: "Các bậc thầy của họ trước đây, cho đến những vị xa xưa nhất đã sáng tác những câu thần chú của đạo Bà la môn mà đến nay vẫn còn truyền tụng, liệu có ai đã nhận tận mắt nhìn thấy Phạm thiên hay không? ". Câu trả lời vẫn là không. Đức Phật hỏi tiếp: "Nếu tất cả bọn họ đều chưa từng nhìn thấy Phạm thiên, cũng không biết đấng Phạm thiên ở đâu, từ đâu đến và sẽ đi về đâu, thì liệu những lời dạy của họ về phương thức để đạt đến sự thể nhập với Phạm thiên có thể là chính xác và hợp lý không?". Câu trả lời tất nhiên là "không". Qua ba câu hỏi trên, hai thanh niên đã nhận ra được tính phi lý trong lời dạy của các vị Bà la môn. Sau đó Đức Phật kết luận: "Những người không thấy, không biết về một vấn đề,lại chỉ dạy cho người khác về vấn đề ấy, có khác nào như một chuổi người mù ôm lưng nhau. Người đi trước không thấy, người đi giữa không thấy, người đi cuối cũng không thấỵ Như vậy dựa vào đâu để có thể đi đúng đường?. Những lời dạy như thế chỉ có thể là những lời hoàn toàn vô lý và đáng chê cười". Kế đó Đức Phật giảng giải về đời sống của người tu tập phải biết kềm chế không buông thả theo năm sự khoái lạc do giác quan mang lại như mắt chạy theo hình sắc, say đắm trong sự khoái lạc do hình sắc đẹp đẻ mang lại; tai chạy theo âm thanh, say đắm trong sự khoái lạc do âm thanh êm dịu mang lại; mũi chạy theo mùi vị,say đắm trong sự khoái lạc do những mùi hương thơm mang lại; lưỡi chạy theo vị nếm,say đắm trong sự khoái lạc do vị ngon ngọt mang lại; thân chạy theo sự xúc chạm êm ái, dễ chịu mang lại. Đức Phật cũng chỉ rõ là nếu các vị Bà la môn không hề biết tu tập, kềm chế ngũ dục lạc trong đời sống của họ, thì họ chỉ có thể bị mê đắm, trói buộc chớ không thể đạt đến sự giải thoát tự tại. Đức Phật cũng nói về những đức tính của đấng Phạm thiên như trong kinh điển của đạo Bà la môn. Đấng Phạm thiên đạt được sự tự tại và không có tâm ái dục, sân hận, ô nhiễm. Ngài chỉ rõ, nếu các vị Bà la môn không đạt được sự tự tại, vẫn còn mang tâm ái dục, sân hận, ô nhiễm, các vị ấy tất yếu là không thể đạt đến sự thể nhập hay chung sống với đấng Phạm thiên. Qua Kinh dẫn trên, bằng một phương pháp biệnluận rất khoa học mà Đức Phật đã vận dụng để chỉ rõ và thuyết phục hai thanh niên Bà la môn nhận ra con đường sai lầm mà họ đang theo đuổi. Nhận ra điều đó, hai thanh niên nầy đã quy y Tam Bảo và thề trọn đời tu tập theo Chánh pháp. Niềm tin Thiên đàng và Địa ngục đã hình thành trước Phật Thích Ca ra đời tại Ấn Độ. Tuy nhiên,Ngài đã phủ nhận những cách hiểu theo truyền thống mà nhận thức lại toàn bộ vấn đề và đưa ra lời dạy không giống các tôn giáo khác. Cách hiểu Thiên đàng và Địa ngục của đạo Phật hoàn toàn khác biệt. Đức Phật không nói thiên đàng, nhưng thừa nhận một khái niệm có phần nào tương tự là thiên giới hay cõi trời của chư Thiên. Đức Phật dạy rằng những ai sinh về thiên giới hay các cõi trời là hoàn toàn do những việc lành mà họ đã làm, chứ không liên quan đến việc họ có tin hay không tin vào một tôn giáo nào đó. Ngài không thừa nhận thiên đàng và địa ngục như là những hình thức thưởng phạt dành cho những ai có hoặc không có đức tin. Ngài đưa ra giáo lý Nhơn Qủa để giải thích cho các khái niệm nầỵ Kinh Pháp Cú câu 1, Đức Phật dạy: "Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo tác; Nếu với ý ô nhiễm, Nói lên hay hành động, Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo" Chính tâm ý dẫn đầu các pháp,tâm là tối thượng, mọi hành động đều do tâm ý hướng dẫn. Tâm tạo ra thiện hoặc ác. Nếu chúng ta nói hay hành động với ý xấu hoặc với ác tâm thì khổ não và bất hạnh sẽ theo chúng ta như cái bánh xe lăn theo bước chân của con vật kéo xe . Kinh Pháp Cú câu 2, Đức Phật dạy: "Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo tác; Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng không rời hình" Nếu ta nói hay hành động với tâm ý tốt, với thiện tâm, thời hạnh phúc và an lạc theo ta như bóng theo hình. Đức Phật đã dạy chúng ta rằng theo luật Nhơn Qủa thì con người có hai cách xử sự và mỗi cách đưa đến một hậu qủa khác nhau. Hậu qủa tốt hay xấu đều do hành vi của con người làm trong qúa khứ hay đang làm trong hiện tại, đều là trách nhiệm của mình. Điều thiện điều lành sẽ tạo nghiệp thiện và đưa đến an lạc, hạnh phúc. Điều xấu ác sẽ tạo nghiệp dữ và đưa đến khổ đau. Không có một đấng thiêng liêng nào thưởng phạt con người. Chính con người tự thưởng hay phạt mình bằng những hành động của chính mình. Ai gieo thứ nào thì sẽ gặt hái thứ ấy. Đức Phật đã dạy Mười điều lành ( Thập thiện )mà bất cứ ai làm theo đúng như vậy đều được sanh về cõi Trời hưởng phước vui thú ở đây, bất kể người đó tin hay không tin theo tôn giáo nào . Mười điều lành bao gồm như sau: 1- Không sát sanh, thường phóng sanh. 2- Không trộm cắp, thường hay bố thí. 3-Không tà dâm, giữ lòng chung thủy. 4-Không nói dối, chỉ nói lời thành thật chánh đáng. 5-Không bao biếm, nói lời trang nghiêm êm ái. 6-Không nói lời độc ác, nói lời dịu dàng, ôn hòa, đoan trang, nghiêm chỉnh. 7-Không nói lời gây chia rẻ. Chẳng nên tráo chác với người, phải dùng lời chơn chất. 8-Không tham lam,luôn quán xét mọi vật trên đời đều gỉa tạm không thường tồn. 9- Không sân nộ,tu tập hạnh từ bi, nhẫn nhục. 10-Không si mê tà kiến, dùng chánh kiến suy xét vấn đề. Mười điều lành trên đây không mang màu sắc riêng biệt của một tôn giáo nào và được xem là tốt đẹp đối với tất cả mọi người. Khi một người thực hành Mười điều lành, người ấy chắc chắn sẽ được sinh về cõi Trời như một kết qủa tất nhiên của những việc làm lành mà họ đã làm. Cũng tương tự như vậy, cách hiểu về địa ngục của đạo Phật cũng không giống như các tôn giáo khác. Thiên giới hay cõi Trời là nơi thác sanh của những người thực hiện Mười điều lành thì địa ngục là nơi chờ đón nhữnh ai làm ngược lại Mười điều lành tức là làm Mười điều ác (Thập ác). Nếu chúng ta thực hiện Mười điều ác là chúng ta tự ký vào bản án thọ hình nơi địa ngục do hành vi tạo tác của chúng ta quyết định. Câu chuyện ẩn dụ về tự tu tự độ như sau: Một hôm thiền sư Pháp Nhãn hỏi đại chúng: - Cổ cọp mang lục lạc, người nào mở ra được? Đại chúng không đáp được. Khi đó ngài Pháp Đăng hiệu Thái Khâm đi ngang qua, thiền sư Pháp Nhãn hỏi, Sư liền nói: - Người nào đã cột vào nó, thì chính người đó mở lục lạc cho nó là xong. Câu chuyện nói lên tính chất của quy luật nhơn qủa, người nào tạo nhân thì người đó lảnh qủa, người nào ăn thì người đó no, người nào biết thanh tịnh hóa tâm thì người đó giác ngộ. Thiên đàng hay địa ngục thể hiện trong tâm ta ngay trong cuộc sống nầỵ Khi một tâm niệm bất thiện khởi lên, cánh cửa địa ngục sẽ mở ra chờ đón chúng ta. Ngược lại, khi một tâm thiện khởi lên thì cửa địa ngục khép lại. Có lần một võ sĩ tìm đến thiền sư Bạch Ấn và hỏi: -Tôi là một võ sĩ giữ nước, báo đền vua, không biết ngày nào mất mạng. Nghe nói con người sau khi chết sẽ đi đến một trong hai thế giới hoàn toàn khác nhau là thiên đàng hay địa ngục, xin hỏi thiên đàng và địa ngục khác nhau thế nào? Cao tăng nhìn võ sĩ rồi thong thả đáp: - Anh bốn mươi tuổi đã nhận được bổng lộc của triều đình, nhưng đến năm mươi tuổi vẫn không biết giác ngộ, giống như người không có trí, ta thật không muốn trả lời câu hỏi nầy của anh. Lời lẽ của cao tăng như thế, khiến cho tâm sân của võ sĩ nổi lên. Ông không trả lời câu hỏi của ta thì thôi, còn dám làm tổn thương ta. Ta phải chém ông làm hai khúc mới hả giận nầỵ Nói xong rút đao toan chém đầu cao tăng. Lúc đó cao tăng mới nói: - Ngươi đang bước vào địa ngục! Võ sĩ nghe xong chợt tỉnh ngộ, vội cúi đầu tạ lỗi: - Thưa cụ tôi sai rồi, xin hãy thứ lỗi. Giờ thì tôi đã hiểu địa ngục như thế nào! Cao tăng nói tiếp: - Ngươi đang hướng đến thế giới cực lạc đấy. Đáng mừng! Đáng mừng! Chỉ trong một ý nghĩ, địa ngục biến thành thiên đàng. Mỗi ngày, chúng ta hãy bình tâm suy nghĩ lại lời nói và việc làm của mình, chúng ta dễ nhận ra có nhiều lần cửa địa ngục hé mở, ngay cả có lần chúng ta đã bước vào đó, nhưng may thay chúng ta chợt tỉnh quay lưng lại là ngay tức khắc chúng ta nhìn thấy cửa thiên đàng. Trong biển khổ mênh mông, chúng ta cứ mãi say mê mùi tục lụy mà không chịu buông xả. Trong cảnh rộn ràng bận bịu của nhân sinh, chúng ta đừng để đời mình trôi qua trong vô nghĩa . Rồi đến lúc sinh mệnh sắp chấm dứt, chúng ta chỉ biết nhìn vào cái chết với tâm trạng sầu thương và bất lực . Đức Huỳnh Giáo Chủ thức tỉnh lòng người trong bài "Tỉnh Bạn Trần Gian" có câu: Thiên đường siêu thóat thời thong thả , Địa ngục trầm luân ắt đảo điên . Nên chọn một nơi thanh tịnh ấy, Rứt trần bất nhiễm mới là yên. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không khép lại cánh cửa địa ngục thì không thể tránh khỏi một tương lai đen tối vì chúng ta không có nhiều cơ hội nữa một khi vô thường đến chấm dứt đời sống nầy. Chúng ta không thể chờ đợi lâu thêm nữa mà hãy "Tu kíp kíp nếu không qúa trể", cho nên trong giây phút hiện tại nầy của đời sống phải nổ lực thoát khỏi vòng cương tỏa gây khổ đau cho tâm hồn và Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy chúng ta cách thoát khổ: Tham, Sân, Si chớ để trong lòng, Phải giữ lòng cho được sạch trong. Mới thóat khỏi trong vòng bịnh khổ, (Kệ Dân Q2) Nam Mô Bổn Sư Thích Ca mâu Ni Phật Nam Mô A Di Đà Phật Phan Thanh Nhàn Ngày 4 tháng 8 năm 2014