TINH TẤN ***Trong quyển Tôn Chỉ hành đạo nơi tác phẩm “8 điều răn cấm”, điều thứ nhì Đức Thầy có dạy: “Ta chẳng nên lười biếng phải cần kiệm sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất…” Xem qua điều răn cấm thứ nhì vừa rồi, chúng ta thấy Ngài đã dạy phải sốt sắng tức là phải tinh tấn trong việc làm ăn cũng như việc tu hiền. Và rõ ràng hơn Ngài dạy thêm rằng: “Chánh tinh tấn dầu thành hay bại, Cứ một lòng tín ngưỡng của mình, Dầu cho ai phá rối đức tin Ta cũng cứ một đường đi tới”. Vậy tinh tấn là gì? Tinh tấn tức là tín ngưỡng chơn chánh và lướt tới. Con người sống trên đời nếu để cho thị dục cám dỗ tất phế bỏ nền cương kỷ đạo lý, làm cho thối hóa trên bước đường tu hành rồi phải sa đọa vào nơi hư hèn thấp kém. Đức Thầy đã thống trách, nhủ khuyên: “Kẻ vô tình chẳng có chí bền, Phải sa ngã theo nơi mộng ảo”. Con người trong lĩnh vực tu hành, như thuyền đi ngược nước và còn gặp sóng to gió lớn. Người tu còn gặp bao nghịch cảnh xô bồ đưa đến, nào bịnh tật ốm đau, nghèo đói, tàn tật, chết chóc…Vì vậy bất cứ trong việc gì ta phải luôn luôn tinh tấn mong thâu gặt được kết quả. Nhứt là người tu nếu không tinh tấn thêm lên, tất phải “ bán đồ nhi phế” bỏ dỡ bao công tình tu tập tự xưa nay. Xem như: “Lúc Tam Tạng Tây Phương quyết đáo Bị loài yêu làm bạo lắm phen”. nhưng với ý chí cương quyết, dũng mãnh nên Ngài đã thắng phục được mọi trở lực trên con đường đi đến Tây Phương. Đức Thích Ca trước khi đắc đạo, Ngài cũng trải bao phen chiến đấu với ma vương, thắng phục được thất tình lục dục, diệt vọng niệm trần lao, phá vỡ tham, sân, si, nhân ngả nên Ngài mới hoàn thành quả Phật. Đức Giáo Chủ đã nhiều lần nhắc nhở đến gương hạnh ấy : “Nhớ thuở trước oai linh Phật Tổ, Phép thần thông trừ lũ ma vương, Chốn rừng tòng ngồi chịu nắng sương. Tìm đạo lý hiến cho trần thế”. Và hôm nay, gương phẩm của Đức Thầy qua bao nạn tai dồn dập, bao cuộc bắt bớ giam cầm trên con đường truyền giáo, nhưng với lòng tinh tấn bền bỉ nên chi đã vượt qua bao trở lực và Ngài cũng đã bày tỏ lòng mình, qua câu: “Dầu cho gặp phải nhiều cay đắng, Cũng nguyện đạo mầu sẽ chấn hương”. Một khi người tu có thực hành được lòng tinh tấn sẽ diệt được tánh giải đãi chần chờ, sự biếng nhác lần lựa và sẽ tiến xa trên đường giải thoát. Trái lại, chúng ta để cho tâm tư mãi chần chờ giải đãi thì chắc rằng: “Nếu chần chờ e trễ kỳ thi”. Vì NÓ là hàng rào ngăn chặn bước tiến hóa, là thành trì cố hữu cách biệt giữa phàm nhơn và Phật Thánh. Gương người cày ruộng đã cho chúng ta thấy rõ, trong 91 kiếp, gặp bảy vị Phật ra đời, nhưng vì lòng giải đãi nên anh cày ruộng, cũng hoàn ra cày ruộng, có được giải thoát đâu? Nếu chẳng nhờ Đức Phật Thích Ca kể lại tiền kiếp của anh cho đồ chúng nghe, làm gì anh sực tỉnh mộng đời, quy đầu Phật Pháp, để ngày kia anh thành tựu đạo mầu?! Đúng thế, nếu người tu mà mãi chần chờ, chẳng tinh tấn để tiến đến bờ giải thoát, siêng năng trong việc sớm, trưa, chiều, tối niệm tưởng Di Đà, năng tác thiện duyên, siêng hành Phật sự thì làm sao phủi sạch nợ trần để tiến đến chỗ tịch tịnh nhàn vui. Nhìn qua gương mặt nhăn nheo của thế hệ già nua, một thế hệ cằn cõi khô gầy hiện lên trong ánh mắt cô đơn, chắc gì tuổi xuân của chúng ta giữ mãi bền lâu, hay phải theo định lý di dịch ấy biến hoại theo dòng thời gian mà tiêu mòn thể xác? Và nếu ta đưa tầm nhãn quang nhìn ra những bải tha ma hoang lạnh, đã có biết bao nấm mồ thiếu niên đã vùi lấp tự bao giờ. Chớ đâu phải có thế hệ già nua là tiêu trầm chết mất! Vậy chúng ta là lứa tuổi đang vươn lên, là mầm non của thế hệ hiện tại, chúng ta rán tinh tấn cần chuyên tu hành, để khỏi nghe lời thống trách của cổ nhân: “Đừng để tuổi già mới tin theo Phật Bao nắm mồ hoang chôn rặt thiếu niên”. hay: “Mạc đãi lão lai phương niệm Phật, Cô phần đa thị thiếu niên nhân”. (Chớ đợi tuổi già lo niệm Phật, Thiếu chi mồ trẻ đã qua đời.) Trong hoàn cảnh thế gian hiện tại, những chuyện đưa đến, sắp xảy ra cận kề cho loài người với bao cuộc tang thương dâu bể, nào biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, độc tố trong thức ăn…Ôi sự rình rập đang âm thầm diễn ra trong bóng tối chập chờn. Cho nên “ta không thể chần chờ” mà phải gấp rút tinh tấn tu thân để thoát khổ. Và càng tinh tấn thêm lên, để phụng hành theo lời nhắn nhủ bảo khuyên của Đức Tôn Sư: “Hãy rán tu đặng mà chết, Chớ đừng để chết đến mà chẳng có tu”. Tóm lại, người tu chưa tinh tấn thì giờ phải tinh tấn; nếu đã tinh tấn càng tinh tấn thêm lên, phát triển hành động lợi tha giác chúng. Và hằng mặc niệm nơi lòng qua lời phán dạy của Đức Thích Tôn trước khi nhập diệt: “Hỡi các người! hãy tinh tấn lên để giải thoát!” Cư sĩ Nguyễn Văn Lía