Xoay quanh "tờ giấy chứng minh nhân dân" của nguyễn tấn đạt

Thảo luận trong 'Phản ảnh của tín đồ PGHH' bắt đầu bởi Tamtran, 31/1/14.

  1. Tamtran

    Tamtran Administrator


    XOAY QUANH "TỜ GIẤY CHỨNG MINH NHÂN DÂN" CỦA NGUYỄN TẤN ĐẠT
    NGÔ CÔNG CHẤT.

    Theo sự phát hiện của Ông Lê TấnTài, người hiện cư ngụ cùng làng với Ông Nguyễn Tấn Đạt thì trong tờ giấy CMND của ông Đạt mang số 350628025 do Công An Angiang cấp ngày 31 tháng 5 năm 2000, trong phần Tôn giáo được ghi là KHÔNG. Lập tức Ông Lê Tấn Tài viết ngay Giác Thư số 2 và tung lên mạng Internet. Tiếp đó là các ông Võ Văn Bửu ở Chợ Mới tung đòn “Thực Chất Nguyễn Tấn Đạt Và Những Hệ Quả” ngày 12/01/2014. Sau đó 2 ngày 14/01/2014 ông Lê Duy Tân ở Mỹ An Đồng Tháp Mười với “ Thanh Lý Môn Hộ” cùng ồn ào trên trang mạng Tự do!
    Không hiểu việc “lật tẩy” của ông Lê Tấn Tài sẽ đi đến đâu, nhưng một điều không thể chối cãi được là khi con bài tẩy được lật lên thì mọi người tín đồ PGHH đều bị té ngữa: - Trời! có thể như thế sao? Đây quả là một chuyện lạ nhưng có thật, mà có ngay trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Ương PGHH. Thế mới chết!

    Ở đời, mọi việc đều phải được chứng nhận rõ ràng, anh không có giấy phép Lái xe mà sử dụng xe là phạm pháp, tương tự như vậy nếu anh không phải là Đảng viên thì anh không thể lãnh đạo Tổ chức Đảng ấy được, giả như anh hiện đang lãnh đạo, mà qua kiểm tra anh không có Đảng thì thử hỏi nên để anh tiếp tục lãnh đạo Đảng, hay mọi người Đảng viên nên lôi anh xuống?
    Xoay quanh tờ giấy Chứng Minh Nhân Dân của Nguyễn Tấn Đạt cho dù là ai có khách quan đến đâu, có thiện cảm với đương sự cở nào, thì cũng phải đặt ra mấy trường hợp như sau:

    THỨ NHẤT: Nếu Nguyễn Tấn Đạt thực sự có là người Tín đồ PGHH thì vì lý do gì mà không dám khai sự thật, và trong tư cách của người giáo viên há Đạt không biết đây là hành vi man trá, vi phạm pháp luật hiện hành, không xứng là người giáo viên nhân dân, cần phải xa thải ngay chứ đâu đáng được leo lên lãnh đạo một nền Đạo mà trong đó có những bậc Cha Chú của mình. Không dám nhận mình thật sự là người tín đồ PGHH là hèn nhát.

    THỨ HAI: Nguyễn Tấn Đạt thực sự là người không có Tôn giáo thì đây là hành vi quang minh chánh đại của trượng phu, nhưng nếu như vậy thì sau khi có ai đó muốn giao phó cho mình điều hành một nền Đạo mà mình không có ở “trong ấy” lại không dám chối từ thì rõ ràng mình còn tệ hơn một kẻ tiểu nhân.

    Đó là những trường hợp giả định, nhưng đáng tiếc thay việc không tưởng ấy đã xảy ra gần 15 năm nay. Người ta thử hỏi đáng lẽ vấn đề sẽ được dấu nhẹm đến hết đời (lãnh đạo Đạo không có về hưu), nhưng Nguyễn Tấn Đạt đã gây nên nghiệp báo gì mà sớm bị phanh phui như vậy ? Nhớ lại những năm PGHH mới được Nhà nước cho phép hoạt động, có một số người là tín đồ PGHH chính thống như các vị : Hà Hải ở Nhơn Mỹ, Võ Văn Thanh Liêm ở Long Điền A, Anh em Minh-Thiện, Hu
    ệ-Thọ ở Ô Môn, Cần Thơ và gần đây vụ việc của Dương Văn Thả (Hai Thả), có nhiều hoạt động không theo rập khuôn như tổ chức Trung Ương PGHH do Nguyễn Tấn Đạt lãnh đạo, đều bị chính Nguyễn Tấn Đạt, hoặc bằng tuyên bố, bằng văn bản thông báo họ là những người không phải là tín đồ PGHH . Một con người ngay chính căn cước của mình ghi là KHÔNG có Tôn giáo mà lại cho những người có Đạo PGHH hẳn hoi là không phải tín đồ, quả là nực cười! Phải chăng chính vì sự “coi trời bằng vung” nên Nguyễn Tấn Đạt phải chịu trả nghiệp bằng vào việc đánh rớt ra ngoài cái “bí mật” chết mang theo. Bây giờ thì không còn gì có thể phân bua được nữa.

    Nghe đâu, qua hành vi nhặt được “của rơi” mà ông Lê Tấn Tài đã được Công An huyện Phú Tân mời lấy khẩu cung đến hai lần, và lần sau cùng người cán bộ Công an làm việc với Lê Tấn Tài lại đưa ra một đề nghị lạ lùng là: Yêu cầu ông Tài không tiếp tục tán phát sự phát hiện KHÔNG Tôn giáo của Nguyễn Tấn Đạt nữa ! Sau lại có thể như thế được nhỉ? Trong khi, chẳng những Chính phủ đang kêu gọi toàn dân, bằng trách nhiệm của mình can đảm tố giác, mà còn ban hành hẳn một bộ luật về Tố cáo và đã quy định nghiêm nhặt ở CHƯƠNG I – Điều 8 quy định 14 hành vi bị nghiêm cấm, đối với các cấp cán bộ nhà nước, hầu ngăn chận kịp thời mọi tham ô trù dập, hống hách cửa quyền hiếp bức nhân dân đó hay sao? Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn còn sờ sờ ra đó các điều khoản bảo vệ người tố giác, vậy thì hành động của Lê Tấn Tài không phải là hành vi Tố Giác thì là hành động gì? Phá hoại ư? Can đảm chỉ đích danh người gian trá, giúp cho một tổ chức Tôn giáo ở cấp Trung Ương “thuần khiết” hàng ngủ của mình là phá hoại sao?

    Trước đây, trong những kỳ ứng cử vào chức danh Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Đạt cũng đã bịt mắt được nhiều người vì tin vào Chức Việc Ủy Viên Thường Trực của Ban Đại Diện PGHH thời 1999, trong những người cả tin ấy còn có cả những vị Chức Sắc Trung Ương Giáo Hội cũ trước năm 1975, những người này cho rằng việc Nguyễn Tấn Đạt được đề xuất ứng cử vào cơ quan quyền lực của Nhà nước là một điều tốt cho PGHH, vì dù sao ông Đạt cũng là người tín đồ PGHH nên những mong muốn lẫn những khó khăn của đoàn thể Tôn giáo PGHH cũng sẽ được đạo đạt đến Chính phủ Trung Ương (Ở đây, người viết không hề đá động gì đến cái tư cách Đại biểu của Nguyễn Tấn Đạt ở Quốc Hội, mà chỉ nói đến cái tư cách Lãnh đạo Giáo hội của ông Đạt mà thôi). Giờ thì các vị cử tri ủng hộ Nguyễn Tấn Đạt ấy chắc cũng đã tỉnh ngộ!

    Thấm thoát mà nhiệm kỳ của Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội PGHH đã hết hạn, vậy thì ông Nguyễn Tấn Đạt sẽ “ăn nói” sau đây về tấm giấy Chứng Minh Nhân Dân “chết tiệt” ấy! Hay cũng nói như ông cán bộ Công An Phú Tân làm việc với ông Lê Tấn Tài là hiện tại ông Đạt đang sử dụng giấy chứng minh mới từ năm 2010, mà tấm giấy này trong mục Tôn Giáo có ghi là HÒA HẢO! Nói như vậy để nghe chơi thì được nhưng dùng để xác định lại tấm lòng “Một đời một Đạo đến ngày chung thân” của PGHH thì không thể, bởi vì ngay từ năm 1999 anh đã có mặt trong hàng ngũ Lãnh đạo Trung Ương PGHH mà đến năm sau (năm 2000) anh vẫn còn khẳng định mình KHÔNG CÓ TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO thì điều đó đã nói lên được gì? Có phải chăng anh muốn nói rằng “Tôi vốn là người không có Đạo nhưng tại vì có ai đó ép tôi phải lãnh đạo các người mà thôi !” Nếu là như vậy, thì anh không có cái Dũng cần phải có của một con người, đành chịu khuất phục trước áp đặt của người khác sao? Hay là anh muốn ngầm ám chỉ cho những người giành sẳn ghế Đạo cho anh ngồi, là không sáng suốt, vậy anh chính là kẻ bội bạc không ra gì! Ngoài hai lập luận này xét thấy Nguyễn Tấn Đạt không thể biện luận được gì ngoài hai suy nghĩ trên.

    Còn như cho rằng, đến năm 2010 anh đã thức tỉnh quy y theo PGHH thì anh chính là một tín đồ “con non” thì làm sao chỉ mới 3 năm mà anh lại có thể lãnh đạo được khối tín đồ chiếm đến 80% ở khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long này được? Đấy là chưa nói đến có nhiều người sẽ cho rằng sau 10 năm ở cương vị này Nguyễn Tấn Đạt anh, thấy “kiếm ăn” được nên sửa cái thành phần Tôn giáo cho “ăn chắc”…

    Trở lại vấn đề sắp tới, Nguyễn Tấn Đạt có còn tiếp tục ngồi vào chiếc chông chênh ấy nữa hay không, thiết nghĩ chúng ta, người tín đồ PGHH cần phải xét lại mấy vấn đề thực tại khách quan sau đây:
    Một là trong cơ chế SUY CỬ người ta vẫn còn có thể sử dụng lại Nguyễn Tấn Đạt thì người tín đồ PGHH cũng đành phải bó tay, nhưng chúng ta cũng vẫn hy vọng rằng với sự kịp thời thức tỉnh của đại đa số các Ban Trị Sự địa phương như Đồng Tháp, Rạch Giá, Vĩnh Long, Cà Mau, Bến Tre, Cờ Đỏ… sẽ phát huy và tiếp nối sự tranh đấu của mình như trong vấn đề Thích Thiện Huệ vừa qua là rất tốt và có hiệu quả.
    Hai là cái khó khăn sắp tới không phải chỉ riêng cho những người tín đồ, mà còn cho cả Nguyễn Tấn Đạt nếu vẫn được tiếp tục sử dụng; Không ai lại nghe lời phán quyết của một người KHÔNG có ĐẠO! Nói dại mà nghe giả như trong một phiên hội nghị nào đó của Giáo hội, người nào phát biểu người tín đồ vẫn im lặng ngồi nghe một cách vô cùng lịch sự, nhưng nếu người phát biểu ấy là Nguyễn Tấn Đạt thì người tín đồ nào cũng đều có cái quyền đứng lên và bỏ ra ngoài bởi người phát biểu KHÔNG có ĐẠO, vì sau khi đặt lên bàn cân – dù là cân tiểu ly – người tín đồ PGHH vẫn không tìm thấy một lợi ích nào, dù điều lợi ích cho Đạo ấy rất là nhỏ nhoi.

    Trên tinh thần xây dựng một tổ chức đoàn thể Tôn giáo thuần khiết và vững mạnh, góp phần xây dựng vững chắc khối Đại Đoàn Kết Dân Tộc, cộng đồng PGHH đang chờ đợi một công cuộc TÁI CƠ CẤU lại thành phần lãnh đạo của Đạo, giúp cho khối tín đồ mạnh dạn thực hiện Tôn Chỉ VÌ ĐẠO PHÁP, VÌ DÂN TỘCĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ hằng đại nguyện.


    Thánh Địa Hòa Hảo, Cận Xuân 26 tháng Chạp năm Quý Tỵ
    Người Viết.

    Ngô Công Chất.
     

Chia sẻ trang này