TRUNG ĐẠO Phan Thanh Nhàn T

Thảo luận trong 'Pháp-Luận' bắt đầu bởi Buile, 25/11/15.

  1. Buile

    Buile Member


    TRUNG ĐẠO
    Phan Thanh Nhàn

    Thắng Thất Tình giữ vẹn Đạo Trung,
    Trừ Lục Dục chớ cho ô nhiễm.

    (Lời của Đức HUỲNH GIÁO CHỦ)

    Hai câu giảng trên chúng tôi trích từ quyển "KHUYẾN THIỆN" tức là quyển thứ năm của ĐỨC THẦY viết năm 1941 taị Chợ Quán. Đức Thầy bảo chúng ta hãy thắng Thất Tình. Vậy Thất Tình là gì? Là Mừng, Giận, Thương, Vui, Yêu, Ghét,Muốn, và trừ Lục Dục. Lục Dục là Danh vị, Tài lợi,Sắc đẹp, Tư vị,Hư vọng, Tật đố.
    Mười ba chướng nghiệp nầy gọi là Thập tam Ma. Người tu muốn hàng phục chúng cần phải có trí sáng để phá vô minh. Khi trí huệ được sáng mầu và dẹp xong Thất tình, Lục dục, chính là được giải thoát tại thế gian nầy chớ không cần đến khi nhắm mắt lìa đời. Đức Thầy đã chỉ cho chúng ta phương cách diệt ma nghiệp: Thập tam Ma diệt bằng trí kiếm, Rứt xong rồi vô sự thảnh thơi.
    (Khuyến Thiện Q5)
    Ở đây, chúng tôi muốn tìm hiểu về giáo nghĩa của "Trung Đạo", là con đường Đức Phật đã khám phá để dẫn dắt chúng sanh phá mê khai ngộ.

    Nước Ấn Độ thời xa xưa, nổi danh có nhiều vị hiền triết và giáo chủ lỗi lạc. Mỗi vị có một quan kiến khác nhau về mục tiêu của đời sống. Thời kỳ đó có hai quan kiến rõ nét nhất:
    I- Quan kiến chủ trương sống theo vật chất, cho rằng sau khi chết con người hoàn toàn tiêu diệt, bỏ lại tất cả mọi năng lực phát nguyện trong đời sống. Chết là hết, là chấm dứt tất cả. Chỉ có thế gian hiện tại là thực tiễn "Hãy ăn uống và tận hưởng mọi lạc thú, vì cái chết đến không chừa một ai". Đối với những người nầy "Đạo đức là một ảo tưởng, chỉ có khoái lạc là thực tiễn. Chết là mức cuối cùng của đời sống. Tôn giáo là một thác loạn điên cuồng, một chứng bệnh thần kinh. Có sự ngờ vực tất cả những gì tốt đẹp, cao cả trong sạch. Lý thuyết của họ chủ trương thỏa mãn dục vọng lợi kỷ, không cần phải kiểm soát khát vọng và bản năng, cho rằng đó là phần di sản thiên nhiên của con người".

    II- Quan kiến thứ hai chủ trương rằng chỉ có đời sống khổ hạnh mới có thể đưa con người đến giải thoát. Đó là giáo lý thuần tuý đạo đức mà những nhà tu khổ hạnh cho là lý tưởng và hết sức bênh vực.
    Trước khi đắc qủa Vô thượng, Chánh đẳng, Chánh giác, Đức Phật cũng hành theo tôn chỉ nầy và khép mình vào mọi hình thức khắc khổ. Sau sáu năm phấn đấu can cường, Ngài nhận định rằng lối tu khổ hạnh qủa thật vô ích. Từ đó, Ngài thay đổi phương pháp, qua Trung Đạo. Năm bạn đồng tu thấy vậy mất hết niềm tin, bỏ Ngài ra đi và nói: "Đạo sĩ Gotama (Đức Phật sau nầy) đã trở lại đời sống xa hoa, đã chấm dứt cố gắng và đã trở về đời sống tiện nghi phong phú".
    Ngài không cảm thấy cô đơn, trái lại tăng thêm ý chí sắt đá vững mạnh. Với lòng nhiệt thành không suy giảm và năng lực phục hồi, Ngài kiên trì tinh tấn cho đến đạt thành Chánh Giác, mục tiêu cứu cánh của Ngài.
    Bài pháp đầu tiên của Đức Thế Tôn giảng tại vườn Lộc Giả gọi là Dhammacakka. Dhamma có nghĩa là chân lý và cakka là bánh xe "Bánh xe Chân lý". Trong bài pháp quan trọng nầy, Đức Phật truyền bá con đường "Trung Đạo" mà Ngài đã khám phá, cũng là tinh hoa giáo lý của Ngài. Với giáo lý nầy, Ngài chỉ dạy năm vị Tỳ kheo (những vị đồng tu khổ hạnh với Ngài trước kia) cũng là đệ tử đầu tiên của Ngài.
    Mở đầu bài pháp, Đức Phật khuyên năm vị đạo sĩ khổ hạnh nên xa lánh hai lối tu cực đoan là lợi dưỡng và khổ hạnh, vì hai lối tu nầy đều không dẫn đến trạng thái an lạc và toàn giác. Lợi dưỡng làm chậm trể tiến bộ tinh thần. Khổ hạnh làm giảm suy trí thức. Ngài dạy như sau: " Nầy các Tỳ kheo, có hai cực đoan mà hàng xuất gia không nên nương nhờ: 1-Sự dễ duôi trong dục lạc là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc thánh nhân và vô ích. 2- Sự thiết tha gắn bó trong lối tu khổ hạnh là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc thánh nhân và vô ích.
    Ở điểm cực đoan một, Đức Phật chỉ những người liên tục luyến ái, mãi trôi lăn theo nhục dục, ngũ trầnlà thấp hèn, thô bỉ,phàm tục. Chúng ta không nên hiểu lầm lời Phật dạy, cho rằng Đức Phật mong muốn tất cả tín đồ đều từ bỏ moị thú vui vật chất, đi vào rừng sâu vắng vẻ, không thọ hưởng đời sống. Ngài đâu có hẹp hòi như thế . Với ai biết điềm tỉnh suy tư, khoái lạc vật chất qủa là ngắn ngủi, không khi nào được thoả mãn trọn vẹn, hậu qủa đưa đến những bất hạnh. Đề cập đến hạnh phúc ở trần gian, Đức Phật dạy thâu thập tài sản và hưởng thọ tài sản đã thâu thập là hai nguồn vui thích của người tại gia cư sĩ.
    Trái với lợi dưỡng, ở điểm cực đoan hai nầy là kiên trí trong lối tu khổ hạnh. Đức Phật dạy đây là phương pháp đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc thánh nhân và vô bổ. Đức Phật đã tự bản thân kinh nghiệm lối tu khổ hạnh ấỵ Ngài miêu tả nó là vô ích làm tăng đau khổ chớ không suy giảm.
    Ngài chỉ trích cả hai vì chính bản thân Ngài đã tích cực theo lối cực đoan ấy, nhưng cả hai đều không dẫn đến mục tiêu cứu cánh. Đức Phật thuyết giảng rõ vấn đề và làm sáng tỏ các ý niệm sai lầm của hai cực đoan nầy, nên Ngài theo con đường ở khoảng giữa là " Trung Đạo ". Đạo hay con đường mới nầy do chính Ngài đã khám phá ra, Đức Phật gọi hệ thống mới nầy là Majjhima Patipada (Trung Đạo).
    Đức Phật giảng tiếp: "Nầy các Tỳ kheo, con đường "Trung Đạo" mà Như Lai đã chứng ngộ, con đường đem lại nhãn quan, tri kiến và đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu,gíac ngộ và Niết Bàn, là gi ? Đó chính là Bát Chánh Đạo (con đường có tám chi) - Là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Nầy các Tỳ kheo đó là Trung Đạo mà Như Lai đã chứng ngộ".
    Đức Phật cũng giảng tiếp về Tứ Diệu Đế là pháp đầu tiên để độ đời. Bốn chân lý nầy là nền tảng của giáo lý nhà Phật. Kinh Pháp Cú ghi: "Con đường cao thượng nhất là Bát Chánh Đạo, Chân lýcao thượng nhất là Tứ Đế. Không luyến aí là trạng thái tâm cao thượng nhất, Cao thượng nhất trong các loài có hai chân là Đấng Toàn Giác"
    Đức Phật dạy chúng ta hãy vất bỏ mọi thái cực, hãy thiệt hành theo con đường chơn chánh dẫn đến nơi thoát khỏi sanh tử. Không có khoái lạc và đau khổ trên đường nầy, cũng không có thiện và ác, tốt và xấu. Một khi dính mắc vào hạnh phúc và đau khổ, tốt và xấu, thì không thể đi trên Trung Đạo, khôngthể trở thành người trí, không thể giải thóat được.
    Đức Thầy (Đức Huỳnh Giáo Chủ ) viết ra lời văn bình dị, rõ ràng, dễ hiểu để dạy chúng ta thiệt hành theo đường "Trung Đạo" của Phật, hầu học Đạo mau thăng tiến: 1- Không trưởng dưỡng xác thịt qúa ư sung sướng như: ăn nhiều, ngủ nhiều, chẳng lo làm công chuyện, chẳng học hỏi, vi`sung sướng thái qúa thì sanh nhiều dục vọng mê đắm, làm cho trí đạo tối tăm, không thể đạt huệ được. 2-Không nên hành xác hay ép xác thái qúa như: phơi nắng dầm sương, bỏ ăn, bỏ ngủ, làm lụng qúa sức lực của mình, vì ép xác qúa độ thì hay sanh bịnh hoạn nhiều, người mà đã mang bịnh tật rồi, tinh thần kém cõi, nhọc mệt, trí hóa lu mờ, không đủ sức mà học Đạo đặng. Nên người biết Đạo chẳng ép xác thái qúa mà cũng chẳng để nó sung sướng qúa độ, chỉ ăn ngủ có chừng mực, làm việc vừa với sức mình, giữ gìn sức khỏe mới mong học được đạo pháp. Vậy Phật chẳng buộc ai phải ăn ở khổ hạnh và cũng chẳng biểu ai ăn ở sung sướng, chẳng ép ai ăn chay,chẳng xúi ai ăn mặn, tùy theo trình độ và lòng nhơn của mình. Điều cần yếu là phải: Làm hết các việc từ thiện, Tránh tất cả điều độc ác, Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch.

    Trong giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ, Ngài luôn nhắc chúng ta đừng quên con đường Chánh Đạo, vì đó là quyển kinh nhựt tụng của những ai muốn thóat chốn mê đồ, tấn triễn trên đường giải thóat: Chữ Bát Chánh rõ ràng trong giấy, Là chơn truyền của Đức Thích Ca. Người tu hành cần phải tìm ra,
    (Giác Mê Tâm Kệ Q4) Hay: Bớt phiền bớt não cuộc đời, Rán nghe lời dạy vậy thời hành ỵ Đạo mầu bát chánh rán ghi,
    (Dặn Đò Bổn Đạo)
    Hay:
    Câu bát chánh rán mài chạm dạ, Tứ mục điều người khá hành ỵ
    (Thiên Lý Ca)
    Hay:
    Thiền lâm Phật Thích thuở xưa kia, Non tuyết rèn ra bát chánh kìạ. Phổ hóa dân lành trong khắp chúng, Hoàn cầu bốn biển khắp danh biạ
    (Đến Làng Nhơn Nghĩa)
    Hay: Diệu thâm bát chánh lời truyền giáo, Xa thẳm Tứ Đề tiếng giục ông.
    (Cho Ông Nguyễn Kỳ Trân)
    Đức Thầy dạy tiếp: "Nếu ta tìm con đường bát chánh đạo của Phật mà đi, giữ tâm thanh tịnh , làm việc nhơn từ, không lòng hờn giận, chẳng dạ ghét ganh, chuyên tâm niệm Phật, giúp thế độ đời, đừng chứa điều phiền não và để bụng tham lam ích kỷ, gây mối thiện duyên, lần lần trí huệ mở mang,cõi lòng sáng suốt, thì màn vô minh sẽ bị diệt mất ". Khi vô minh bị diệt rồi thì hiện ra con đường giải thoát cho chúng ta lần bước tiến thủ cho đường tu.
    Con đường chúng ta đi rất thẳng, tỉnh lặng và chánh niệm dù phiền muộn hay phấn khởi nẩy sinh nó vẫn an tịnh. Nếu ta giữ được như thế, đường giải thoát của chúng ta không còn xa thẳm nữa.
    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
    Nam Mô A Di Đà Phật
    PHAN THANH NHÀN
    Ngày 25 tháng7 năm 2014
     

Chia sẻ trang này